Tìm kiếm tin tức
THÔNG BÁO KẾT LUẬN THANH TRA Công tác quản lý các dự án, đầu tư xây dựng tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị trực thuộc
Ngày cập nhật 14/08/2020

Thực hiện Quyết định số 647/QĐ-TTr ngày 15/7/2019 của Chánh Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế về thanh tra công tác quản lý các dự án, đầu tư xây dựng tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và các đơn vị trực thuộc, Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra công tác quản lý 05 dự án, đầu tư xây dựng tại Sở NN&PTNT và các đơn vị trực thuộc, xác minh tại các đơn vị, tổ chức có liên quan. Ngày 31/7/2020, Chánh Thanh tra tỉnh đã ban hành Kết luận thanh tra số 481/KL-TTr.

Căn cứ Điều 39 Luật Thanh tra năm 2010 và Quy chế công khai kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh thông báo kết luận thanh tra như sau:

 

    Phần A

NỘI DUNG THANH TRA

Thanh tra công tác quản lý dự án, đầu tư xây dựng tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị trực thuộc, gồm các dự án, công trình: Dự án “Xây dựng Kho bảo quản hạt giống cây trồng dự trữ quốc gia ở miền Trung” (trừ các nội dung công việc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện); Hợp phần Quản lý dự án thuộc Dự án “Phục hồi và Quản lý bền vững rừng phòng hộ (JICA2) tỉnh Thừa Thiên Huế”; Dự án “Nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020”; Dự án “Đầu tư Phát triển rừng ven biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015-2020” và Công trình “Trụ sở làm việc Hạt Kiểm lâm thành phố Huế”.

Phần B

KẾT LUẬN THANH TRA

Trong những năm qua được sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnhvà các Sở ban ngành liên quan trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đến giai đoạn tổ chức lựa chọn nhà thầu, triển khai thi công, hoàn thành công trình và bàn giao đưa công trình vào sử dụng. Trong quá trình chuẩn bị dự án việc lựa chọn quy mô đầu tư dự án và các hạng mục đáp ứng mục tiêu, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Bên cạnh đó có một số Dự án liên quan đến các cấp, các ngành, từ Trung ương đến địa phương; có dự án đặc thù mới triển khai lần đầu tại địa phương; nhiều hạng mục, phạm vi thực hiện dự án rộng nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt là các dự án liên quan đến trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.Nguồn vốn đầu tư bố trí cho một số dự ánhàng năm chưa kịp thời; tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến bất thường nên làm ảnh hưởng đến tình hình thực hiện dự án.

I. DỰ ÁN XÂY DỰNG TRỤ SỞ LÀM VIỆC HẠT KIỂM LÂM THÀNH PHỐ HUẾ

1. Về thủ tục

Công trình trụ sở Hạt Kiểm lâm thành phố Huế được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2183/QĐ-UBND ngày 22/10/2015, giá trị phê duyệt 5.275.000.000 đồng do Chi cục Kiểm lâm tỉnh làm chủ đầu tư địa điểm xây dựng tại đường Võ Văn Kiệt, phường An Tây, thành phố Huế.

Qua thanh tra cho thấy, Chủ đầu tư là Chi cục Kiểm lâm thực hiện trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng cơ bản căn cứ vào các Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật của UBND tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn một số thiếu sót, vi phạm như: việc Chi cục Kiểm lâm ban hành Quyết định số 1153/QĐ-CCKL ngày 30/12/2016 và Quyết định số 544/QĐ-CCKL ngày 17/7/2017 về việc phê duyệt dự toán và phê duyệt điều chỉnh dự toán Công trình Trụ sở làm việc Hạt Kiểm lâm thành phố Huế là không đúng thẩm quyền theo quy định tại Khoản 2, Điều 15 Thông tư số 18/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung về thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình. Ngoài ra, Công trình Trụ sở Hạt Kiểm lâm thành phố Huế được chủ đầu tư là Chi cục Kiểm lâm điều chỉnh dịch chuyển vị trí xây dựng (khoảng 5m) so với thiết kế ban đầu nhưng chưa có sự chấp thuận của cấp quyết định đầu tư là UBND tỉnh.

Trách nhiệm của những thiếu sót, vi phạm trên thuộc về Chủ đầu tư mà trực tiếp là Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm và đơn vị tư vấn quản lý dự án.

2. Việc nghiệm thu thanh quyết toán

Sau khi được UBND tỉnhphê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và kết quả lựa chọn nhà thầu, Chủ đầu tư đã tổ chức đấu thầu hoặc chỉ định thầu các gói thầu và tiến hành ký các hợp đồng thi công xây lắp với các đơn vị thi công để thi công, nghiệm thu thanh toán các hạng mục thuộc phạm vi công trình. Ngày 23/7/2018, Sở Tài chính ban hành Quyết định số 1817/QĐ-TC về việc phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành 4.719.075.000 đồng, trong đó giá trị xây lắp: 3.367.742.000 đồng, thiết bị: 98.490.000 đồng, quản lý dự án: 83.231.000 đồng, chi phí giám sát: 86.745.000 đồng.

Kết quả kiểm tra một số hạng mục công trình cho thấy: Về cơ bản, Chủ đầu tư và các đơn vị thi công đã thực hiện đảm bảo các thủ tục quy định về đầu tư xây dựng, công tác thi công, xây dựng theo bản vẽ thiết kế, dự toán đã được phê duyệt, việc thanh quyết toán cơ bản phù hợp với quy định về tài chính kế toán. Tuy nhiên còn một số thiếu sót, vi phạm như: Giá trị xây lắp thực tế thi công giảm so với giá trị nghiệm thu, thanh quyết toán với số tiền xây lắp sau thuế VAT là 55.673.000 đồng, số tiền xây lắp trước thuế VAT là 50.612.000 đồng. Nguyên nhân, do khối lượng thực tế thi công không đúng với khối lượng tại bản vẽ hoàn công và hồ sơ nghiệm thu thanh quyết toán.

Trách nhiệm của những thiếu sót, vi phạm trên thuộc về Chủ đầu tư mà trực tiếp là Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, kế toán và đơn vị tư vấn quản lý dự án, đơn vị giám sát thi công.

II. DỰ ÁN NÂNG CAO NĂNG LỰC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY RỪNG CHO LỰC LƯỢNG KIỂM LÂM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2016-2020

  1. Về thủ tục

Thực hiện Đề án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2014-2020 của Thủ trướng Chính phủ tại Quyết định số 1938/QĐ-TTg ngày 28/10/2014, ngày 23/10/2015UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2188/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng kiểm lâm Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020.

