1. Bổ sung quy định về tố cáo nặc danh: Tiếp nhận, xử lý tố cáo nặc danh là nội dung mới được bổ sung tại Luật Tố cáo năm 2018. Điều 25 quy định: Không xử lý đối với tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo, hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh bằng đơn tố cáo. Tiếp nhận, thanh tra, kiểm tra đối với tố cáo thuộc trường hợp nêu trên nhưng có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh.
2. Rút gọn trình tự giải quyết tố cáo: Tại Điều 28 Luật Tố cáo năm 2018, trình tự giải quyết tố cáo được rút gọn lại chỉ còn 4 bước, thay vì 5 bước như quy định trước đây (4 bước này gồm: Thụ lý tố cáo; xác minh nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo; bỏ bước Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo của Luật Tố cáo năm 2011).
3. Rút ngắn thời gian giải quyết tố cáo: Luật Tố cáo năm 2018 quy định thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý tố cáo; Trường hợp vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày; đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày (Điều 30). Trong khi đó, Luật Tố cáo năm 2011 quy định thời hạn này là 60 ngày, vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo.
4. Cho phép rút tố cáo: Đây cũng là nội dung mới được đưa vào Luật Tố cáo năm 2018, Luật Tố cáo năm 2011 không quy định về nội dung này. Theo đó, Điều 33 Luật mới ghi rõ: Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản. Người tố cáo rút tố cáo nhưng nếu lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định.
5. Quy định rõ về bảo vệ người tố cáo: Điều 47 của Luật Tố cáo năm 2018 định nghĩa rất rõ về đối tượng, phạm vi bảo vệ người tố cáo. Cụ thể: Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo. Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo và người thân của họ đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền phải áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.
6. Tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo: Trước đây, Luật Tố cáo năm 2011 không quy định về điều này, trong khi đó, Luật Tố cáo năm 2018 cho phép người tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc đợi kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan hoặc cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại. Việc đình chỉ giải quyết tố cáo được thực hiện khi: Người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo; người bị tố cáo là cá nhân chết và nội dung tố cáo chỉ liên quan đến trách nhiệm của người bị tố cáo; vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền... (Điều 34 của Luật Tố cáo năm 2018).
Thanh tra tỉnh