Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

HỎI - ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG KỲ 18
Ngày cập nhật 20/10/2021

Câu hỏi 35: Việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích được giám sát như thế nào?

Điều 32 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định:

 

 

 

 

1. Việc quyết định giám sát thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có xung đột lợi ích được thực hiện khi có căn cứ cho rằng người đó không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà chưa cần thiết phải áp dụng biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyên người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác.

2. Người trực tiếp quản lý, sử dụng người có xung đột lợi ích căn cứ vào phạm vi, quy mô, tính chất và nội dung của nhiệm vụ, công vụ, quyết định tự giám sát hoặc giao cho công chức thuộc thẩm quyền quản lý của mình thực hiện việc giám sát.

3. Nội dung giám sát bao gồm:

a) Việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao có xung đột lợi ích bao gồm tiến độ và kết quả đã đạt được;

b) Khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

c) Các nội dung khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có xung đột lợi ích.

4. Người được giao giám sát có trách nhiệm sau đây:

a) Yêu cầu người có xung đột lợi ích thực hiện chế độ thông tin, báo cáo, giải trình và cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung giám sát;

b) Làm việc trực tiếp với người có xung đột lợi ích khi xét thấy cần thiết nhằm phục vụ cho mục đích giám sát;

c) Báo cáo trực tiếp hoặc bằng văn bản với người giao giám sát về khó khăn, vướng mắc hoặc hành vi vi phạm pháp luật của người có xung đột lợi ích để có các biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời;

d) Báo cáo với người giao giám sát khi có căn cứ cho rằng việc giám sát không phù hợp với xung đột lợi ích hoặc khi xung đột lợi ích không còn.

Câu hỏi 36: Ngoài biện pháp giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích thì có thể áp dụng biện pháp khác nào?

Ngoài biện pháp giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích theo Điều 32 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP thì có thể áp dụng các biện pháp sau đây:

1. Tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác

Việc tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có xung đột lợi ích; việc tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác được thực hiện khi có căn cứ cho rằng nếu để người đó thực hiện nhiệm vụ, công vụ hoặc tiếp tục giữ vị trí công tác đó sẽ không đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

2. Đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích

Việc đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có xung đột lợi ích được thực hiện khi có căn cứ rõ ràng về việc người đó có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có tác động không đúng đắn, gây khó khăn, cản trở đến hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

3. Áp dụng pháp luật khác về kiểm soát xung đột lợi ích

Trong trường hợp pháp luật khác có quy định về kiểm soát xung đột lợi ích thì ngoài việc áp dụng các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP thì còn áp dụng quy định của pháp luật đó.

Phan Thị Lê Hằng

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 157 khách