KN, TC được xác định là một trong những quyền cơ bản của công dân được pháp luật bảo vệ. Nếu quyền đó được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và đúng với ý nghĩa của nó thì không chỉ phát huy được quyền tự do dân chủ của người dân mà còn góp phần làm trong sạch bộ máy quản lý hành chính Nhà nước.
Tuy nhiên, trong tình hình nay, khi nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đang là động lực phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, tình trạng vi phạm pháp luật, tội phạm có nhiều diễn biến phức tạp, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để vụ lợi của một bộ phận cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền trở nên khá phổ biến, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước, lợi ích hợp pháp của nhân dân, gây bức xúc trong xã hội dẫn đến việc KN, TC của người dân.
Tình hình KN, TC diễn biễn ngày càng có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ gay gắt, kéo dài, nhiều đoàn đông người KN, TC vượt cấp, trong đó có nhiều trường hợp KN không đúng, TC sai sự thật, một số người có hành vi vi phạm pháp luật, tụ tập đông người bao vây các cơ quan, kích động bạo lực gây rối an ninh, trật tự, hành hung người thi hành công vụ nhưng việc xử lý đối với những người có hành vi vi phạm chưa nghiêm minh, chưa có tác dụng răn đe, giáo dục.
Sau khi Luật Tiếp công dân được Quốc hội khóa XIII ban hành ngày 25/11/2013, có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2014 đến nay tại địa điểm tiếp công dân của Bộ Công an (đặt tại Thanh tra Bộ Công an) đã tiếp 2.608 lượt công dân với tổng số 7.209 người, trong đó có 96 đoàn KN, TC đông người (đoàn đông nhất là 133 người, đoàn ít nhất 05 người). Trong 96 đoàn KN, TC đông người thì chỉ có 34 đoàn KN, TC thuộc trách nhiệm giải quyết của Công an, nội dung KN, TC chủ yếu là việc tạm giữ tài sản, phương tiện, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự hoặc KN, TC liên quan đến hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, bắt, giam giữ… Còn lại 62 đoàn với tổng số 1.175 lượt người đến địa điểm tiếp dân của Thanh tra Bộ Công an để KN, TC nhưng không thuộc trách nhiệm giải quyết của lực lượng Công an, nội dung KN, TC, kiến nghị phản ánh liên quan nhiều đến việc đền bù, cưỡng chế, thu hồi đất thực hiện các dự án và việc giải quyết chế độ chính sách ở địa phương, trong đó có nhiều vụ việc đã được các cấp có thẩm quyền giải quyết, thậm chí đã giải quyết nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục KN, TC.
Người KN tụ tập ở một địa điểm, sau đó kéo đến Trụ sở của cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, nhà riêng các đồng chí lãnh đạo, các bộ, ngành, trong đó có địa điểm tiếp công dân của Bộ Công an.
Trong các đoàn KN, TC đông người này có nhiều thành phần khác nhau.
Có người đi KN để đòi quyền lợi cho mình vì cho rằng chưa được giải quyết thỏa đáng hoặc giải quyết không đúng pháp luật hoặc TC hành vi phạm pháp luật của cán bộ cấp cơ sở, các địa phương lợi dụng chức, quyền để tham ô, tham nhũng, thiếu trách nhiệm, vi phạm dân chủ; móc ngoặc với các chủ đầu tư dự án để tiêu cực gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của họ. Nếu thực sự nội dung KN, TC đúng như vậy, thì đó là sự bức xúc của người dân cần phải được quan tâm, xem xét giải quyết.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều người không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc tham gia KN, TC của họ không vì mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, lợi ích của Nhà nước mà vì những động cơ, ý đồ khác nhau. Trong số này, có nhiều người đang có mặt ở Hà Nội để KN, TC về một việc khác nhưng bị lôi kéo kích động nên đã tham gia vào các đoàn đông người để đi KN, TC; thậm chí trong đó có cả các đối tượng xấu, thường xuyên khiếu kiện; phần tử cơ hội chính trị lợi dụng quyền tự do dân chủ để xúi giục, lôi kéo, kích động người khác KN, TC.
Thông thường, các đoàn KN, TC đông người có một hoặc một nhóm người cầm đầu để điều hành. Họ sử dụng những băng rôn, khẩu hiệu “Đả đảo bọn tham nhũng”; “Chính quyền cướp đất của dân”, “Trả lại đất cho dân”, “Hội Dân oan”, “Đảng, Nhà nước hãy cứu dân”...
