Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

HỎI - ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG KỲ 7
Ngày cập nhật 01/07/2021

Câu hỏi 12: Bản kê khai tài sản, thu nhập được quản lý như thế nào?

Theo quy định của Luật PCTN năm 2005, bản kê khai tài sản, thu nhập do đơn vị hoặc bộ phận phụ trách công tác tổ chức nhân sự của cơ quan, tổ chức nơi người kê khai công tác quản lý. Đối với người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện cấp ủy quản lý thì Ban tổ chức cấp ủy cùng cấp quản lý. Tình trạng quản lý phân tán này được nhận diện là một trong những hạn chế của Luật hiện hành dẫn đến tình trạng việc xác minh tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai ít được thực hiện trong 10 năm qua. Khắc phục hạn chế này, Luật PCTN năm 2018 đã quy định: Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý bản kê khai và bàn giao 01 bản kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có thẩm quyền (Khoản 1, Khoản 3 Điều 38). Như vậy, bản kê khai vừa được quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người kê khai, vừa được quản lý tập trung tại cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Điều này giúp cho việc theo dõi biến động, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hiệu quả hơn, qua đó kịp thời xác minh để phát hiện, xử lý tham nhũng.         

 

Đồng thời, để dần thay thế cho việc quản lý bản kê khai giấy một cách thủ công, cồng kềnh và kém hiệu quả như thời gian vừa qua, Luật lần này đã bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm hướng tới việc quản lý bản kê khai một cách chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả. Theo đó, cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm thông tin về bản kê khai, Kết luận xác minh tài sản, thu nhập và các dữ liệu khác có liên quan đến việc kiểm soát tài sản, thu nhập. Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập được xây dựng và quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ. Ngoài ra, các quy định về trách nhiệm xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; việc bảo vệ, lưu trữ, khai thác, cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập được quy định tại các Điều 53, Điều 54 của Luật. Cụ thể:

- Trách nhiệm xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập:

1. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi cả nước;

b) Hướng dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập;

c) Tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin về kiểm soát tài sản, thu nhập do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người có nghĩa vụ kê khai và Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khác cung cấp;

d) Cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập;

đ) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo việc quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi cả nước.

2. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khác có trách nhiệm sau đây:

a) Xây dựng, quản lý, khai thác và bảo vệ cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi quản lý của mình;

b) Tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin về kiểm soát tài sản, thu nhập do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai cung cấp trong phạm vi quản lý của mình;

c) Cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập trong phạm vi quản lý của mình;        

d) Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo việc quản lý cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập theo thẩm quyền.

- Bảo vệ, lưu trữ, khai thác, cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập:

1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập phải được bảo mật, bảo vệ chặt chẽ, an toàn, lưu trữ lâu dài và khai thác có hiệu quả.

2. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền tiếp cận, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập để phục vụ cho việc xác minh tài sản, thu nhập trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

3. Việc cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền quy định tại Điều 42 của Luật này.

Yêu cầu cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập phải được thực hiện bằng văn bản. Văn bản yêu cầu phải nêu rõ lý do, mục đích sử dụng và phạm vi, nội dung, thông tin, dữ liệu phải cung cấp.

Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có trách nhiệm cung cấp bản kê khai, thông tin, dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân yêu cầu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.

Câu hỏi 13: Việc theo dõi biến động về tài sản, thu nhập được thực hiện như thế nào?

Theo dõi biến động về tài sản, thu nhập là quy định mới được bổ sung của Luật PCTN năm 2018 nhằm giúp cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nắm bắt được thông tin về việc tăng, giảm tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Qua đó, kịp thời phát hiện những biểu hiện của sự không minh bạch về tài sản, thu nhập hoặc những hành vi có dấu hiệu tham nhũng. Theo đó, Điều 40 quy định:

Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo dõi biến động về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thông qua phân tích, đánh giá thông tin từ bản kê khai hoặc từ các nguồn thông tin khác. Nguồn thông tin khác này được hiểu là các nguồn hợp pháp có liên quan đến thông tin về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai như thông tin từ các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý thuế…

Trường hợp phát hiện tài sản, thu nhập có biến động từ 300.000.000 đồng trở lên so với tài sản, thu nhập đã kê khai lần liền trước đó mà người có nghĩa vụ kê khai không kê khai thì Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền yêu cầu người đó cung cấp, bổ sung thông tin có liên quan; trường hợp tài sản, thu nhập có biến động tăng thì phải giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm. Quy định này tương thích với quy định về nghĩa vụ kê khai bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật (Kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên). Mức 300.000.000đ tương đương với mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.

Phan Thị Lê Hằng

 

 

 

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 1.023 khách