Ngày 30/10/2015,UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2475/QĐ-UBND về việc phê duyệt với tổng mức đầu tư 27.234 triệu đồng, trong đóngân sách Trung ương (NSTW) (cấp qua Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020) 27 tỷ; ngân sach địa phương (NSĐP) 314 triệu đồng (Chi phí lập dự án) và cùng ngày 30/10/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2503/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 60.968 tỷ đồng, trong đó vốn NSTW là 27.000 triệu đồng, NSĐP và huy động các nguồn hợp pháp khác là 33.968 triệu đồng.

Nguyên nhân của việc điều chỉnh dự án do vốn NSTW chỉ hỗ trợ cho các dự án từ nhóm B trở lên (dự án 60 tỷ trở lên), đồng thời để được xem xét phân bổ vốn đầu tư Trung hạn 2015-2020 thì dự án phải phê duyệt trước 30/10/2015, do đó Chủ đầu tư báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh để lập lại dự án điều chỉnh trình Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở NN&PTNT thẩm định và được UBND tỉnh phê duyệt Quyết định số 2503/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 với tổng mức đầu tư 60.968 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh tạiQuyết định số 2503/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 không thuộc trường hợp được điều chỉnh dự án theo quy định tại Khoản 2, Điều 46 Luật Đầu tư công, Điều 61 Luật Xây dựng.Trách nhiệm này thuộc về Chủ đầu tư là cơ quan trình đề xuất điều chỉnh dự án cho người quyết định đầu tư.

  1. Việc thực hiện

Kết quả thanh tra cho thấy, chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thi công và các cá nhân tham gia dự án vẫn còn để xảy ra các tồn tại, thiếu sót như sau:

- Sở NN&PTNTphê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng các gói thầu từ 17-20 (các gói xây dựng chòi, bảng tuyên truyền) là không đúng thẩm quyền Khoản 1, Điều 82 Luật Xây dựng năm 2014; Khoản 2, Điều 24 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Trách nhiệm đối với những thiết sót, vi phạm này thuộc về Giám đốc Sở NN&PTNT và Chủ đầu tư là cơ quan tham mưu, đề xuất.

- Về năng lực của các đơn vị, cá nhân tham gia dự án: Chủ đầu tư cung cấp cho Đoàn thanh tra hồ sơ năng lực của các đơn vị tham gia hoạt động dự án gồm: Công ty TNHH MTV Hữu Dũng; Công ty TNHH Xây dựng Thuận Hóa; DNTN Vũ Minh; Công ty TNHH Loan Thắng; Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hà và chứng chỉ hành nghề của một số cá nhân. Tuy nhiên, tại thời điểm ký hợp đồng tư vấn, thi công các đơn vị trên không có chứng chỉ hoạt động xây dựng theo quy định (các đơn vị được cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng từ năm 2018). Việc Chủ đầu tư ký hợp đồng tư vấn, thi công với các đơn vị không có chứng chỉ hoạt động xây dựng là thuộc hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng.

Trách nhiệm đối với những thiết sót, vi phạm này thuộc về Chủ đầu tư.

- Về quản lý chất lượng công trình

Quá trình thực hiện dự án vẫn xảy ra một số tồn tại, sai phạm như sau: Việc đơn vị tư vấn là Công ty TNHH MTV Hữu Dũng bố trí ông Hà Thanh Dũng giám sát các hạng mục công trình chòi canh, bảng tuyên truyền tại địa bàn huyện Phú Lộc, Phong Điền và thị xã Hương Thủy tại Sổ Nhật ký công trình thể hiện cùng một thời điểm lại giám sát, nghiệm thu hạng mục công việc hoặc công trình tại các địa bàn khác nhau. Do đó, việc giám sát thi công xây dựng phải bảo đảm thực hiện trong suốt quá trình thi công từ khi khởi công xây dựng, trong thời gian thực hiện cho đến khi hoàn thành và nghiệm thu công việc, công trình xây dựng là không đúng theo Điều 120 Luật Xây dựng, Điều 26 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng, bảo trì công trình xây dựng.

Trách nhiệm đối với những thiết sót, vi phạm này thuộc về đơn vị tư vấn giám sát thi công công trình, Chủ đầu tư.

  1. Việc chấp hành chế độ tài chính kế toán

Việc chủ đầu tư thanh toán, quản lý sử dụng vốn đầu tư, nguồn thu bán hồ sơ mời thầu không đúng quy định, cụ thể:

- Về quản lý, sử dụng chi phí bán hồ sơ mời thầu: Theo số liệu báo cáo của Chi cục Kiểm lâm (Chủ đầu tư), tổng số tiền thu từ bán hồ sơ mời thầu các gói thầu 5,7,8 và 21 là 26.000.000 đồng, trong đó: năm 2016: 20.000.000 đồng; năm 2017: 6.000.000 đồng; Tổng số tiền chi liên quan đến tổ chức mở thầu: 18.730.000 đồng (năm 2016: 9.730.000 đồng; năm 2017: 9.000.000 đồng), số tiền còn lại 7.270.000 đồng (bao gồm thuế 10%).

Kết quả thanh tra cho thấy: Chủ đầu tư đã thực hiện lập dự toán thu, chi tiền thu từ bán hồ sơ mời thầu theo quy định. Tuy nhiên, Chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định; chưa nộp vào ngân sách nhà nước số tiền còn lại là chưa đúng quy định tại Luật Quản lý thuế và Điều 7 Thông tư số 190/2015/TT-BTC ngày 17/11/2015 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý, sử dụng chi phí trong quá trình lựa chọn nhà thầu các dự án sử dụng nguồn vốn Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.

- Chi Hội nghị tập huấn phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR): Theo số liệu quyết toán của Chủ đầu tư, tổng số tiền chi Hội nghị tập huấn PCCCR 2016-2017 là 350 triệu đồng (08 lớp), trong đó năm 2016 tổ chức 02 lớp với số tiền 100 triệu đồng; năm 2017 tổ chức 06 lớp với số tiền 250 triệu đồng. Tuy nhiên, việc chủ đầu tư thanh toán chi phí hỗ trợ tiền công tác phí, tiền xăng xe và tiền ngủ cho các đối tượng tham gia tập huấn hưởng lương từ ngân sách nhà nước là không đảm bảo theo quy định tại Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND ngày 20/01/2011 của UBND tỉnh ban hành chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế; Điều 4, Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và Điều 11, Điều 12 Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

Trách nhiệm đối với những vi phạm, thiếu sót nêu trênthuộc về Chủ đầu tư.