Họ tụ tập ở một địa điểm, sau đó kéo đến Trụ sở của cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, nhà riêng các đồng chí lãnh đạo, các bộ, ngành, trong đó có địa điểm tiếp công dân của Bộ Công an.
Những người KN, TC đứng chặn trước cửa trụ sở làm việc của Thanh tra Bộ Công an, yêu cầu được tiếp và giải quyết. Có rất nhiều vụ không thuộc trách nhiệm của Công an, nhưng nếu cán bộ tiếp dân từ chối tiếp hoặc hướng dẫn họ đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, thì họ sẽ la hét, thâm chí chửi bới và tìm cớ để kích động xông vào cơ quan gây rối. Khi bị lực lượng cảnh sát bảo vệ ngăn chặn, họ sẽ quay phim, chụp ảnh đưa lên mạng Internet. Từ đó các đối tượng xấu lợi dụng loan truyền Công an đàn áp dân…
Một số người có hành vi vi phạm pháp luật, tụ tập đông người bao vây các cơ quan, kích động bạo lực gây rối an ninh, trật tự, hành hung người thi hành công vụ
Điển hình như vụ: Bà Cấn Thị Thêu ở phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội là đối tượng cầm đầu hơn 300 hộ dân ở phường Dương Nội, KN về đất đai đã được UBND TP Hà Nội giải quyết nhiều lần nhưng vẫn liên tục kéo đến địa điểm tiếp công dân Bộ Công an để KN, TC, trương băng rôn, hô khẩu hiệu với nội dung xấu, gây áp lực, yêu cầu Bộ Công an phải can thiệp, giải quyết theo nguyện vọng của họ. Vụ bà Đoàn Thị Hương Anh, trú tại số nhà 31, ngõ 50, phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội cầm đầu các hộ dân lấn chiếm đất ở khu vực hồ Ba Mẫu thuộc phường Phương Liên và phường Trung Phụng, quận Đống Đa, TP Hà Nội KN bị UBND TP Hà Nội thu hồi, giải phóng mặt bằng. Hay vụ bà Phạm Thị Lợi ở chùa Pháp Hoa, thôn Phú An, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng lôi kéo nhiều người tham gia KN đòi đất, phục hồi chùa Mứt tại 307 Bạch Mai, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Vụ ông Ngụy Văn Ninh. trú tại xóm Nguyễn, xã Tân An, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang KN Bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang). Rồi vụ bà Nguyễn Thị Chinh, trú tại thôn Công Hà, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, KN Bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bắc Ninh... Đây là các vụ việc không thuộc trách nhiệm giải quyết của Công an nhưng họ vẫn tụ tập đông người kéo đến địa điểm tiếp công dân của Bộ Công an để KN, TC và đã có những hành vi xúc phạm cán bộ tiếp công dân gây mất an ninh, trật tự.
Trước tình hình trên, Thanh tra Bộ công an đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ xử lý và chỉ đạo bộ phận tiếp công dân, phối hợp với cảnh sát bảo vệ, Công an TP Hà Nội, các lực lượng chức năng khác xử lý các tình huống trên một cách linh hoạt vừa đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, vừa đảm bảo được an ninh trật tự tại địa điểm tiếp công dân, không để sở hở cho các đối tượng xấu lợi dụng kích động, gây mất an ninh trật tự ở địa điểm tiếp công dân.
Để đạt được những kết quả trên, Thanh tra Bộ Công an đã chỉ đạo thực hiện một số biện pháp để xử lý các đoàn KN, TC đông người, cụ thể như sau:
Một là, khi xuất hiện các đoàn KN, TC đông người, cán bộ tiếp dân của Thanh tra Bộ Công an và cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu phải ra gặp, hướng dẫn họ vào địa điểm thuận lợi để chờ tiếp, đề nghị người KN, TC giữ trật tự, không đi lại lộn xộn làm ảnh hưởng đến trật tự giao thông ở khu vực. Sau đó mời đại diện của đoàn KN, TC vào phòng tiếp dân để trình bày nội dung KN, TC.
