Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Cần xây dựng văn bản quy định về thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật
Ngày cập nhật 04/07/2014

(ThanhtraVietnam) - Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 của ngành Thanh tra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế đảm bảo việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, qua đó tăng cường công khai, minh bạch trong công tác giải quyết khiếu nại; giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu kiện kéo dài; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trong thời gian tới.

Trước tình trạng số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài, vượt cấp có xu hướng gia tăng, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chỉ thị đặc biệt nhấn mạnh đến việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước trong thi hành quyết định giải quyết khiếu nại. Do đó, cần phải có phương án phù hợp nhằm kịp thời thể chế hóa chỉ đạo của Đảng trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại hành chính.

Luật Khiếu nại năm 2011 cũng đã quy định các quyết định giải quyết khiếu nại sẽ có hiệu lực pháp luật sau một thời hạn nhất định (30 ngày trong trường hợp thông thường và sau 45 ngày đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn) kể từ ngày ban hành hoặc kể từ ngày mà người khiếu nại không khiếu nại lần 2 đối với trường hợp giải quyết lần đầu. Đồng thời, Luật cũng quy định người giải quyết khiếu nại, người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan chịu trách nhiệm thi hành; trường hợp cần thiết, yêu cầu các cơ quan chức năng có biện pháp để đảm bảo việc thi hành, cũng như giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.

Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khiếu nại cũng đã làm rõ một số khía cạnh có liên quan đến việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành vẫn còn thiếu các quy định cần thiết làm căn cứ cho việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Đánh giá tình hình giải quyết khiếu nại trên phạm vi toàn quốc trong nhiều năm qua, đặc biệt là kết quả thực hiện Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch 1130, 2100 của Thanh tra Chính phủ cho thấy việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại còn nhiều tồn tại, hạn chế, đặc biệt là thiếu kỷ luật, kỷ cương hành chính hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền; việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật còn chưa được chú trọng, thiếu sự nhất quán và tiếng nói chung giữa các cơ quan, ban, ngành, từ đó dẫn đến tình trạng có nhiều vụ việc tồn đọng, kéo dài qua nhiều năm, nhiều cấp giải quyết nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Thực trạng trên xuất phát từ một số nguyên nhân như: còn thiếu các quy định nhằm theo dõi, đôn đốc và kiểm tra thường xuyên việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; chưa có biện pháp mang tính phối hợp giữa các cơ quan thanh tra nhà nước với các cơ quan chuyên môn hoặc cơ quan quản lý theo ngành, lĩnh vực; chưa có chế tài xử lý đối với các trường hợp thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật...

Từ những vấn đề nêu trên, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 của ngành Thanh tra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế đảm bảo việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, qua đó tăng cường công khai, minh bạch trong công tác giải quyết khiếu nại; giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu kiện kéo dài; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trong thời gian tới.

Đại diện Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến tại Hội thảo xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện về thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Trên cơ sở các phân tích trên, Thanh tra Chính phủ đã đề xuất xây dựng  một văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. Theo đó, định hướng chung xây dựng văn bản đề xuất tập trung vào quy định chi tiết việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật đã được quy định tại các điều từ điều 44 đến 46 của Luật Khiếu nại; khắc phục những tồn tại về pháp luật và thực tiễn phát hiện từ việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật trong thời gian qua. Về phạm vi điều chỉnh, văn bản quy phạm pháp luật này quy định về các biện pháp tổ chức thực hiện; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện; trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền và xử lý vi phạm pháp luật trong việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. Hiện nay cũng có quan điểm khác về phạm vi điều chỉnh, một số ý kiến cho rằng cần mở rộng phạm vi điều chỉnh nhằm quy định toàn diện các vấn đề về thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật, trong đó cần cụ thể hóa các dạng hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại có liên quan đến thực hiện quyết định khiếu nại có hiệu lực pháp luật để quy định các hình thức xử lý tương ứng.

Về hình thức văn bản, theo đề xuất của Thanh tra Chính phủ, sẽ xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật mới và bãi bỏ các quy định có liên quan trong Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 3/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại. Theo phương án này, các nội dung đề xuất rộng (bao gồm cả việc xử lý vi phạm), nên phải được quy định trong một văn bản riêng. Việc xây dựng văn bản này cần được hiểu là dựa trên căn cứ nhằm quy định các biện pháp cụ thể để thực hiện các chức năng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Chính phủ (chức năng chỉ đạo, quản lý về công tác giải quyết khiếu nại). 

Tại buổi Hội thảo lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương tại Quảng Ninh (ngày 1/7), các ý kiến được các đại biểu đóng góp đều cho rằng cần thiết cần phải có văn bản quy định về việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ là không cần xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mới mà chỉ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 75/2012/NĐ-CP nhằm đưa các nội dung đề xuất vào một chương của Nghị định. Do đây là một vấn đề lớn, còn nhiều phức tạp, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét kĩ lưỡng hơn, tham khảo thêm ý kiến các cơ quan chức năng để có thể ban hành một văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại có đúng quy định của pháp luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Thanh tra Chính phủ sẽ hoàn thiện đề xuất, gửi lấy ý kiến và công bố trên Cổng Thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ để các cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi và cho ý kiến để có thể xây dựng được một văn bản hoàn thiện hơn nữa, có chất lượng tốt nhất.

Ngô Tân (www.thanhtravietnam.vn)

 

 

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 1.440 khách