Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Họp lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển ngành Thanh tra
Ngày cập nhật 08/07/2015

Ngày 06/7, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã chủ trì họp lấy ý kiến góp ý của lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội, bộ, ngành Trung ương; các cán bộ nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước phụ trách ngành Thanh tra, các lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã nghỉ hưu nhằm hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển ngành Thanh tra. Tham dự có Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng, Lê Tiến Hào, Ngô Văn Khánh, Lê Thị Thủy cùng đại diện một số cục, vụ, đơn vị thuộc cơ quan Thanh tra Chính phủ.

Phát biểu tại buổi họp, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh, ngành Thanh tra được thành lập đến nay đã  tròn 70 năm, trải qua quá trình hình thành và phát triển, ngành Thanh tra luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, đã đóng góp tích cực và có hiệu quả vào công cuộc xây dựng và đổi mới của đất nước.
 
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành Thanh tra nhìn chung vẫn chưa theo kịp những yêu cầu ngày càng cao của quản lý nhà nước, chưa đáp ứng hết những đòi hỏi của Đảng, Nhà nước và của nhân dân. Hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra trên các lĩnh vực thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng còn nhiều hạn chế. Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động thanh tra cũng như đáp ứng các yêu cầu mới, đã đến lúc cần có nhận thức mới về vị trí, vai trò của công tác thanh tra; về chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thanh tra trong bối cảnh xây dựng nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lực nhà nước theo tinh thần của Hiến pháp mới.
IMG_9497 (1).jpg

Theo đó, Dự thảo Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đã được xây dựng và hoàn thiện với mục tiêu phát triển và các giải pháp nhiệm vụ cho 2 giai đoạn. Giai đoạn trước mắt đến 2025 và giai đoạn sau năm 2025 đến năm 2035.
 
Giai đoạn 1 tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế; chuẩn hóa, nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nâng cao chất lượng các mặt công tác, đặc biệt là tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý sau thanh tra trên cơ sở các quy định của Luật thanh tra năm 2010 và các văn bản pháp luật có liên quan.
 
Giai đoạn 2, thực hiện xây dựng ngành Thanh tra theo hướng quản lý tập trung, thống nhất dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; xây dựng Ủy ban Thanh tra – Chống tham nhũng thực hiện việc chống tham nhũng, lãng phí và các hành vi tiêu cực khác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra chính quy, hiện đại, bản lĩnh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. 
 
Tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao việc xây dựng Chiến lược ngành và đồng tình với kết cấu của bản dự thảo. Đóng góp thêm một số ý kiến, các đại biểu cho rằng, cần đánh giá lại hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và những vướng mắc trong công tác phòng chống tham nhũng. Đồng thời, Chiến lược ngành cần đưa ra những giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu lực và hiệu quả đó. Các đại biểu cũng đề nghị đến quan điểm xây dựng, mục tiêu xây dựng Chiến lược ngành, đặc biệt là thẩm quyền của ngành thanh tra cần được đề cập một cách tổng thể, có tính kế thừa, đảm bảo xu thế phát triển của đất nước.
 
Kết luận cuộc họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cảm ơn và tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu, đồng thời đánh giá cao các ý kiến đầy tâm huyết của các vị nguyên là lãnh đạo ngành Thanh tra. Tổng Thanh tra khẳng định, các ý kiến góp ý của đại biểu sẽ được Tổ biên tập tiếp thu, bổ sung hoàn chỉnh để xây dựng ngành thanh tra có hiệu quả, hiệu lực và có địa vị pháp lý trong thực tiễn hoạt động.
 
                                        Thanh Loan​
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 440 khách