Trường hợp họ yêu cầu phải tiếp cả đoàn đông người hoặc số lượng người đại diện nhiều hơn quy định, thì căn cứ theo quy định tại các Nghị định số 75/2012/NĐ-CP; số 76/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012, của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật KN; quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật TC và Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân giải thích cho họ rõ để lựa chọn cử đúng số lượng người đại diện. Nếu cùng một đoàn KN, TC đông người nhưng có các nhóm KN, TC nội dung khác nhau, thì đề nghị cử đại diện theo nhóm và tiếp lần lượt.
Hai là, cán bộ tiếp dân khi tiếp xúc với đại diện của đoàn KN, TC phải có thái độ hòa nhã, mềm dẻo tạo không khí làm việc thoải mái.
Sau khi xác định được họ tên, địa chỉ của từng người đại diện, cán bộ tiếp dân phải bình tĩnh để nghe người KN, TC trình bày không cắt lời khi họ đang trình bày, đồng thời đề nghị cung cấp các tài liệu có liên quan đến nội dung KN, TC và xử lý như sau:
- Nếu nội dung KN có liên quan đến trách nhiệm giải quyết của Công an, thì đề nghị họ trình bày rõ nội dung KN hoặc TC, quá trình KN, TC và việc giải quyết KN, TC trước đó của các cơ quan có thẩm quyền, cung cấp kèm theo các quyết định giải quyết KN hoặc kết luận nội dung TC và các văn bản trả lời khác (nếu có). Trên cơ sở đó, xác định trách nhiệm giải quyết tiếp theo của cơ quan cá nhân để xử lý. Tiếp theo, làm thủ tục nhận đơn hoặc ghi lại nội dung KN, TC theo quy định của Luật KN, Luật TC đề xuất lãnh đạo Thanh tra Bộ xử lý (không được từ chối nhận đơn của người KN, TC).
- Trường hợp nội dung KN, TC không thuộc trách nhiệm giải quyết của Công an nhưng vẫn phải lắng nghe người đại diện đoàn KN, TC trình bày và xem xét kỹ các tài liệu đã giải quyết trước đó của địa phương; cơ quan bộ, ngành (nếu có), để xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân phải xem xét giải quyết tiếp. Nếu không xác định được trách nhiệm cụ thể thì xác định trách nhiệm chung thuộc ngành nào, địa phương nào hoặc cơ quan nào để hướng dẫn người KN, TC gửi đơn hoặc trực tiếp đến đúng nơi để KN, TC. Nếu họ yêu cầu nhận đơn thì cán bộ tiếp dân làm thủ tục tiếp nhận để chuyển đến nơi có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết.
Việc tiếp và làm việc với người đại diện của các đoàn KN, TC đông người này phải rất bình tĩnh và hướng dẫn cụ thể, không tỏ ra vội vàng, tác trách hoặc “tiếp cho xong chuyện”. Tuyệt đối tránh gây bức xúc cho người KN, TC.
Có rất nhiều vụ không thuộc trách nhiệm của Công an, nhưng nếu cán bộ tiếp dân từ chối tiếp hoặc hướng dẫn họ đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết, thì họ sẽ la hét, thâm chí chửi bới và tìm cớ để kích động xông vào cơ quan gây rối.
Ba là, sau khi nhận đơn của người đại diện đoàn KN, TC, cán bộ tiếp dân phải báo cáo, đề xuất ngay với lãnh đạo Thanh tra Bộ để chỉ đạo xử lý:
Đối với những vụ việc thuộc trách nhiệm giải quyết của Công an:
- Nếu kiểm tra, xác định vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền của cấp dưới nhưng không xem xét giải quyết để công dân KN, TC vượt cấp thì đề xuất lãnh đạo Bộ giao cho thủ trưởng đơn vị, địa phương đó phải xem xét giải quyết ngay. Trường hợp người KN, TC đang tụ tập thành các đoàn đông người để KN, TC tại địa điểm tiếp dân Bộ Công an hoặc các cơ quan Trung ương thì phải cử người và phương tiện ra đưa họ về địa phương để làm việc giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp các vụ việc KN, TC đã được cấp dưới giải quyết nhưng người KN, TC không đồng ý, tiếp tục KN, TC mà thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng thì đề xuất giao cho Thanh tra Bộ hoặc cơ quan chức năng khác, kiểm tra, xác minh tham mưu cho lãnh đạo Bộ giải quyết. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, cơ quan được giao xác minh phải thông báo ngay cho người KN, TC biết để họ chờ kết quả giải quyết không viết đơn và ra Trung ương để KN, TC vượt cấp.
