Tìm kiếm tin tức
Trách nhiệm tiếp công dân
Ngày cập nhật 13/05/2014

 (Thanh tra)- Hỏi: Tình trạng công dân bị chỉ lòng vòng qua các địa chỉ để được… tiếp không phải là hiếm gặp. Luật Tiếp công dân qui định về trách nhiệm tiếp công dân của các cơ quan hành chính Nhà nước như thế nào? (Ông Nguyễn Văn Ba, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).

  •  

 Trách nhiệm tiếp công dân


Điều 4 Luật Tiếp công dân qui định về trách nhiệm tiếp công dân của các cơ quan Nhà nước như sau: Các cơ quan có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân bao gồm: Chính phủ; bộ, cơ quan ngang bộ, tổng cục và tổ chức tương đương; cục; UBND các cấp; cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các cơ quan của Quốc hội; Hội đồng nhân dân các cấp; Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước.

Tại khoản 2, điều này qui định: Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Khoản 3, Điều 4 nêu rõ: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức việc tiếp công dân phù hợp với yêu cầu, quy mô, tính chất hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Căn cứ vào quy định của Luật này, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội quy định về việc tiếp công dân trong cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống mình; Chính phủ quy định cụ thể việc tiếp công dân tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với trường hợp ông nêu, đúng là trên thực tế, ở một số nơi, người đứng đầu cơ quan chưa thực sự quan tâm đến công tác tiếp công dân, chưa nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ trực tiếp tiếp công dân theo quy định. Chính vì vậy, Luật Tiếp công dân có qui định cụ thể về trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu đơn vị tại Điều 18.

Theo đó, người đứng đầu các cơ quan có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan mình: Ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân; bố trí địa điểm thuận lợi cho việc tiếp công dân; bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ việc tiếp công dân; phân công cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân thường xuyên; phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tiếp công dân và xử lý vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung; kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có trách nhiệm thuộc quyền quản lý của mình thực hiện các quy định của pháp luật trong việc tiếp công dân; có trách nhiệm bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân; báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp công dân với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. 

Người đứng đầu các cơ quan có trách nhiệm trực tiếp thực hiện việc tiếp công dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình. Đồng thời thực hiện tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp: Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội. 

Khi tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan phải có ý kiến trả lời về việc giải quyết vụ việc cho công dân. Trường hợp chưa trả lời ngay được thì chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý của mình kịp thời xem xét, giải quyết và thông báo thời gian trả lời cho công dân.

ThS Dương Văn Huế, Phó Vụ trưởng Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư, Thanh tra Chính phủ ( www.thanhtra.com.vn)
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 199 khách