Tìm kiếm tin tức
Những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng về văn hóa - xã hội (phần I)
Ngày cập nhật 16/09/2016

Đường lối đổi mới của Đảng được hình thành, phát triển, không ngừng hoàn thiện gắn liền với quá trình lãnh đạo của Đảng. Các kỳ đại hội Đảng, căn cứ thực tiễn và dự báo tình hình đất nước, thế giới; căn cứ kết quả thực hiện các quan điểm, chủ trương, mục tiêu đã được xác định và những kinh nghiệm thực tiễn được đúc kết, những nhận thức lý luận mới, Đảng bổ sung, phát triển các quan điểm, chủ trương xây dựng đất nước phù hợp với yêu cầu của giai đoạn, thời kỳ mới. Nói những điểm mới trong các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, trong đó có những nội dung về văn hoá - xã hội, là nói đến những nội dung được bổ sung, hoàn thiện trên cơ sở kế thừa, phát triển những quan điểm, chủ trương đã có.

Trong Báo cáo chính trị, Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 (gọi chung là Văn kiện), những nội dung về văn hoá, xã hội được trình bày thành bốn vấn đề:

(1) Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực; (2) Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; (3) Xây dựng, phát triển văn hoá, con người; (4) Quản lý phát triển xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Hiểu theo nghĩa rộng, giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ là bộ phận của văn hoá, song vì đây là hai lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nên Văn kiện trình bày thành hai vấn đề riêng. Văn kiện kế thừa những nội dung vẫn còn nguyên giá trị trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng; tiếp thu, chọn lọc những nội dung cốt lõi của các nghị quyết Trung ương khoá XI về văn hoá, xã hội, nâng lên tầm văn kiện, đồng thời căn cứ vào yêu cầu, điều kiện cụ thể của đất nước để lựa chọn những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp và có thể thực hiện được trong 5 năm tới, trong đó có những điểm mới nổi bật.

I. VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO, PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ GẮN VỚI PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC.

1. Văn kiện tiếp tục khẳng định quan điểm: giáo dục, đào tạo cùng với khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ là đầu tư cho phát triển. Đại hội XI của Đảng đã định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học, công nghệ và xác định khâu đột phá chiến lược: "Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ"[1]. Kế thừa và phát triển tư tưởng Đại hội XI, Văn kiện Đại hội XII xác định:

- Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học và công nghệ, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động; chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn [2].

- Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học, công nghệ thật sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp[3].

2. Đồng thời với việc xác định những phương hướng chính, những nhiệm vụ chủ yếu nhằm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, Văn kiện đặc biệt chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp gắn kết giáo dục, đào tạo và khoa học - công nghệ với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ hiệu quả quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược.

Trước hết, giáo dục, đào tạo và khoa học - công nghệ phải gắn kết, tương tác lẫn nhau. Đổi mới giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao tiềm năng, kỹ năng sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ của con người; khoa học - công nghệ phải gắn bó và thông qua nguồn nhân lực được đào tạo để thâm nhập sâu vào sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Hướng đích của đổi mới giáo dục, đào tạo và phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ là phục vụ thiết thực sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế, trước hết là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo đó là chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Giáo dục và đào tạo hướng vào: (1) Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước nói chung và cho từng ngành, từng lĩnh vực nói riêng, với những giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung cho giải pháp đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong nhà trường cũng như trong quá trình sản xuất kinh doanh; (2) Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực; (3) Tăng cường quản lý nhà nước về nguồn nhân lực, gắn kết cung - cầu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo điều kiện hỗ trợ dịch chuyển lao động và phân bố lao động hợp lý, hiệu quả; (4) Khuyến khích thành lập viện, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong nhà trường; thí điểm chuyển mô hình trường công lập sang cơ sở giáo dục do cộng đồng, doanh nghiệp quản lý, đầu tư; (5) Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp và kỹ năng thực hành.

Khoa học - công nghệ tập trung: (1) Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát huy năng lực sáng tạo của mọi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức; (2) Tăng cường liên kết giữa các tổ chức khoa học và công nghệ với doanh nghiệp; khuyên khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới công nghệ; (3) Phát triển, nâng cao năng lực hệ thống các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ, đồng thời hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hoá theo hướng hỗ trợ hiệu quả cho việc vận hành thị trường khoa học và công nghệ; (4) Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ, nhất là các chuyên gia giỏi có nhiều đóng góp.

                   [1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Tr.106

                   [2], [3]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại biểu toàn quốc lần thứ XII,  tr.114-115,119-120.

Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương: Những điểm mới trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, NXB CTQG - Sự thật, Hà Nội, 2016

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 652 khách