Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Báo chí chống tham nhũng phải dám đương đầu
Ngày cập nhật 02/12/2008
Tổng thanh tra Trần Văn Truyền. Ảnh: P.V.

"Người tham gia phòng chống tham nhũng đôi khi cũng phải chịu ảnh hưởng, thiệt thòi. Hiện, tâm lý một số phóng viên có phần lo ngại. Tôi cho rằng, nhà báo cần phải bản lĩnh", Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trao đổi bên lề cuộc đối thoại phòng chống tham nhũng, ngày 28/11.

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng?

- Trong những năm qua, báo chí đã trở thành diễn đàn để mọi tầng lớp trao đổi, phản ánh, lên án và tác động vào những đối tượng tham nhũng. Trong một số vụ việc, báo chí đã đi sâu tìm hiểu, điều tra, phát hiện, cung cấp thông tin ban đầu; phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng điều tra, phát hiện tham nhũng, với tinh thần trung thực, công tâm...

Tuy nhiên, những biểu hiện quá đà, xa rời tôn chỉ mục đích thì cần khắc phục. Báo chí cần tránh gây ra nhận thức không đúng cho dư luận xã hội, mất lòng tin vào chính quyền.

- Trong cuộc đối thoại, ông có đề cập thời gian vừa qua, tình hình chống tham nhũng của báo chí có vẻ lắng xuống. Tại sao ông lại nói như vậy?

- Nói cho đúng là có một số phóng viên, chứ không phải tất cả báo chí. Hằng ngày, các báo vẫn đề cập rất nhiều vấn đề, vụ việc và những thông tin đó đã được giao cho các cơ quan chức năng tập hợp lại để xem xét, xử lý. Nhưng không thể phủ nhận hiện nay tâm lý một số phóng viên có phần lo ngại.

Tôi cho rằng không nên như thế bởi nói cho cùng nhà báo cần phải có bản lĩnh, nghĩa vụ trong đấu tranh chống tiêu cực. Phòng chống tham nhũng rất khó khăn, người tham gia đôi khi cũng phải chịu ảnh hưởng, thiệt thòi. Báo chí khi tham gia phòng chống tham nhũng phải dám đương đầu.

- Thưa ông, báo chí phải dám đương đầu nhưng cũng phải được Chính phủ tạo điều kiện?

- Tới đây, Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho báo chí hoạt động bằng cách công khai, minh bạch về chủ trương, các vụ việc. Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan giúp báo chí thực hiện tốt công việc, đồng thời khen thưởng, bảo vệ những người dũng cảm.

Trong quá trình tác nghiệp nếu nhà báo bị trù dập, các cơ quan chức năng cũng phải can thiệp, có biện pháp chống các hành động trên. Về phía nhà nước thì như vậy, nhưng báo chí cũng cần xác định rõ trách nhiệm của mình.

Báo chí tác nghiệp. Ảnh: ICTnews.

- Ông vừa đề cập đến vấn đề tăng cường công khai, minh bạch. Vậy ông nghĩ gì khi hiện có quá nhiều thông tin đóng dấu mật?

- Hiện nay, trong quá trình thực hiện còn có những cơ quan đóng dấu mật sai quy định. Ngay như công việc của thanh tra, luật quy định phải công khai kết luận thanh tra nhưng trong văn bản đó thường hay đóng dấu mật. Việc này phải uốn nắn trong quá trình điều hành, nhưng nhìn chung quy định diện mật của chúng ta hiện còn rộng.

Chủ trương của Chính phủ là sẽ quy định lại những thông tin bảo mật theo hướng thu hẹp. Chỉ những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia mới gọi là mật, còn lại từ chủ trương, chính sách pháp luật hay những quy định thủ tục hành chính sẽ công khai minh bạch.

Thủ tướng cũng chỉ đạo các cơ quan nhà nước phải chủ động cung cấp thông tin cho dư luận, báo chí. Có cung cấp đầy đủ, báo chí mới có thông tin đúng, nếu không sẽ nguy hại. Báo chí có quyền phê bình sự thiếu thiện chí của một số cơ quan và phải làm sao để họ biết không muốn cũng phải làm bởi đây là trách nhiệm.

Xuân Tùng ghi (Theo VnExpress)

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 469 khách