Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Việc thực hiện một số quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng
Ngày cập nhật 22/07/2013

 (ThanhtraVietnam) - Tham nhũng là loại tội phạm cực kỳ nguy hiểm bởi tính chất và hậu quả do nó gây ra, vì vậy công tác đấu tranh chống tham nhũng được coi là nhiệm vụ trọng tâm của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam

 

 Khi nói về tham nhũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quan liêu, tham ô, lãng phí là “bạn đồng minh của thực dân, phong kiến”, tệ tham ô, lãng phí không chỉ xâm phạm đến tài sản của Nhà nước, của tập thể, làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà mà còn làm tha hoá, suy thoái đạo đức cách mạng của cán bộ, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Chính vì vậy, chống tham ô, lãng phí là một nội dung, nhiệm vụ quan trọng của cách mạng.

Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách vừa lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới. Điều này được thể hiện thông qua việc Đảng ta đã ban hành rất nhiều chỉ thị, nghị quyết để chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng, trên cơ sở đó Nhà nước đã cụ thể hoá bằng các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong hệ thống các văn bản pháp luật đó quy định và đưa ra rất nhiều các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, các giải pháp phát hiện tham nhũng và các biện pháp xử lý người có hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là tại sao chúng ta đã đưa ra nhiều giải pháp được quy định chặt chẽ ở trong các văn bản quy phạm pháp luật nhưng hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng lại chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Xuất phát từ lý do trên, trong bài viết này tác giả trình bày về thực trạng việc thực hiện một số quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trên cơ sở đó đề xuất hướng sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
 

 

Thứ nhất, về việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức

Việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức đã được nhiều nước quy định, nhưng đây vẫn là một khái niệm khá mới ở nước ta. Quy tắc ứng xử là các chuẩn mực xử sự của cán bộ, công chức, viên chức trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội, bao gồm những việc phải làm hoặc không được làm.

Tại Khoản 1, Điều 37, Luật Phòng, chống tham nhũng quy định những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm:

“a) Cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong khi giải quyết công việc;

b) Thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

c) Làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết;

d) Kinh doanh trong lĩnh vực mà trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;

đ) Sử dụng trái phép thông tin, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị vì vụ lợi”(1).

Tuy nhiên, trên thực tế thái độ cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong khi giải quyết công việc vẫn xảy ra thường xuyên trên hầu khắp các lĩnh vực, đặc biệt một số lĩnh vực có tính chất “nhạy cảm” như lĩnh vực đất đai. Xin lấy ví dụ trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận và chuyển nhượng quyền sử dụng đất và sở hữu nhà. Nguy cơ ẩn chứa tham nhũng thuộc về sự phức tạp và thay đổi liên tục của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới việc cấp và chuyển nhượng giấy chứng nhận, cũng như tính đa dạng trong hồ sơ thực tế của người dân, chính điều này đã tạo cơ hội cho một số cán bộ, công chức có thái độ “sách nhiễu”, cố tình gây “phiền hà” cho người dân, biểu hiện thông qua một số hành vi: Yêu cầu làm lại hồ sơ nhiều lần, yêu cầu bổ sung thêm các loại thủ tục giấy tờ ngoài danh mục quy định, cố tình kéo dài thời gian, có những trường hợp cán bộ, công chức còn cung cấp cả số điện thoại của cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường và cán bộ thuế để người dân tiện liên hệ “giải quyết” công việc… Tất cả yếu tố trên tạo nên tâm lý bất ổn, để giải quyết nhanh công việc họ sẵn sàng chi trả các khoản phí không chính thức.

Tại điểm c Khoản 1 Điều 37 quy định cán bộ, công chức, viên chức “không được làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết”(2) nhưng trên thực tế một tỷ lệ lớn các hộ gia đình lại thuê chính cán bộ địa chính/cán bộ một cửa thực hiện các dịch vụ trung gian để xin cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một số cán bộ quản lý đất đai tham gia cung cấp dịch vụ này với nội dung: Được thuê hoàn thiện hồ sơ, giúp người dân nộp và theo dõi quá trình thụ lý hồ sơ, thuê trọn gói hoặc họ sẽ tư vấn giá đất ghi trong hợp đồng để làm sao vừa phù hợp với chính sách, vừa có lợi nhất cho người mua/bán. Bên cạnh đó, việc “có thông tin nhanh về đất đai” cũng có thể giúp cán bộ, công chức kiếm được những khoản tiền “phi pháp”.

Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức không chỉ được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Công chức, Luật Viên chức mà mỗi ngành nghề đều quy định những quy tắc ứng xử cụ thể trong ngành, lĩnh vực hoạt động của ngành mình. Câu hỏi đặt ra tại sao những quy tắc này lại không được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, phải chăng đó là do chúng ta mới chỉ chú trọng tới việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức mà coi nhẹ việc giáo dục tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp của họ? Do mức lương tối thiểu không đủ chi trả cho cuộc sống hàng ngày? Do hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát còn chưa thường xuyên, hay chăng đó là vì chế tài pháp luật chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe để ngăn chặn những hành vi vi phạm về quy tắc ứng xử? Đây chính là vấn đề đòi hỏi phải xây dựng và đưa ra các giải pháp phòng, chống tham nhũng mang tính chất đồng bộ và phù hợp với thực tế cuộc sống cũng như phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ hai, về vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập

Có thể thấy việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức sẽ giúp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó, phục vụ công tác quản lý cán bộ, công chức góp phần phòng ngừa hành vi tham nhũng.