III. HỢP PHẦN QUẢN LÝ DỰ ÁN THUỘC DỰ ÁN PHỤC HỒI VÀ QUẢN LÝ BỀN VỮNG RỪNG PHÒNG HỘ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ (Dự án JICA 2)

Dự án JICA2 gồm có 07 hợp phần: Rà phá bom mìn và tẩy rửa chất độc hóa học, Phát triển/cải thiện rừng phòng hộ, Hỗ trợ phát triển sinh kế, Phát triển cơ sở hạ tầng sinh kế, Phát triển cơ sở hạ tầng lâm sinh, Kiểm soát phòng chống cháy rừng và Quản lý dự án. Trong đó, Thanh tra Bộ NN&PTNT thanh tra 6/7 hợp phần tại Kết luận thanh tra số 826-05/PLKL-TTr ngày 23/11/2017.Riêng hợp phần Quản lý dự án, Thanh tra Bộ chưa tiến hành thanh tra. Do đó, Đoàn thanh tra chỉ tiến hành thanh tra hợp phần này từ năm 2012 đến năm 2018.

1. Việc xác định Hợp phần chi phí quản lý dự án

1.1. Dự án JICA2 đã được triển khai từ năm 2012 căn cứ theo Quyết định số 1325/QĐ-UBND ngày 25/7/2012 của UBND tỉnh phê duyệt dự án JICA2 với tổng mức đầu tư là 147.278 triệu đồng, trong đó:

- Vốn vay Nhật Bản: 117.151 triệu đồng;

- Vốn đối ứng:  30.127 triệu đồng, gồm:

+ Quản lý dự án: 18.539 triệu đồng;

+ Thuế (nhập khẩu, VAT...): 11.588 triệu đồng.

Hồ sơ dự án kèm theo Quyết định số 1325/QĐ-UBND có nêu cụ thể: Hợp phần quản lý dự án 18.539 triệu đồng với tỷ lệ 12,6% trên tổng mức đầu tư của dự án, trong đó:

+ Chi phí quản lý dự án: 8.795 triệu đồng;

+ Dự phòng chi phí quản lý dự án: 9.744 triệu đồng (dự phòng cho trượt giá LC 12,6%/năm, FC 1,6%/năm).

1.2. Quyết định số 2813/QĐ-UBND ngày 02/12/2017 của UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1325/QĐ-UBND. Theo đó, tổng mức đầu tư được điều chỉnh giảm còn 106.951 triệu đồng, trong đó:

- Vốn vay Nhật Bản: 86.982 triệu đồng;

- Vốn đối ứng: 19.969 triệu đồng, gồm:

+ Quản lý dự án (gồm chi phí quản lý dự án, chi phí thẩm tra, thẩm định, quyết toán dự án hoàn thành, chi khác..): 18.323 triệu đồng;

+ Thuế (nhập khẩu, VAT...): 1.646 triệu đồng.

Tại Biên bản ghi nhớ kết quả làm việc giữa Ban Quản lý dự án(BQLDA) JICA2 tỉnh và Đoàn công tác của BQLDA JICA2 Trung ương (TW) làm việc tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ ngày 27/9/2017 đến 29/9/2017 đã ghi nhận: Đoàn công tác đã hướng dẫn tổ chức phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quyết định, kế hoạch tổng thể tiểu dự án; trong đó, có nội dung “… chi tiết cụ thể những kế hoạch đã, đang và sẽ thực hiện từ 2012-2021 theo các biểu mẫu đã thống nhất trong những ngày làm việc (tuân thủ theo Điều 46 của Nghị định 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016)”. Biểu mẫu phụ lục kèm theo Biên bản đã hướng dẫn đối với “Hợp phần quản lý dự án” phải chi tiết theo “Chi phí quản lý dự án” và “Dự phòng chi phí quản lý dự án”. Tuy nhiên, Quyết định số 2813/QĐ-UBND không lập và chi tiết như hướng dẫn của Đoàn công tác BQLDA JICA2 TW mà gộp chung, phê duyệt điều chỉnh “Hợp phần quản lý dự án” giảm từ 18.539 triệu đồng xuống còn 18.323 triệu đồng (giảm 216 triệu đồng).

Do không có dự án điều chỉnh kèm theo để thuyết minh số liệu được phê duyệt tại Quyết định số 2813/QĐ-UBND ngày 02/12/2017 nên không xác định được chi tiết Chi phí quản lý và Dự phòng chi phí quản lý dự án được điều chỉnh là bao nhiêu trong tổng số vốn đối ứng 19.969 triệu đồng. Tuy nhiên, Chi phí quản lý dự án được điều chỉnh tại Quyết định số 2813/QĐ-UBND ngày 02/12/2017 không thể cao hơn 8.795 triệu đồng.

Việc sử dụng dự phòng chi phí quản lý dự án (dự phòng trượt giá LC và FC) phải được giải trình và xin ý kiến sử dụng của cơ quan thẩm quyền khi có sự biến động về giá theo quy định.

Tính đến thời điểm 31/12/2018, số kinh phí BQLDA JICA2 đã sử dụng lũy kế là 11.315.087.864 đồng. Cụ thể như sau:

Năm

Đã sử dụng (đồng)

Lũy kế đến hết kỳ này (đồng)

(Số liệu do đơn vị báo cáo)

2012

222.953.943

222.953.943

2013

1.067.226.814

1.290.180.757

2014

2.039.010.288

3.329.191.045

2015

1.842.500.550

5.171.691.595

2016

1.948.441.457

7.120.133.052

2017

2.061.270.531

9.181.403.583

2018

2.133.684.281

11.315.087.864

 

Căn cứ vào bảng số liệu nêu trên cho thấy, đến cuối năm 2017, Chủ đầu tư và BQLDA đã sử dụng 9.181.403.583 đồng, vượt chi phí quản lý dự án được duyệt tại Quyết định số 1325/QĐ-UBND, trong khi chi phí quản lý dự án 8.795 triệu đồng được phê duyệt tại Quyết định số 1325/QĐ-UBND ngày 25/7/2012 là mức tối đa mà Chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý và sử dụng đúng theo quy định trong quá trình thực hiện dự án từ năm 2012 đến năm 2021.

Trong quá trình thanh tra, ngày 27/02/2020, Thanh tra tỉnh đã có buổi làm việc với Sở NN&PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính về kết quả thanh tra công tác quản lý dự án Hợp phần Quản lý dự án thuộc Dự án JICA2. Ngày 01/6/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 1579/SKHĐT-KTĐN trình UBND tỉnh về việc tham mưu chi phí quản lý dự án sau khi điều chỉnh, bổ sung Dự án JICA2.

Trách nhiệm của những thiếu sót, vi phạm nêu trên thuộc về Giám đốc Sở NN&PTNT; Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng BQLDA JICA2, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

2. Về thành lập Ban Quản lý dự án JICA2

BQLDA JICA2 được thành lập theo Quyết định số 1393/QĐ-UBND ngày 06/8/2012 của UBND tỉnh. Căn cứ Khoản 1, Điều 25 Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09/11/2006 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức; Điều 4 Quyết định số 319/QĐ-BNN-HTQT ngày 22/2/2012 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thì Sở NN&PTNT (Chủ Đầu tư) là cơ quan có trách nhiệm thành lập BQLDA.

