Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Mối quan hệ giữa giải quyết khiếu nại hành chính và cải cách hành chính ở Việt Nam
Ngày cập nhật 06/06/2014

(ThanhtraVietnam) - Giữa giải quyết khiếu nại hành chính (KNHC)và cải cách hành chính (CCHC) có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại với nhau: Giải quyết KNHC là một nội dung của CCHC, đáp ứng yêu cầu của CCHC; CCHC thúc đẩy nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết KNHC.

Tuy nhiên, thực tế giải quyết KNHC trong những năm qua chưa đáp ứng được yêu cầu của CCHC, làm ảnh hưởng an ninh, trật tự, giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; CCHC, nhất là trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại cũng chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Thực trạng trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có việc các cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức hết và giải quyết triệt để mối quan hệ biện chứng giữa giải quyết KNHC và CCHC dẫn đến chất lượng, hiệu quả giải quyết KNHC chưa đáp ứng yêu cầu của CCHC. Vì vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết KNHC trong công cuộc CCHC hiện nay đòi hỏi phải nhận thức và giải quyết tốt mối quan hệ giữa giải quyết KNHC và CCHC:

 

1. Giải quyết KNHC chất lượng, hiệu quả là thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của CCHC

 - Giải quyết khiếu nại nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân:

Trước hết, giải quyết KNHC là thực hiện sự bảo đảm của Nhà nước đối với quyền khiếu nại của công dân, là thực hiện quyền dân chủ của công dân được Hiến pháp ghi nhận, là một hình thức biểu hiện của dân chủ XHCN, đấu tranh chống lại các việc làm trái pháp luật xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.  

Giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại của công dân và gắn liền với nó là việc khôi phục kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của công dân bị xâm hại bởi quyết QĐHC hoặc HVHC, xử lý nghiêm những người sai phạm tất yếu sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm cho mối quan hệ truyền thống máu thịt giữa nhân dân với Đảng ngày càng thêm gắn bó, bền chặt.

 - Giải quyết khiếu nại nhằm củng cố pháp chế, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động hành chính nhà nước:

Thông qua việc giải quyết KNHC, Đảng và Nhà nước kiểm tra được tính đúng đắn, sự phù hợp của đường lối, chính sách, pháp luật ban hành, từ đó có cơ sở thực tiễn để hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật và sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.

- Giải quyết khiếu nại để đánh giá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý hành chính nhà nước:

Giải quyết KNHC là một hình thức biểu hiện trực tiếp của mối quan hệ giữa nhân dân với nhà nước mà họ thiết lập nên. Trong trường hợp các khiếu nại được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật thì người khiếu nại và cả những người xung quanh sẽ cảm thấy nhà nước tôn trọng, lắng nghe ý kiến của dân, quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của dân, tự họ thấy nhà nước gần gũi, gắn bó với dân, lo cho dân, thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Giải quyết KNHC là phương thức bảo đảm sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động quản lý của nhà nước và cán bộ, công chức nhà nước. Thường thì cơ quan nhà nước, công chức nhà nước chỉ thấy công việc một chiều từ trên xuống nên có hạn chế không thấy hết những sai sót, khiếm khuyết, bất hợp lý trong quản lý mà chỉ ở góc độ dân chúng mới thấy được. Tính chất giám sát biểu hiện, qua khiếu nại, người dân đã chuyển cho Nhà nước những thông tin phát hiện việc làm vi phạm pháp luật, xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân để trên cơ sở đó Nhà nước kiểm tra lại hoạt động quản lý của các cơ quan, hành vi của cán bộ, công chức thông qua việc giải quyết khiếu nại. Qua đó, Nhà nước phát hiện được những hành vi sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức để kịp thời xử lý hoặc những bất hợp lý về chính sách, pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý của bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu của CCHC.