Luật Phòng, chống tham nhũng cũng như một số văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định rất rõ về đối tượng kê khai tài sản, nghĩa vụ của người kê khai, các loại tài sản phải kê khai, vấn đề xác minh tài sản thu nhập… Với những quy định này chúng ta kỳ vọng đây sẽ là một biện pháp thể hiện rõ sự công khai, minh bạch của cán bộ, công chức - những người được xem là “công bộc” của nhân dân, từ đó có tác dụng phòng ngừa tham nhũng rất hiệu quả. Tuy nhiên, khi tổ chức triển khai gần như chỉ mang tính hình thức.

- Hàng năm, các cơ quan vẫn yêu cầu đối tượng kê khai phải kê khai tài sản hiện có và tài sản phát sinh, có thể nói công việc này được thực hiện rất tốt, song điều đáng quan tâm là việc giải trình nguồn gốc phát sinh của các tài sản đó lại không được thực hiện. “Công khai, minh bạch” không chỉ là việc không được giấu giếm thông tin, phải công khai cho mọi người biết mà nó còn bao hàm cả việc có khả năng giải trình, chứng minh về nguồn gốc của những tài sản đó hay không. Mặt khác, pháp luật chưa có quy định tất cả cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước phải kê khai tài sản, thu nhập khi được tuyển dụng lần đầu vào cơ quan nhà nước. Điều này cũng dẫn tới việc kiểm soát khó đạt hiệu quả như mong muốn.

- Bên cạnh đó, chúng ta chưa có cơ chế đồng bộ để kiểm soát tất cả các khoản thu nhập của cán bộ, công chức một cách chặt chẽ, đầy đủ và toàn diện, việc thanh toán qua tài khoản đối với các khoản thu nhập khác ngoài lương của cán bộ, công chức chưa được thực hiện. Rất nhiều các giao dịch kinh tế được thanh toán bằng tiền mặt, điều này làm giảm khả năng kiểm soát của Nhà nước.

- Pháp luật chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý cán bộ, công chức kê khai không trung thực hoặc không chứng minh được nguồn gốc của tài sản. Không ít trường hợp, đối tượng là những người có chức, có quyền ở một số cơ quan, đơn vị nhưng khi kê khai tài sản họ lại rơi vào tình trạng "vô sản", không có nổi một tài sản trị giá hơn 50 triệu đồng, bởi tài sản của họ đều được đứng tên bởi người thân (vợ, con, bố, mẹ, ông, bà, cô, dì, chú, bác…). Có thể thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập còn mang tính hình thức, khó rà soát và đã nổi lên nhiều hiện tượng "lách luật" trong kê khai tài sản, thu nhập. Hình thức cao nhất của việc không trung thực trong kê khai tài sản là hạ bậc lương, cách chức trong khi việc xử lý khối tài sản đó thì lại không được quy định. 

Trên cơ sở phân tích thực trạng của việc thực hiện một số quy định của pháp luật hiện hành về phòng, chống tham nhũng cũng như chỉ ra một số nguyên nhân dẫn tới việc áp dụng, triển khai không hiệu quả các biện pháp này trên thực tế, xin nêu ra một vài kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới:

- Về việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức: Có thể nói hệ thống những quy định của pháp luật về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức là khá đầy đủ, tuy nhiên cần làm gì để họ tự giác chấp hành những quy tắc đó. Điều quan trọng nhất là cần phải tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, công chức, viên chức nâng cao ý thức trách nhiệm, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của bản thân. Mỗi cán bộ, công chức phải hiểu rằng họ chính là “công bộc” của nhân dân, phải “vì nhân dân mà phục vụ”. Từ ý thức sẽ điều chỉnh được hành vi tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải có sự điều chỉnh mức lương tối thiểu cho phù hợp với từng giai đoạn bởi khi mức lương đủ để trang trải cho cuộc sống hàng ngày thì cán bộ, công chức, viên chức sẽ yên tâm, cống hiến hết mình cho công việc và sẽ không còn tâm lý tìm mọi cách để tham nhũng tiền và tài sản của Nhà nước. Ngoài ra, còn phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm.

- Về vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập: Pháp luật nên quy định các đối tượng không chỉ kê khai tài sản, thu nhập mà còn phải có nghĩa vụ giải trình về nguồn gốc của những tài sản đó. Đối với khối tài sản của cán bộ kê khai không trung thực, sau khi bị phát hiện, nếu không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ cần phải sung công quỹ. Bởi theo Công ước của Liên hiệp quốc về phòng chống tham nhũng, cũng như pháp luật của một số nước trên thế giới quy định đối với những tài sản không giải trình được, bất minh, phải bị tịch thu. Điều 395, Bộ luật hình sự Trung Quốc quy định trong trường hợp có nghi vấn, yêu cầu công chức phải chứng minh nguồn gốc tài của mình, nếu không chứng minh được thì coi như  phạm pháp và phần tài sản bất minh sẽ bị sung công. Ở Thái Lan: Công chức nào không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì sẽ bị xử lý và đưa tin công khai trên báo chí. Tại Malaixia, cơ quan đang ký tài sản công chức có quyền sa thải công chức nếu công chức không giải thích được nguồn gốc tài sản của mình. Có quy định chặt chẽ như vậy mới hy vọng hạn chế được hành vi cố tình che giấu nguồn tài sản không minh bạch của cán bộ, công chức. Ngoài ra, để kiểm soát được những biến động về tài sản, cần mở rộng hình thức thanh toán các giao dịch kinh tế thông qua tài khoản cá nhân, nên hạn chế việc thanh toán bằng tiền mặt./.

--------------------------

 (1) Khoản 1, Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007,2012

(2) Điểm c, khoản 1, Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng đã được sửa đổi, bổ sung năm 2007,2012

 

Ths. Vũ Việt Hà

Khoa Nhà nước và pháp luật - Học viện Hành chính

 
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 93 khách