Tuy nhiên, Sở NN&PTNT và Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào Công văn số 733/DALN-JICA2 ngày 23/4/2012 của Ban quản lý các dự án lâm nghiệp, để tham mưu UBND tỉnh quyết định thành lập BQLDA theo Quyết định số 1393/QĐ-UBND ngày 06/8/2012 là không đúng quy định.

Từ thời điểm thành lập đến trước ngày 05/6/2014, Giám đốc BQLDA là ông Hồ Đăng Vang - kiêm nhiệm. Sau thời điểm ngày 05/6/2014, Giám đốc BQLDA là ông Hồ Sỹ Nguyên - kiêm nhiệm được UBND tỉnh bổ nhiệm theo Quyết định điều chỉnh số 1122/QĐ-UBND ngày 05/6/2014.

Cơ cấu cán bộ và vị trí việc làm của BQLDA được Ban Quản lý các Dự án lâm nghiệp quy định tối đa là 13 biên chế. Trong đó, có 03 cán bộ kiêm nhiệm là 01 Giám đốc, 01 Phó giám đốc, 1 cán bộ kỹ thuật và 10 cán bộ chuyên trách trong đó có 03 cán bộ kế toán, 05 cán bộ kế hoạch - kỹ thuật, 01 cán bộ văn thư, 01 lái xe.

Về lựa chọn nhân sự: Căn cứ vào các hồ sơ nhân sự do BQLDA cung cấp, đối chiếu với các quy định về điều kiện, năng lực tham gia quản lý dự án cho thấy, nhiều nhân sự được lựa chọn chưa đảm bảo theo quy định như kinh nghiệm, thời gian công tác, chuyên ngành đào tạo, chứng chỉ hành nghề,…

3. Về dự toán

- Chủ đầu tư và BQLDA không lập dự toán thu theo quy định tại Thông tư số 10/2011/TT-BTC ngày 26/01/2011, Thông tư số 05/2014/TT-BTC ngày 06/01/2014, Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và Quyết định số 2157/QĐ-UBND ngày 23/10/2014 của UBND tỉnh quy định việc lập dự toán, phê duyệt dự toán, quản lý sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án và quyết toán thu, chi quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Chủ đầu tư và BQLDA có lập và phê duyệt dự toán chi hàng năm nhưng chưa được thẩm định và không tuân thủ theo quy định tại Điều 7, Thông tư số 10/2011/TT-BTC ngày 26/01/2011; Điều 11, Thông tư số 05/2014/TT-BTC ngày 06/01/2014; Điều 12, Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 và Điều 7, Quyết định số 2157/QĐ-UBND ngày 23/10/2014 của UBND tỉnh.

- Chủ đầu tư và BQLDA không thực hiện lập dự toán theo quy định nên việc quyết toán thu, chi quản lý dự án cũng thực hiện không đúng theo các quy định nêu trên.

Trách nhiệm của những thiếu sót, vi phạm nêu trên thuộc về Giám đốc Sở NN&PTNT; Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng của BQLDA.

4. Việc chấp hành chế độ và chứng từ thanh toán

4.1. Về thanh toán làm thêm giờ

Việc chi thanh toán làm thêm giờ chưa được thực hiện theo đúng quy định. Thủ tục thanh toán chưa đầy đủ như giấy báo làm thêm giờ không ghi ngày, tháng, năm hoặc ghi vào cuối tháng sau khi đã kết thúc công việc làm thêm giờ,.. Một số nội dung công việc làm thêm giờ chưa được ghi cụ thể, rõ ràng, nội dung chung chung (ví dụ: làm chứng từ, kiểm tra hồ sơ chứng từ thanh toán, làm hồ sơ thanh toán, làm sổ sách chứng từ kế toán, làm việc tại BQLDA...). Nhiều chứng từ làm thêm giờ thủ tục thanh toán chưa bảo đảm đúng theo quy định tại Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp; Thông tư số 185/2010/TT-BTC ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.

4.2. Về thanh toán chi phí thuê thuyền máy

Qua kiểm tra cho thấy, một số chứng từ thanh toán chưa bảo đảm quy định như:Giấy đi đường không thể hiện nơi đi, nơi đến cụ thể của các vùng dự án; nội dung chứng từ thanh toán thuê thuyền máy chưa thể hiện rõ thời gian, mục đích và địa điểm vùng dự án.

4.3. Về thanh toán chi phí đi hiện trường

 Đơn vị tổ chức đi hiện trường các huyện, vùng có dự án. Tuy nhiên, tại hồ sơ thanh toán không thể hiện kế hoạch, mục đích và địa điểm vùng dự án khi đơn vị thực hiện đi hiện trường.

4.4. Về thanh toán chi phí phụ cấp quản lý dự án

Qua kiểm tra hồ sơ, hợp đồng lao động cho thấy, trường hợp ông Nguyễn Đình Huy (hợp đồng lao động ngắn hạn dưới 12 tháng) được thanh toán tiền phụ cấp với tổng số tiền 6.045.000 đồng là không đúng quy định tại Điểm 2.2, Khoản 2, Mục I Quy định một số định mức chi tiêu cho Dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ” sử dụng nguồn vốn ODA vay nợ và nguồn vốn đối ứng của Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 2096/QĐ-BNN-TC ngày 30/8/2012 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

4.5. Về chi phí trang bị thiết bị và phương tiện làm việc

Ngày 02/10/2014, BQLDA đã trang cấp các thiết bị văn phòng cho các cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn theo Quyết định số 152/QĐ-JICA2, trong đó, BQLDA JICA2 đã trang bị trang thiết bị cho Giám đốc BQLDA với tổng số tiền 55.549.999 đồng (bàn làm việc, ghế xoay da, ghế khung gỗ, tủ sách 6 cánh, máy điều hòa); Kế toán trưởng được trang bị trang thiết bị (máy tính xách tay, máy tính để bàn, máy in trắng đen) với tổng số tiền 39.075.001 đồng. Căn cứ theo quy định tại Phụ lục 2, Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; Thông tư số 94/2006/TT-BTC ngày  09/10/2006 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 170/2006/QĐ-TTg ngày 18/7/2006. Số tiền BQLDA JICA2 đã chi vượt khi mua trang thiết bị cho Giám đốc BQLDA là 30.549.999 đồng, trang thiết bị của Kế toán trưởng vượt 21.075.001 đồng.

