Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng
Ngày cập nhật 13/07/2016

Ngày 12/7, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình- Trưởng ban chỉ đạo chỉ  đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành; lãnh đạo UBND, Ban Nội chính tỉnh ủy, Thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, việc ban hành và thực hiện Luật PCTN năm 2005 đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, nhân dân về tác hại của tệ nạn tham nhũng; công tác PCTN đã đạt được những kết quả quan trọng, có những chuyển biến đáng ghi nhận trên mọi mặt.

Việc tự phát hiện tham nhũng thông qua công tác kiểm tra và nhất là qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng nhiều so với trước. Hiệu quả thu hồi tài sản qua công tác thanh tra, điều tra tội phạm tham nhũng có chuyển biến rõ rệt; vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, báo chí trong PCTN được đề cao; cơ chế bảo vệ, khen thưởng xứng đáng người tố cáo hành vi tham nhũng được xây dựng và tổ chức thực hiện, các sáng kiến PCTN của cộng đồng được khuyến khích, hỗ trợ thực hiện… góp phần quan trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của xã hội và mỗi người dân trong PCTN.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, cùng với những kết quảđạt được, công cuộc đổi mới đất nước đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó có tệ tham nhũng. Công tác PCTN hiện nay chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng; tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý Nhà nước, tiềm ẩn các xung đột lợi ích, phản kháng về xã hội, làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo.
Trình bày báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN tại hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu khẳng định, qua 10 năm thi hành, Luật PCTN đã thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân. Hệ thống bộ máy nhà nước, thể chế, chính sách được hoàn thiện hơn cùng với việc mở rộng công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

IMG_3653.JPG

Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh thực hiện, thường xuyên được rà soát, đánh giá, điều chỉnh, ngày càng phát huy hiệu quả. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, điều tra, xử lý với những bản án nghiêm minh đã có tác dụng răn đe, ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Đáng chú ý, qua hoạt động thanh tra cũng đã phát hiện 670 vụ với trên một nghìn tám trăm đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng với số tiền, tài sản liên quan là trên 1 nghìn tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 274 vụ, 429 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Cả nước có 918 người đứng đầu và cấp phó đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 118 trường hợp; xử lý kỷ luật 800 trường hợp. Đến nay, tỷ lệ kê khai tài sản, thu nhập đúng thời hạn đã đạt 99,5%, công khai đạt tỷ lệ 98,3%. Qua 10 năm đã xác minh được 4.859 trường hợp, phát hiện, xử lý kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực.
Tuy nhiên, nhiều hạn chế, yếu kém cũng được Tổng Thanh tra Chính phủPhan Văn Sáu chỉ rõ, đó là thể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn bất cập; công khai, minh bạch còn hạn chế. Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng hiệu quả thấp. Một số quy định của pháp luật liên quan tới việc phát hiện, xử lý tham nhũng không hợp lý, gây khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Hiệu quả phát hiện vụ việc tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chưa cao; các cơ quan chức năng vào cuộc chưa quyết liệt, thẩm quyền của các cơ quan này còn hạn chế, không đủ để làm rõ hành vi tham nhũng trong trường hợp đã phát hiện dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng.
Tại hội nghị, đại diện Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Bộ Tài chính, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Ninh, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội Cựu chiến binh đã trình bày tham luận về kết quả 10 năm thực hiện Luật PCTN và những đề xuất, kiến nghị.
 

Hội nghị cũng đã tuyên dương những tập thể, cá nhân trong cả nước có thành tích xuất sắc trong công tác PCTN. Theo đó, tặng Bằng khen cho 8 tập thể và 3 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Luật PCTN.

 

IMG_3649.JPG

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao ý kiến tham luận của các đại biểu về kết quả 10 năm thực hiện Luật PCTN cũng như những kiến nghị và đề xuất phương thức thực hiện trong thời gian tới. Các ý kiến tham luận cho thấy công tác PCTN của Chính phủ đã tạo được chuyển biến cả trong nhận thức và hành động, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.

Hầu hết các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được triển khai trên diện rộng tới từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Các cơ quan quản lý nhà nước đã điều phối có hiệu quả, tạo được sự phối hợp, thống nhất trong tổ chức thực hiện, nên từng bước đưa các hoạt động phòng ngừa tham nhũng vào nền nếp và ngày càng được tổ chức thực hiện tốt hơn trong cả hệ thống chính trị.
Về phương hướng, giải pháp và những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy, đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với công tác PCTN. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X) "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí" theo Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của Hội nghị Trung ương 5, khoá XI. Gắn chặt công tác PCTN với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khoá XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Kịp thời nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch, chương trình hành động tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và căn cứ tình hình thực tế của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị để chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể hằng năm.
Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương tiếp tục phát huy những ưu điểm, kết quả tích cực đạt được, đồng thời kiên quyết, quyết tâm khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém trong công tác PCTN, nhất là những hạn chế liên quan đến trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện; rà soát, đánh giá và đẩy nhanh việc xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế xã hội nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng.
Ban soạn thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cần nghiên cứu đầy đủ các nội dung hạn chế, vướng mắc về thể chế, chính sách đã được rút ra qua tổng kết và những phương án đề xuất, kiến nghị để chọn lọc, tiếp thu và đưa vào Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi).
Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế song phương và đa phương về công tác PCTN, nhất là với các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp về chống tham nhũng và thành viên các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam đã ký kết, phê chuẩn; kiến nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, các Ủy ban của Quốc hội và các vị Đại biểu Quốc hội, các cơ quan thông tin báo chí và nhân dân tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp tham gia tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tăng cường giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước, việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức./.
 

                           (Theo  Thanh Loan www.thanhtra.gov.vn)

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 938 khách