- Đối với các vụ việc đã giải quyết, nếu qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định việc giải quyết KN lần đầu hoặc kết luận nội dung TC của cấp dưới là đúng, thì Thanh tra Bộ hoặc cơ quan chức năng khác được giao thẩm tra, xác minh phải tham mưu cho lãnh đạo Bộ giải quyết ngay. Sau khi được người có thẩm quyền giải quyết phải có văn bản trả lời người KN, TC theo đúng thủ tục quy định pháp luật.
Bốn là, đối với những vụ việc KN, TC thuộc trách nhiệm của lực lượng Công an đã được xem xét giải quyết đúng pháp luật hoặc các vụ việc KN, TC không thuộc trách nhiệm của Công an đã được cán bộ tiếp công dân của Thanh tra Bộ Công an hướng dẫn cụ thể đến nơi có thẩm quyền giải quyết nhưng một số người vì động cơ cá nhân vẫn cố tình KN, TC trái pháp luật, lôi kéo kích động tụ tập đông người tại địa điểm tiếp dân của Bộ Công an nhằm gây sức ép với các cơ quan khác phải nhượng bộ với những đòi hỏi, yêu sách phi lý của họ; nếu cán bộ tiếp dân không tiếp và không nhận đơn của họ thì họ quay ra la hét, chửi bới, gây náo loạn không chỉ trước cửa cơ quan Thanh tra Bộ Công an mà còn ảnh hưởng đến cả khu phố. Những trường hợp này, Thanh tra Bộ đã có phương án phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ và Công an TP Hà Nội, trực tiếp là Công an phường Nguyễn Du, Công an quận Hai Bà Trưng để xử lý.
Một biện pháp xử lý rất có hiệu quả đó là việc phối hợp với những người dân sống ở khu phố. Họ cũng là người phải chịu ảnh hưởng bởi những hành vi gây mất trật tự công cộng của những người KN, TC trái pháp luật gây ra nên họ đã lên tiếng phản đối với hành vi này. Nhiều cụ già, cựu chiến binh, các lão thành cách mạng sống trên địa bàn, ngay cả các Tăng, Ni, Phật tử ở các nhà chùa gần đó đã ra trực tiếp tham gia giải thích và yêu cầu những người KN, TC phải thực hiện theo đúng pháp luật, không được la hét, chửi bới gây mất trật tư khu phố, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Vì vậy, nhiều vụ việc những người KN, TC đông người đang có những hành vi gây mất trật tự, nhưng khi có phản ứng của các tổ chức xã hội và người dân địa phương, đã giải tán hoặc thực hiện việc KN, TC với một thái độ thiện chí, ôn hòa hơn.
Như vậy có thể thấy: Thông qua các biện pháp xử lý linh hoạt của Thanh tra Bộ Công an tại điểm điểm tiếp công dân đã giúp cho những người KN, TC có nhận thức đúng đắn hơn về pháp luật KN, TC; về quyền và nghĩa vụ của mình khi thực hiện việc KN, TC. Cũng qua tác phong, thái độ ứng xử nhân văn và trách nhiệm của cán bộ tiếp dân đối với người KN, TC đã giúp cho họ cái nhìn thực tế hơn về tinh thần vì nhân dân phục vụ của cán bộ chiến sỹ Công an nhân dân nói chung và Thanh tra Công an nhân dân nói riêng. Đồng thời, cũng để cho họ phần nào nhận diện được bộ mặt thật của những kẻ chuyên khiếu kiện trái pháp luật, những phần tử xấu, cơ hội chính trị lợi dụng quyền tự do dân chủ, lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong quản lý, điều hành xã hội của bộ máy hành chính Nhà nước; những hiện tượng tiêu cực tham những của một bộ phận cán bộ, công chức để kích động người dân tụ tập đông người để KN, TC, gây mất ổn định về chính trị, mất an ninh, trật tự nhằm mục đích cuối cùng là chống phá chế độ ta. Đây chính là những kinh nghiệm từ thực tiễn công tác tiếp dân, xử lý các vụ việc KN, TC đông người của Thanh tra Bộ Công an đã được phổ biến quán triệt cho lực lượng Thanh tra Công an nhân dân các cấp trong những năm qua để nghiên cứu tham khảo, áp dụng vào thực tiễn công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC của từng đơn vị địa phương.
(Theo Thiếu tướng, Ths Phạm Lê Xuất
Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an www.thanhtravietnam.vn)