Ảnh minh họa

 

2. Đổi mới cơ chế giải quyết KNHC là đáp ứng yêu cầu của CCHC

Việc xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN đặt ra những yêu cầu chung nhất đối với việc bảo đảm quyền khiếu nại của công dân với định hướng xây dựng một chế độ dân chủ thì cải cách nền hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện nay đã đặt ra những yêu cầu hết sức cụ thể đối với hoàn thiện cơ chế giải quyết KNHC.

CCHC ở Việt Nam được tiến hành đồng bộ trên bốn mặt: cải cách thể chế hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính. Trong đó đặt ra những đòi hỏi rất lớn đối với công tác giải quyết KNHC như:

- Cải cách thể chế về KNHC:

Cải cách thể chế hành chính trong đó có nội dung cải cách thể chế về KNHC, cần đặc biệt quan tâm đến việc cải cách thủ tục giải quyết khiếu nại.

Thể chế KNHC là một bộ phận của thể chế về quan hệ giữa nhà nước với công dân. Việc cải cách thể chế KNHC cần đặc biệt quan tâm đến khía cạnh thu thập ý kiến của nhân dân trước khi quyết định các chủ trương, chính sách quan trọng, trưng cầu dân ý, xử lý các hành vi trái pháp luật của cơ quan nhà nước và của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ; phân định và làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan hành chính và Toà án nhân dân trong việc giải quyết các khiếu nại trong lĩnh vực quản lý nhà nước.

Trong hoàn thiện thể chế KNHC cần coi giải quyết khiếu nại là một hoạt động không thể thiếu trong quản lý nhà nước của các cơ quan hành chính nhà nước (là một phương thức kiểm soát đối với hoạt động hành chính). Trong quản lý hành chính nhà nước giữa hoạt động chấp hành - điều hành và hoạt động giải quyết khiếu nại có quan hệ hữu cơ gắn bó với nhau. Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, Nhà nước kiểm tra tính đúng đắn, sự phù hợp và khả thi của chính sách, pháp luật và các quyết định quản lý do mình ban hành. Sự phản ứng của xã hội qua tình hình khiếu nại là một trong những "thước đo" quan trọng để đánh giá quản lý nhà nước đối với xã hội. Đây là một kênh thông tin quan trọng và tin cậy để nhà nước hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Mặt khác, việc hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại tác động tích cực trở lại đối với hoạt động chấp hành và điều hành của cơ quan hành chính nhà nước.

Cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết khiếu nại cần phải được thực hiện đồng thời với ba thủ tục là thủ tục tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, thủ tục giải quyết khiếu nại, thủ tục thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật nhằm bảo đảm tính pháp lý, hiệu quả, minh bạch và công bằng trong giải quyết khiếu nại, loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức và cá nhân. Đặc biệt phải thống nhất các trình tự, thủ tục và mẫu hóa các loại giấy tờ liên quan trong quá trình giải quyết khiếu nại (ngày 31/10/2013, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 07/2013/TT-TTCP “Quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính”, trong đó đã thống nhất trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại và mẫu hoá nhiều văn bản cần thiết khi giải quyết khiếu nại); xử lý nghiêm người có hành vi sách nhiễu, vô trách nhiệm; khen thưởng kịp thời những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại phải niêm yết công khai, đầy đủ mọi thủ tục, trình tự giải quyết khiếu nại, lịch công tác tại trụ sở làm việc; lịch tiếp dân định kỳ hàng tháng của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước theo quy định tại nơi tiếp công dân; quy định cụ thể và rõ ràng trách nhiệm cá nhân có trách nhiệm trong quá trình giải quyết khiếu nại.

- Cải cách bộ máy có thẩm quyền giải quyết khiếu nại:

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính đòi hỏi phải cải tiến phương thức quản lý, lề lối làm việc của cơ quan hành chính nhà nước các cấp và từng bước hiện đại hóa nền hành chính. Thực hiện tốt yêu cầu này sẽ tác động mạnh mẽ đến công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại ở cả Trung ương và địa phương.