4.6. Về đối chiếu và theo dõi công nợ cuối năm 2018

Qua kiểm tra cho thấy, về cơ bản đơn vị đã theo dõi và đối chiếu các khoản công nợ tương đối đầy đủ, hầu hết các khoản công nợ đều được đối chiếu vào cuối năm. Tuy nhiên, đối tượng chi tiết của công nợ theo dõi bị sai đối tượng. Cụ thể: khoản nợ mua bảo hộ lao động 6.808.000 đồng, người cung cấp là hiệu sách Mỹ Anh nhưng BQLDA theo dõi đối tượng nợ là BQLDA tỉnh.

4.7. Về việc quản lý, sử dụng tiền bán hồ sơ mời thầu

Theo hồ sơ, sổ sách do BQLDA cung cấp cho thấy, từ năm 2012 đến năm 2018, đơn vị đã thu được 45.100.000 đồng từ việc bán hồ sơ mời thầu (năm 2012: 2.700.000 đồng, năm 2013: 15.400.000 đồng, năm 2014: 27.000.000 đồng). Tuy nhiên, BQLDA chưa thực hiện nghĩa vụ thuế, không mở sổ sách theo dõi thu chi theo quy định (mà chỉ thực hiện theo dõi chung với các nguồn thu khác trên tài khoản 3388  -  Phải trả, phải nộp khác).

4.8. Một số khoản chi khác

Quá trình kiểm tra hồ sơ cho thấy một số nội dung thanh toán chưa bảo đảm về chứng từ thanh toán: Thanh toán tiền mua cặp, mua bảo hộ lao động không rõ về đối tượng được trang cấp; sử dụng nguồn kinh phí dự án để chi các hoạt động về khen thưởng, lễ, tết hoặc hiếu hỷ,...

Trong đó:

+ Các khoản chi liên quan đến hiếu hỉ, khen thưởng, chi lễ tết được nêu tại Phụ lục là không đúng quy định tại Điều 6, Thông tư số 10/2011/TT-BTC ngày 26/01/2011;Điều 10Thông tư số 05/2014/TT-BTC ngày 06/01/2014; Điều 11Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính.

+ Thanh toán số tiền 4.835.000 đồng liên quan đến tiền lắp đặt máy điều hòa tại chứng từ số 114 ngày 13/10/2014 không đúng quy định, cần phải được thu hồi do chi phí này đã được thanh toán tại Điều 8 của Hợp đồng kinh tế số 01/HĐKT ngày 28/8/2014.

IV. DỰ ÁN XÂY DỰNG KHO BẢO QUẢN HẠT GIỐNG CÂY TRỒNG DỰ TRỮ QUỐC GIA MIỀN TRUNG

1. Về thủ tục

Từ năm 2011, Bộ NN&PTNT đã cho phép Công ty Cổ phần Giống cây trồng vật nuôi Thừa Thiên Huế (Công ty CP Giống) lập dự án và làm chủ đầu tư. Đến năm 2015, theo Luật Đầu tư công, Bộ NN&PTNT cho phép Sở NN&PTNT rà soát,lập lại các thủ tục và thay đổi Chủ đầu tư từ Công ty CP Giống sang Sở NN&PTNT để phù hợp với quy định về quản lý đầu tư các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

 Ngày 30/10/2015, Sở NN&PTNT có Tờ trình số 1359/TTr-SNNPTNT gửi Bộ NN&PTNT về thẩm định, phê duyệt dự án. Xét Tờ trình này, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 4386/QĐ-BNN-XD ngày 30/10/2015, về việc phê duyệt dự án.

Ngày 18/7/2016, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 3027/QĐ-BNN-XD về việc phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình “Xây dựng Kho bảo quản hạt giống cây trồng dự trữ quốc gia ở Miền Trung”.

Qua thanh tra cho thấy, Chủ đầu tư là Sở NN&PTNT thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng dự án căn cứ vào các Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của Bộ NN&PTNT.

2. Việc phê duyệt các gói thầu của dự án

Căn cứ vào kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt tại Quyết định số 1864/QĐ-BNN-XD ngày 20/5/2016 của Bộ NN&PTNT, Chủ đầu tư đã ban hành các quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, chào hàng cạnh tranh hoặc chỉ định thầu cho các gói thầu: Gói số 1. Lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình, gói số 2. Lập hồ sơ mời thầu và phân tích đánh giá hồ sơ dự thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình, Gói thầu số 3. Xây dựng công trình chính và phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật công trình, gói thầu số 4. Thiết bị, gói thầu số 5. Phòng chống mối, gói thầu số 6. Giám sát thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị (trạm biến áp), gói thầu số 7. Bảo hiểm công trình, gói thầu số 8. Kiểm toán, gói thầu số 9. Thẩm định giá thiết bị...

Qua thanh tra cho thấy,việc phê duyệt công tác phòng, chống mối của Dự án: Chủ đầu tưphê duyệt công tác phòng chống mối tường được tính bao gồm diện tích các cánh cửa bằng sắt của nhà kho. Ngoài ra, căn cứ hồ sơ Thuyết minh thiết kế Bản vẽ thi công công trình xây dựng Kho bảo quản hạt giống cây trồng dự trữ quốc gia ở miền Trung thì việc phòng chống mối được thuyết minh ở “Khu giảng đường và Nhà Hiệu bộ” là không có sự tương quan đối với việc phòng chống mối tại các nhà kho của dự án.

Trách nhiệm của các thiếu sót, vi phạm trên thuộc về Chủ đầu tư mà trực tiếp là Giám đốc SởNN&PTNT, BQLDA và Tổ giúp việc thực hiện dự án.

3. Việc quản lý dự án

Trong quá trình triển khai quản lý dự án Chủ đầu tư nhận thấy việc thực hiện, triển khai quản lý dự án còn nhiều vướng mắc nên đã có Công văn số 740/SNNPTNT-XD ngày 10/6/2016 gửi Cục Quản lý xây dựng công trình – Bộ NN&PTNT để xin hướng dẫn cách thức triển khai quản lý dự án và Cục Quản lý xây dựng công trình - Bộ NN&PTNT đã trả lời tại Công văn số 1033/XD-CĐ ngày 05/7/2016 hướng dẫn quản lý dự án trên cơ sở “Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án” và “căn cứ điều kiện năng lực của các Ban quản lý dự án đang quản lý các dự án do Sở làm chủ đầu tư để giao nhiệm vụ quán lý dự án”. Do đó, ngày 14/7/2016 Sở đã ban hành Quyết định số 536/QĐ-SNNPTNT về việc giao nhiệm vụ Quản lý dự án cho Ban Đầu tư và Xây dựng NN&PTNT (là đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT).  Sau khi UBND tỉnhban hành Quyết định thành lập 03 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành trực thuộc tỉnh trong đó BQLDA Đầu tư Xây dựng công trình NN&PTNTtỉnh được thành lập ngày 25/01/2017 tại Quyết định số 191/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Chủ đầu tư đã có Tờ trình số 594/TTr-SNNPTNT ngày 05/5/2017 trình Bộ NN&PTNT điều chỉnh hình thức quản lý dự án từ hình thức “Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án” thành “Ủy thác quản lý dự án cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế” và đã được Bộ NN&PTNTphê duyệt tại Quyết định số 2502/QĐ-BNN-XD ngày 16/6/2017.

