Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

HỎI - ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Ngày cập nhật 28/04/2021

Nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giúp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm được những nội dung cơ bản và những điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (viết tắt Luật PCTN), từ tháng 5/2021, hàng tuần, Thanh tra tỉnh đưa ra các câu hỏi - giải đáp để cùng tìm hiểu.

 

 

 

Câu hỏi 1: Luật PCTN năm 2018 áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị nào?

Điều 1 Luật PCTN năm 2018 quy định ngắn gọn và khái quát: “Luật này quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng”. Như vậy so với Luật cũ, Luật PCTN năm 2018 đã thay cụm từ “xử lý người có hành vi tham nhũng” bằng cụm từ “xử lý tham nhũng” nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm cả việc xử lý người có hành vi tham nhũng, xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Luật PCTN năm 2018 áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị sau:

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước: bao gồm cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước và cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có sử dụng tài chính công, tài sản công.

- Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.

Việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, vì trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước đã và đang làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước và hiệu quả công tác PCTN. Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài Nhà nước phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đồng bộ với Bộ Luật Hình sự đã mở rộng quy định xử lý đối với một số tội phạm về tham nhũng trong mọi tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước (Bộ Luật Hình sự đã mở rộng chủ thể phạm tội gồm cả người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước đối với các tội danh: Tội tham ô tài sản (Điều 353), Tội nhận hối lộ (Điều 354), Tội đưa hối lộ (Điều 364) và Tội môi giới hối lộ (Điều 365)); phù hợp với yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật ra khu vực ngoài Nhà nước là vấn đề mới, nên đối với các doanh nghiệp, tổ chức trên thì chỉ áp dụng một số biện pháp PCTN như công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động; kiểm soát xung đột lợi ích; chế độ trách nhiệm của người đứng đầu.  

Câu hỏi 2: Việc minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập trong khu vực ngoài Nhà nước được thực hiện như thế nào theo Luật PCTN năm 2018?

Mục 6, Chương II Luật PCTN năm 2018 quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Có nghĩa là các quy định tại Mục này được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực Nhà nước. Như đề cập ở trên, đối với một số loại hình doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thì chỉ áp dụng các biện pháp phòng, chống tham nhũng như công khai, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của đơn vị; kiểm soát xung đột lợi ích; chế độ trách nhiệm của người đứng đầu (Điều 80 Luật). Như vậy, Luật PCTN năm 2018 không quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực ngoài Nhà nước.

Về vấn đề này, chúng ta thấy rằng: Trách nhiệm phải kê khai thu nhập của những người giữ chức vụ quản lý, điều hành trong doanh nghiệp đã được Luật Doanh nghiệp, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán quy định cụ thể đối với mọi loại hình doanh nghiệp mà không chỉ giới hạn ở công ty đại chúng và tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, các Luật này cũng chỉ buộc người giữ chức vụ quản lý, điều hành phải kê khai thu nhập (khác với cán bộ, công chức, viên chức thì ngoài kê khai thu nhập thì còn kê khai cả tài sản). Trình tự, thủ tục kê khai, công khai thu nhập của người giữ chức vụ quản lý, điều hành trong doanh nghiệp cũng hoàn toàn khác với quy định về trình tự, thủ tục kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức. Hơn nữa, người quản lý, điều hành trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước rất đa dạng, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài nên việc yêu cầu họ kê khai tài sản của họ và của vợ (hoặc chồng), con chưa thành niên ở nước ngoài để kiểm soát tài sản, thu nhập (gồm cả thẩm quyền yêu cầu tổ chức tín dụng, kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế, quản lý nhà đất…cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập) cũng không phù hợp. Tương tự, đối với việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức danh quản lý trong các tổ chức xã hội khu vực ngoài Nhà nước cũng có những khó khăn, vướng mắc tương tự như đối với người quản lý, điều hành trong các doanh nghiệp. Với các lý do trên, các quy định về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập chỉ áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước mà không áp dụng đối với khu vực ngoài Nhà nước. Việc kiểm soát thu nhập của người quản lý doanh nghiệp sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Phan Thị Lê Hằng

 

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 92 khách