Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo tình hình khiếu nại, tố cáo đông người liên quan tới các Dự án chuyển đổi mô hình chợ của Trụ sở Tiếp công dân Trung ương; Báo cáo tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến các Dự án chuyển đổi mô hình chợ, kết quả giải các nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến chợ từ năm 2010 đến năm 2017 và tình hình giải quyết khiếu nại của công dân liên quan đến các dự án BOT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Theo báo cáo, vị trí xây dựng chợ, bố trí ngành hàng không thuận lợi; thiếu công khai, dân chủ trong quy hoạch; giá thuê ki ốt quá cao; biện pháp cưỡng chế trái quy định của chủ đầu tư… là nội dung cơ bản mà công dân khiếu nại, tố cáo. Theo thống kê của TTCP từ năm 2010 đến nay, Ban TCD TW đã tiếp 13.540 công dân đến trụ sở khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh liên quan đến các Dự án chuyển đổi mô hình chợ.
Chỉ ra nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo, Ban TCD TW cho rằng, việc không nghiên cứu văn hóa tập tục, đặc thù kinh tế địa phương; trước khi chuyển đổi mô hình tiểu thương đã đóng góp kinh phí xây dựng chợ xong khi chuyển đổi tiểu thương không được coi là cổ đông góp vốn; giá cho thuê địa điểm kinh doanh cao hơn; việc bố trí, sắp xếp các ngành hàng thiếu khoa học; một số địa phương thực hiện xây dựng chuyển đổi mô hình chợ kèm theo xây dựng nhà ở thương mại… đây là những nguyên nhân căn bản dẫn đến khiếu nại, tố cáo của công dân.
Từ việc chỉ ra nguyên nhân như vậy, Ban TCD TW kiến nghị: xem xét sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo cơ chế để địa phương huy động nguồn vốn vào việc phát triển chợ và trung tâm thương mại; có chủ trương để địa phương tự chủ trong xây quy hoạch xây dựng các chợ; việc quy định giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định mức phí đối với chợ chỉ phù hợp với những chợ do ngân sách đầu tư; những chợ đầu tư từ nguồn xã hội hóa, nên giao cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ được quyết định mức giá dịch vụ trên cơ sở thỏa thuận thống nhất với các hộ kinh doanh.v.v.
Cũng tại hội nghị các đại biểu được nghe đại diện lãnh đạo Thanh tra Đăk Lăk, Lai Châu, Quảng Ninh, Hà Nội… trình bày tham luận, nêu một số kinh nghiệm thực tế của địa phương về công tác giải quyết KN, TC về dự án chuyển đổi mô hình chợ.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh nhấn mạnh trong vấn đề khiếu nại, tố cáo phức tạp nói chung và khiếu nại, tố cáo đối với việc chuyển đổi Dự án mô hình chợ nói riêng, thái độ tiếp cận của chính quyền địa phương đối với người dân khiếu kiện ở một số nơi còn chưa đúng. Vấn đề này nếu giải quyết không ổn thỏa sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh trật tự - xã hội. Theo đó Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra với vai trò là cơ quan tham mưu cần có ý kiến đánh giá chuẩn xác về tình hình khiếu kiện để đưa ra phương án giải quyết cụ thể. Bên cạnh đó, vấn đề khiếu kiện về chuyển đổi mô hình chợ trong thời gian qua thể hiện sự xung đột giữa nhà đầu tư và nhân dân trong đó chính quyền giữ vai trò là phê duyệt dự án, tuy nhiên ngôn ngữ nói với dân không phù hợp dẫn đến người dân bức xúc.
Theo Phó Tổng Thanh tra, hệ thống tiếp công dân đã hình thành ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước. Các địa phương cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp dân một cách thường xuyên, địa phương đề xuất TTCP sẽ hỗ trợ việc mở lớp, cung cấp giảng viên giảng dạy.
Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TTCP đang tiến hành xây dựng Kế hoạch giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đề nghị, sau khi Kế hoạch được ban hành, TTCP sẽ tổ chức hội nghị tập huấn cho tất cả các địa phương với quyết tâm giải quyết căn bản triệt để các vụ việc khiếu nại phức tạp kéo dài. Đồng thời, trong Kế hoạch trách nhiệm của từng cấp đối với giải quyết các vụ việc cũng được phân định rõ ràng theo các tiêu chí cụ thể, sẽ không còn việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp, ngành và địa phương với Trung ương./.