Chủ đầu tư đã nhận thấy những bất cập trong quá trình triển khai, quản lý dự án và đã có văn bản xin ý kiến hướng dẫn của cơ quan cấp trên. Qua thanh tra cho thấy, Chủ đầu tư là Sở NN&PTNT thực hiện quản lý dự án theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.

4. Việc nghiệm thu, thanh quyết toán

Sau khi được Bộ NN&PTNTphê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, Chủ đầu tư đã triển khai thực hiện dự án về lựa chọn nhà thầu theo các hình thức như đấu thầu rộng rãi trong nước, chào hàng cạnh tranh hoặc chỉ định thầu và đã tiến hành ký các hợp đồng thi công, nghiệm thu xây lắp và thanh toán với các đơn vị để thi công thực hiện các hạng mục công trình thuộc phạm vi dự án. Kết quả thanh tra một số hạng mục công trình thuộc dự án cho thấy: Về cơ bản, Chủ đầu tư và các đơn vị thi công đã thực hiện đảm bảo các thủ tục về đầu tư xây dựng công trình và thi công, nghiệm thu xây dựng theo bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt, việc thanh quyết toán phù hợp với quy định về tài chính kế toán. Tuy nhiên, còn một số thiếu sót, vi phạm như sau:

- Việc Chủ đầu tư thanh toán chi phí quản lý dự án cho BQLDA ĐTXD công trình NN&PTNT với số tiền 596.743.000 đồng thực hiện không đúng với quy định tại Khoản 3, Điều 6 Thông tư số 72/2017/TT-BTC ngày 17/7/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, nguyên nhân: do BQLDA ĐTXD công trình NN&PTNT là BQLDA chuyên ngành nhận ủy thác quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước nhưng không mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước đối với dự án được ủy thác.

- Kết quả kiểm tra một số hạng mục công trình chính và phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án cho thấy, Chủ đầu tư nghiệm thu khối lượng thực tế thi công một số hạng mục không đúng với bản vẽ hoàn công và hồ sơ nghiệm thu thanh toán, riêng đối với khối lượng vật liệu sử dụng tại hạng mục san lấp, chủ đầu tư đã nghiệm thu và thanh toán cho đơn vị thi công vật liệu cát đen, kết quả kiểm tra thực tế thi công cho thấy các bên liên quan không dùng đúng chủng loại vật liệu thi công so với hồ sơ thiết kế, theo trình bày của chủ đầu tư, do vật liệu thi công hạng mục san lấp là cát đen trên thị trường Huế không có nên chủ đầu tư đã cùng với đơn vị thi công thay thế vật liệu là cát vàng và đã tiến hành làm biên bản xử lý hiện trường cho phép thi công cát đen. Ngoài ra, việc thi công phòng chống mối, Chủ đầu tư nghiệm thu thanh toán không đúng với định mức, đơn giá và bản vẽ hoàn công. Từ các vi phạm, thiếu sót nêutrên cần kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, xử lý khi quyết toán dự án.

Trách nhiệm của các thiếu sót, vi phạm trên thuộc về Chủ đầu tư mà trực tiếp là Giám đốc Sở NN&PTNT giai đoạn từ 2015 đến nay, BQLDA, Tổ giúp việc thực hiện dự án và đơn vị giám sát thi công.

V. DỰ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN RỪNG VEN BIỂN ĐẦM PHÁ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ (DỰ ÁN SPRCC)

Dự án có mục đích bảo vệ, trồng mới, phục hồi các hệ sinh thái ven biển và đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm hạn chế cát bay, cát nhảy, xói lở, xâm nhập mặn, phòng chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho vùng dân cư ven biển đầm phá góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tuy việc triển khai Dự án gặp nhiều khó khăn như vùng dự án rộng, phân bổ trên 05 huyện, thị xã ven biển của tỉnh, là dự án có quy mô lớn và mới nhất của ngành lâm nghiệp từ trước đến nay, do nội dung chính của dự án là trồng rừng ngập mặn, điều kiện thi công khó khăn phức tạp và cần phải làm kè mềm tạo bãi bồi để trồng là công việc mới lần đầu tiên được thực hiện tại tỉnh và khu vực Miền Trung nước ta; nhưng luôn được sự quan tâm của các Bộ ngành từ Trung ương đến địa phương và lãnh đạo UBND tỉnh; Chủ đầu tư đã chỉ đạo, sáng tạo và sự nỗ lực khắc phục khó khăn của cán bộ nhân viên, đã thực hiện cơ bản hoàn thành các nội dung đầu tư của dự án đề ra. Đến thời điểm hết năm 2018, việc xây dựng các công trình phụ trợ lâm sinh đã thực hiện hoàn thành; khoán bảo vệ rừng 4.601,33 ha (đạt 92%); trồng rừng mới rừng 416,64 ha (đạt 72,2% phê duyệt ban đầu, 91,4% phê duyệt điều chỉnh), cụ thể: trồng rừng trên cát 255 ha (đạt 85,6% phê duyệt ban đầu, 95,4% phê duyệt điều chỉnh), trồng rừng ngập mặn 120,44 ha (đạt 73,3% phê duyệt ban đầu, 95,6% phê duyệt điều chỉnh), trổng rừng ngập ngọt 41,2 ha (đạt 36,2% phê duyệt ban đầu, 65,9% phê duyệt điều chỉnh). Trong đó, một số điểm trồng rừng cây phát triển khá tốt có khả năng sẽ sớm thành rừng góp phần thực hiện đúng mục đích của dự án như: trồng rừng trên cát tại các xã, thị trấn Thuận An, Điền Hòa, Điền Môn, Vinh Xuân; trồng rừng ngập mặn như Bần ở Quảng Lợi, Sịa, Hương Phong giai đoạn 2, Lộc Điền; Dừa nước ở Hương Phong giai đoạn 1.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện dự án đầu tư vẫn còn nhiều tồn tại như sau:

1. Công tác lập, thẩm định và tham mưu đề xuất phê duyệt dự án đầu tư: không đúng bố cục, biểu mẫu, chi phí dự phòng; một số hạng mục được đầu tư chưa phù hợp với mục tiêu của dự án; quy hoạch dự án trồng rừng tại thời điểm lập dự án ngoài diện tích quy hoạch của Tỉnh; không thu thập thông tin một cách chính xác dẫn đến diện tích trùng với dự án khác, trùng diện tích đã giao cho hộ gia đình, cá nhân hoặc tổ chức; lập dự án trồng rừng trên cát tại xã Hải Dương là không phù hợp quy định; chọn đơn tư vấn lập dự án đầu tư không đáp ứng năng lực, kinh nghiệm; đề xuất hình thức quản lý dự án đối với công trình lâm sinh không đúng quy định.