Trong bối cảnh CCHC, việc cải cách bộ máy hành chính nhà nước trong giải quyết khiếu nại cần điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ đồng bộ với việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp cho phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới. Trong đó, việc cải cách tổ chức bộ máy cần nghiên cứu sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn theo hướng trách nhiệm rõ ràng, phân công rành mạch, bộ máy gọn nhẹ, tăng cường tính chuyên nghiệp; các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cũng cần được sắp xếp, phát triển theo hướng chuyên nghiệp để giải quyết nhanh chóng khiếu nại của công dân, tổ chức.

- Đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giải quyết khiếu nại: Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giải quyết khiếu nại cần được xây dựng và nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ theo hướng chuyên nghiệp và chuyên tâm với nhiệm vụ

- Bảo đảm thi hành các quyết định giải quyết KNHC có hiệu lực pháp luật: Để các quyết định giải quyết KNHC có hiệu lực pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh thì cần phải có cơ chế để bảo đảm các quyết định này được thi hành trên thực tế. Việc xác định rõ cơ chế bảo đảm thi hành các quyết định giải quyết KNHC có hiệu lực pháp luật sẽ góp phần khắc phục tình trạng nhiều quyết định giải quyết KNHC đúng quy định của pháp luật, hợp lý, hợp tình, song quá trình thực hiện bị kéo dài hoặc không được thực hiện đến nơi, đến chốn.

- Hoàn thiện tổ chức và hoạt động, mở rộng phạm vi xét xử của toà hành chính thuộc TAND

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết KNHC, một mặt phải đổi mới, hoàn thiện cơ chế giải quyết KNHC, mặt khác phải củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động xét xử của Toà hành chính khi phạm vi thẩm quyền xét xử của Toà hành chính đã được mở rộng, bảo đảm cho Tòa án có khả năng đảm nhận việc xét xử tất cả các khiếu kiện hành chính, bảo đảm nguyên tắc mọi khiếu nại của công dân đều được xem xét, giải quyết tại toà án. Đồng thời, đổi mới thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, nhanh gọn, công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức thực hiện quyền khởi kiện của mình.

Năm 2010 Quốc hội đã ban hành Luật Tố tụng hành chính, năm 2011 Quốc hội ban hành Luật Khiếu nại, năm 2013 Quốc hội ban hành Luật Tiếp công dân. Sau khi các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các luật trên được ban hành đã làm cho những hạn chế của cơ chế giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hành chính trước đó được khắc phục một bước, tạo điều kiện cho việc thực hiện pháp luật khiếu nại, khiếu kiện trong bối cảnh tiếp thực hiện công cuộc cải cách bộ máy hành chính nhà nước và cải cách tư pháp.

- Hoàn thiện thẩm quyền giải quyết KNHC:

Cần phải hoàn thiện thẩm quyền giải quyết KNHC theo hướng phân định rành mạch trách nhiệm của người ban hành QĐHC, người có HVHC bị khiếu nại và thủ trưởng cơ quan hành chính cấp trên trong việc giải quyết KNHC

- Hoàn thiện thủ tục giải quyết KNHC:Ngoài việc đổi mới về thẩm quyền giải quyết khiếu nại như trên, để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết KNHC cần phải đổi mới thủ tục giải quyết nhằm đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ và kịp thời trong quá trình giải quyết; đổi mới, hoàn thiện thủ tục khiếu nại, giải quyết khiếu nại tạo thuận lợi cho công dân thực hiện quyền khiếu nại.

Việc cải cách thủ tục hành chính theo các quy định trên sẽ tác động mạnh mẽ đến hoàn thiện thủ tục giải quyết khiếu nại để khắc phục được các hạn chế, bất cập của công tác giải quyết KNHC trong công cuộc CCHC hiện nay ở Việt Nam, phát huy được vai trò của các tổ chức xã hội trong công tác giải quyết khiếu nại và tham gia quản lý xã hội./. 

 

              Ths. Hoàng Ngọc Dũng

Phó Vụ trưởng Vụ I, Văn phòng Chính phủ (www.thanhtravietnam.vn)

 

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 81 khách