Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 10
Ngày cập nhật 14/09/2017
Sáng 14/9, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức buổi họp trực tuyến với 17 tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và các tỉnh miền núi phía Bắc về chủ động phòng chống cơn bão số 10. Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị.
 

 

 

Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên Huế có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương.

Theo dự báo, do ảnh hưởng của cơn bão số 10, từ ngày 14 đến ngày 16/9, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện một đợt mưa lớn với tổng lượng mưa cả đợt từ 100 - 250mm. Nhằm chủ động phòng chống thiên tai, bão lũ gây ra, hiện tại toàn tỉnh đã thu hoạch gần hết diện tích lúa vụ hè thu. Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị Biên phòng tuyến biển tăng cường số lần bắn pháo hiệu báo bão theo quy định, sẵn sàng phương tiện ca nô để phối hợp với các địa phương ven biển hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền vào khu tránh trú an toàn.  

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến 17 giờ ngày 13/9, toàn tỉnh có 138 phương tiện với 1320 lao động đánh bắt xa bờ chủ yếu họat động tại vùng biển tiếp giáp Đà Nẵng đến đảo Cồn Cỏ đã nắm được thông tin về hướng đi của bão số 10. Dự kiến đến 10 giờ ngày 14/9, toàn bộ phương tiện tàu thuyền sẽ về nơi tránh trú an toàn và sẽ tổ chức cấm biển.

Hiện mực nước các hồ chứ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh đang ở mức thấp và an toàn, không có công trình nào đang triển khai thi công. Các đập thủy lợi ngăn mặn, gồm: đập cửa Lác đã mở 70/70 cửa, đập Thảo Long đã mở 2 cửa, khi có mưa lũ sẽ chỉ đạo mở tất cả 15 cửa để đảm bảo thoát lũ. Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu các đơn vị quản lý hồ thủy điện tăng cường kiểm tra  để đảm bảo tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương.

Về phương án sơ tán dân tại các vùng nguy hiểm với khoảng 26.977nhân khẩu/106.104 hộ. Dự kiến đến 19 giờ ngày 14/9, sẽ hoàn thành việc sơ tán, di dời dân ở vùng ven biển, cửa sông và đầm phá đến nơi an toàn.  Chủ động dự trữ hàng hóa phòng chống bão lụt năm 2017 với hơn 100 tấn gạo, 100 tấn mì tôm, 100 nghìn lít xăng, 100 nghìn lít dầu diezel và 30 nghìn lít dầu hỏa…Ngoài ra tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương chủ động dự trũ lương thực và hướng dẫn người dân ở các cùng sâu, vùng xa, vùng ngập lụt chủ động dự trự các nhu yếu phẩm thiết yếu  tối thiểu 07 ngày cho gia đình để không thiếu đói khi bão lụt xảy ra.

Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có công điện yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư, đơn vị thi công kiểm tra các công trình đang thi công, khu công nghiệp, kho tàng, nhà xưởng, hệ thống cột anten, di tích văn hóa, các ngầm, đò ngang…; hướng dẫn người dân giằng chống nhà cửa, cảnh báo lều trại nuôi trồng thủy sản trên vùng đầm phá; đảm bảo an toàn giao thông, thông tin liên lạc, thuốc men. Chỉ đạo Sở Giáo dục và đào tạo chủ động cho học sinh các cấp nghỉ học từ ngày 15/9; các sở, ngành liên quan đảm bảo an toàn cho khách du lịch đang lưu trú tại địa phương.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao việc chủ động tổ chức các phương án phòng chống bão số 10 của các bộ, ngành và các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng. Phó thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cơn bão số 10 là cơn bão rất mạnh trong 10 năm qua, vì vậy để chủ động phòng chống và hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra, Phó thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục chủ động và tập trung thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ; trong đó cần tập trung đảm bảo an toàn các hoạt động trên biển, tăng cường thông tin và di chuyển các phương tiện tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn.

Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu vụ hè thu và chủ động tiêu úng để đảm bảo an toàn cho sản xuất;  trong ngày 14/9 tất cả các địa phương ven biển phải thực hiện cấm biển và tập trung sơ tán dân ra khỏi dân ra khỏi vùng nguy hiểm, phải kiên quyết không cho người dân ở các vùng ngập lụt, chòi nuôi trồng thủy sản...;phải thực hiện giằng chống nhà cửa, trường học, trạm y tế, các công trình thuộc hệ thống điện. Đảm bảo các vật tư, lương thực, thực phẩm, nước uống và đảm bảo an ninh trật tự trong vùng bị ảnh hưởng của thiên tai.  

Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp với các địa phương bảo vệ công trình xây dựng, có biện pháp gia cố các công trình, kiểm tra và gia cố các tuyến đê biển xung yếu; đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện, chú ý quy trình vận hành hồ chứa thủy điện; đảm bảo an toàn giao thông, nhất là đường bộ, đường sắt, đường thủy; tập trung các phương tiện để chủ động tìm kiếm và cứu nạn kịp thời. 

Ngay sau buổi họp trực tuyến, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao yêu cầu các sở, ngành và địa phương không được chủ quan và không tổ chức các buổi họp trong thời gian này để tập trung chỉ đạo và triển khai các phương án phòng chống bão lụt. Trong đó, tiếp tục chủ động triển khai các phương án phòng chống thiên tai, bão lụt; lưu ý việc kiểm tra kêu gọi tàu thuyền và di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm; giằng chống nhà cửa, chặt tỉa cây cối; tăng cường phối hợp trong quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện; các địa phương vùng ven biển tăng cường kiểm tra và kịp thời báo cáo, đề xuất với tỉnh để giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

 

 
 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 2.483 khách