Trách nhiệm này thuộc về đơn vị tư vấn lập dự án và Chủ đầu tư.

2. Chủ đầu tư thành lập BQLDA, Tổ công tác để quản lý dự án là không đúng quy định của Luật Xây dựng.

3. Về tham mưu phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu trồng rừng của Dự án được phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu là “đặt hàng” với loại hợp đồng “trọn gói” là không tuân thủ Luật đấu thầu và các văn bản hướng dẫn và Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng dịch vụ công ích.

Trách nhiệm này thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư và Chủ đầu tư.

4.Sở NN&PTNT quyết định phê duyệt thiết kế, dự toán các gói thầu là không đúng thẩm quyền quy định; bản vẽ thiết kế thi công không đầy đủ thông tin; phê duyệt dự toán không đúng hồ sơ thiết kế, định mức đơn giá quy định dẫn đến tăng giá trị xây lắp với số tiền 655,697 triệu đồng (các công trình phụ trợ 122,537 triệu đồng; công trình trồng rừng 517,32 triệu đồng và chi phí nhà tạm 15,84 triệu đồng) cần phải giảm trừ khi quyết toán.

Trách nhiệm này thuộc về đơn vị tư vấn lập thiết kế dự toán, bộ phận thẩm định, Chủ đầu tư và ông Hồ Sỹ Nguyên - Giám đốc Sở NN&PTNT.

5. Về lựa chọn nhà thầu: việc lựa chọn nhà thầu thi công trồng rừng không đảm bảo điều kiện về năng lực chuyên môn, kinh nghiệm theo quy định.

6. Thiết kế trồng rừng với diện tích, công thức trồng không đúng với thiết kế cơ sở của dự án được duyệt; nghiệm thu trồng rừng và chăm sóc rừng khi chưa đủ thời gian; thực hiện không đúng với quyết định, kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt; chậm triển khai trồng rừng ngập mặn dẫn đến thiếu thời gian chăm sóc theo hồ sơ thiết kế được duyệt.

Trách nhiệm này thuộc về đơn vị tư vấn thiết kế và Chủ đầu tư.

Giá trị đầu tư kè mềm của 02 lô trùng với dự án Green white tại xã Lộc Điền với số tiền 182,69 triệu đồng, Chủ đầu tư cần làm việc với chủ dự án khu du lịch Green white để có hướng xử lý.

7. Bảo hiểm công trình: Chủ đầu tư đã ký hợp đồng chậm trong khi các công trình đã thực hiện thi công hơn 50% thời gian và công việc, Chủ đầu tư cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.

8.Chủ đầu tư tự quản lý dự án và giám sát thi công hạng mục công trình lâm sinh: Việc tự quản lý dự án, đồng thời cũng không đáp ứng đủ năng lực quản lý dự án, cũng như giám sát hạng mục kè mềm, tạo bãi, hàng rào nhưng vẫn tự thực hiện là không đúng quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn. Việc giám sát thi công vườn ươm Hương Phong do hồ sơ không đủ cơ sở nên không tiếp tục thanh toán; Chủ đầu tư thuê chuyên gia giám thi công kè mềm tạo bãi đối với ông Nguyễn Quang Định hoạt động tư vấn không đúng ngành nghề được cấp phép. Việc sử dụng kinh phí quản lý dự án để chi làm thêm giờ cho các thành viên bán chuyên trách của BQLDA và sửa chữa tài sản không thuộc BQLDA là không đúng cần phải được chấm dứt.

9. Đối với việc khảo sát: khảo sát địa hình, địa chất, hiện trạng phải được được thực hiện tại bước lập dự án theo quy định tại Thông tư số 69/2011/TT-BNNPTNT ngày 21/10/2011, nhưng không được đơn vị tư vấn lập dự án thực hiện, Chủ đầu tư đã ký hợp đồng với các đơn vị tư vấn thiết kế lập dự toán thực hiện. Do vậy, Chủ đầu tư phải tính số tiền đối với các công việc đơn vị tư vấn lập dự án không thực hiện để giảm trừ quyết toán theo quy định.

10. Quản lý và sử dụng kinh phí khuyến lâm: Cùng một nội dung nhưng tổ chức nhiều lớp tập huấn trên cùng một địa điểm là không hợp lý; đối tượng tham quan học tập kinh nghiệm chưa phù hợp, thanh toán công tác phí chứng từ chưa đầy đủ, chưa có cơ sở,...

Trách nhiệm đối với những sai sót nêu tại các điểm 5.2, 5.5, 5.8, 5.9, 5.10 thuộc về Chủ đầu tư.

11. Về kiểm tra nghiệm thu thanh toán

- Đối vớiĐường Lâm sinh Bắc Hải Vân: Hoàn công và nghiệm thu thanh toán không đúng thực tế thi công khe co giãn bê tông mặt đường, trồng cỏ dẫn đến thanh toán vượt khối lượng thực tế thi công số tiền 56,416 triệu đồng (giá trị trước thuế 51,287 triệu đồng) phải giảm quyết toán.

- Đối với chòi Bắc Hải Vân: Thiết kế thi công, hoàn công, hợp đồng và thực tế thi công không thống nhất với nhau của hạng mục hệ thông cấp nước như chiều dài, đường kính và chất liệu ống. Chủ đầu tư và các bên liên quan tính toán lại để quyết toán theo đúng quy định.

- Đối với trồng rừng ngập ngọt, ngập mặn: công trình trồng rừng ngập ngọt tại xã Quảng Thái, hạng mục đê bao, công việc làm kè, phên khại mặt trong không được thực hiện đầy đủ; các công trình ngập mặn với mật độ, chiều dài cọc kè không đúng với hồ sơ thiết kế. Tuy nhiên, do các công trình trồng rừng này đang trong thời gian quản lý chăm sóc của đơn vị thi công để cây phát triển thành rừng; mặt khác, Chủ đầu tư đã yêu cầu khắc phục một phần thiếu sót. Do vậy, giao Chủ đầu tư cùng với đơn vị thi công tự khắc phục để bãi đất nhân tạo để trồng cây, cũng như đê bao được ổn định, cây được phát triển thành rừng đúng mục tiêu của Dự án.

Trách nhiệm sai sót này thuộc về đơn vị thi công, đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị quản lý dự án và trực tiếp là Chủ đầu tư.

