Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thừa Thiên Huế: nỗ lực phấn đấu để trở thành một nơi đáng sống
Ngày cập nhật 06/03/2018

Sau 43 năm quê hương được giải phóng (26/3/1975 - 26/3/2018), với ý chí quyết tâm, đoàn kết, sáng tạo, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế cùng với những bước đi phù hợp, Thừa Thiên Huế đã bứt phá vươn lên và đang nỗ lực phấn đấu để xây dựng môi trường sống tuyệt vời và trở thành một nơi đáng sống.

Nhìn lại năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là bị ảnh hưởng liên tiếp các đợt thiên tai bão lũ trong những tháng cuối năm 2017, nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, đạt 7,76% (cao hơn bình quân chung cả nước và xếp thứ 5/12 khu vực miền Trung). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: dịch vụ chiếm 57%, công nghiệp chiếm 32,5%, nông nghiệp giảm còn 10,5%. Kết cấu hạ tầng đầu tư đồng bộ, gắn kết giữa văn hóa với du lịch, giữa bảo tồn và phát triển, từng bước khẳng định là đô thị du lịch văn minh, thân thiện, xanh sạch. Thế mạnh là Du lịch - Dịch vụ đã được tập trung đầu tư, hướng vào khai thác các lợi thế của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử. Tuy đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, đây là những trăn trở rất lớn của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 nhằm đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Với phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” theo chương trình hành động của Chính phủ, năm 2018, Tỉnh sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện đề án phát triển doanh nghiệp và đề án phát triển kinh tế tư nhân; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; thí điểm khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng xã hội hóa, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án BT; triển khai đúng tiến độ dự án thí điểm đường đi bộ ven sông Hương tạo điểm nhấn và “cú hích” cho phát triển du lịch Huế. Xây dựng đề án phát triển công nghiệp nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước...

 

Thành phố Huế sáng về đêm

 

Một niềm vui lớn đến với Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà là ngay đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và gợi mở cho tỉnh nhiều hướng đi phát triển. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Huế là vùng đất văn hóa, lịch sử, có truyền thống hiếu học, là cố đô của Việt Nam; có rất nhiều di sản văn hóa, lịch sử, di sản thiên nhiên nằm trong khu vực miền Trung; vì vậy, con đường phát triển thịnh vượng, đi lên của tỉnh Thừa Thiên Huế là dịch vụ hóa nền kinh tế, lấy du lịch làm nền tảng và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phương hướng phát triển phải mang tính đặc thù, khác biệt với các đô thị, thành phố khác trong cả nước; phát huy vai trò, đóng góp của Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng, Tỉnh đã triển khai rà soát, xem xét để nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch cũng như thực hiện tốt các quy hoạch được phê duyệt; khắc phục hạn chế và cải thiện các chỉ số còn thấp như: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) thông qua đẩy mạnh hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính công, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, xúc tiến, quảng bá và mời gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp đến nghiên cứu đầu tư. Mới đây (ngày 6/2/2018), Ban thường vụ Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Ban giám đốc Đại học Huế và các trường Đại học thành viên để phối hợp khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết, không chỉ tìm các giải pháp thực hiện định hướng phát triển mà Thủ tướng Chỉnh phủ đã chỉ ra, Lãnh đạo tỉnh đã tăng cường đi cơ sở để kiểm tra, đôn đốc thực hiện cũng như giải quyết kịp thời những vướng mắc cho địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung thu hút nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư hạ tầng đồng bộ, phát triển giao thông, nhất là cảng biển và sân bay phục vụ phát triển du lịch; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao...Trong đó, tập trung phát triển ngành Du lịch để thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn xứng tầm là Trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực, từng bước xây dựng thương hiệu Huế là Kinh đô của lễ hội và ẩm thực, Thành phố du lịch “sáng và sống”.

 

Một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu năm 2018 của tỉnh: Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 7,5 - 8%, trong đó: Ngành dịch vụ tăng 8,6%, Công nghiệp - xây dựng tăng 8,5%, Nông - lâm - ngư nghiệp tăng 2,23%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội: 20.000  tỷ đồng; Thu ngân sách nhà nước 6.830 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 6.060 tỷ đồng. Tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người (GRDP) 1.750 USD, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,06% (còn 5%); Giải quyết việc làm mới cho 16.000 lao động...

 
 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 1.344 khách