Phần C

KIN NGHỊ CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ

Căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh, kết luận, đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan, Chánh Thanh tra tỉnh kiến nghị như sau:

I. KIẾN NGHỊ

1. Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chỉ đạo Sở NN&PTNT báo cáo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về phương án thỏa thuận với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Vật nuôi Thừa Thiên Huế để phân định rõ ràng khu đất thuộc về Dự án xây dựng Kho bảo quản hạt giống cây trồng dự trữ quốc gia ở Miền Trung và khu đất Công ty Cổ phần Giống cây trồng Vật nuôi Thừa Thiên Huế sử dụng để đảm bảo Dự án được quyết toán, bàn giao đưa vào sử dụng đúng theo quy định của pháp luật.

Xem xét xử lý khi quyết toán một số hạng mục thuộc công trình chính và phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật, phòng chống mốicủa Dự án xây dựng Kho bảo quản hạt giống cây trồng dự trữ quốc gia ở Miền Trung do Chủ đầu tư là Sở NN&PTNT thanh toán chưa phù hợp các quy định của pháp luật về thi công, nghiệm thu thanh toán, khối lượng thực tế thi công, nghiệm thu một số hạng mục không đúng với bản vẽ hoàn công, định mức, đơn giá.

Đối với hạng mục san lấp thuộc Dự án xây dựng Kho bảo quản hạt giống cây trồng dự trữ quốc gia ở Miền Trung, Chủ đầu tư đã nghiệm thu và thanh toán cho đơn vị thi công vật liệu cát đen, kết quả kiểm tra thực tế thi công cho thấy không dùng đúng chủng loại vật liệuso với hồ sơ thiết kế, theo trình bày của chủ đầu tư, do vật liệu thi công hạng mục san lấp là cát đen trên thị trường Huế không có nên đã thay thế bằng cát vàng và đã tiến hành làm biên bản xử lý hiện trường cho phép thi công cát đen, do vậy, Thanh tra tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét xử lý khi quyết toán dự án.

Chỉ đạo SởNN&PTNTthực hiện nghiêm túc Kết luận thanh tra của Chánh Thanh tra tỉnh vềDự án xây dựng Kho bảo quản hạt giống cây trồng dự trữ quốc gia ở Miền Trung.

2. Kiến nghị UBND tỉnh

- Tiếp tục giao trách nhiệm Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Sở NN&PTNT, Sở Tài chính, BQLDA và các đơn vị có liên quan rà soát, xác định cơ sở pháp lý của việc điều chỉnh cơ cấu Hợp phần Chi phí quản lý dự án JICA2 để bảo đảm đúng quy định pháp luật và hiệu quả trong việc sử dụng ngân sách.

- Chỉ đạo Sở NN&PTNT, BQLDAJICA2 chấn chỉnh, khắc phục kịp thời và rút kinh nghiệm các sai phạm, thực hiện nghiêm túc Kết luận thanh tra và Quyết định xử lý thu hồi tiền của Chánh Thanh tra tỉnh.

- Chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khắc phục đối với những thiếu sót, vi phạm đã nêu tại Phần B, Kết quả kiểm tra, xác minh đối với tập thể và các cá nhân có liên quan.Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm trong việc thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán không đúng quy định và gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

- Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư

Kiểm điểm rút kinh nghiệm trong việc tham mưu phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với Dự án Đầu tư phát triển rừng ven biển đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Chỉ đạo Sở Tài chính

Khi quyết toán dự án Dự án Đầu tư phát triển rừng ven biển đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế, xem xét giảm quyết toán số tiền 889,674 triệu đồng, cụ thể:

+ Số tiền 655,697 triệu đồngdo thẩm định, phê duyệt không đúng quy định (các công trình phụ trợ 122,537 triệu đồng, các công trình trồng rừng 517,32 triệu đồng và chi phí nhà tạm công trình trồng rừng ngập ngọt tại xã Quảng Thái 15,84 triệu đồng).

+ Số tiền 51,287 triệu đồngdo nghiệm thu không đúng khối lượng thực tế thi công công trình Đường Lâm sinh Bắc Hải Vân.

+ Số tiền 182,69 triệu đồng do Chủ đầu tư dự án khu du lịch Green white đã cam kết nộp lại giá trị đầu tư kè mềm tạo bãi đối 02 lô tại xã Lộc Điền.

Ngoài ra, yêu cầu Chủ đầu tư cùng các đơn vị liên quan xác định giá trị các công việc như khảo sát địa hình, địa chất,.. mà đơn vị tư vấn lập dự án đầu tư phải thực hiện theo quy định tại Thông tư số 69/2011/TT-BNNPTNT. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn không thực hiện, chủ đầu tư đã hợp đồng với các đơn vị tư vấn thiết kế thực hiện; cũng như xác định lại giá trị đầu tư hạng mục hệ thống cấp nước công trình Chòi quan sát Bắc Hải Vân để giảm quyết toán theo quy định.

3.Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâmchấn chỉnh, khắc phục kịp thời và rút kinh nghiệm các sai phạm, thực hiện nghiêm túc Kết luận thanh tra và Quyết định xử lý thu hồi tiền của Chánh Thanh tra tỉnh.

4. Yêu cầu BQLDA JICA2

- Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, nghiêm túc thực hiện Kết luận thanh tra và Quyết định xử lý thu hồi tiền của Chánh Thanh tra tỉnh.

- Kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và các cá nhân có liên quan đến những thiếu sót, vi phạm trong quá trình quản lý và sử dụng nguồn vốn chi phí quản lý dự án.

- Chấm dứt việc thanh toán không đúng quy định đối với trường hợp thanh toán phụ cấp hợp đồng lao động ngắn hạn và việc trang cấp thiết bị văn phòng cho Giám đốc và Kế toán trưởng BQLDA.

- Đối với các thiếu sót, vi phạm trong quá trình quản lý và sử dụng nguồn vốn Hợp phần Quản lý dự án, yêu cầu đơn vị rút kinh nghiệm, thực hiện quản lý nguồn vốn quản lý dự án theo đúng các quy định pháp luật, chấm dứt việc thanh toán các khoản chi không đúng quy định và đúng chi tiết đối tượng công nợ.

5. Yêu cầu Chi cục Kiểm lâm

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua; chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm, nghiêm túc thực hiện Kết luận thanh tra và Quyết định xử lý thu hồi tiền của Chánh Thanh tra tỉnh đối với các Dự án do Chi cục làm chủ đầu tư.

- Chấm dứt, rút kinh nghiệm việc thanh toán chi hỗ trợ tiền công tác phí, tiền xăng xe và tiền ngủ cho các đối tượng tham gia tập huấn hưởng lương từ ngân sách Nhà nước… như đã nêu tại Mục I, II và V Phần B Kết luận.

- Yêu cầu đơn vị thi công trồng lại 18,7 ha trồng rừng ngập ngọt tại xã Điền Hương do cây đã chết; tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc các diện tích rừng trồng cây chưa phát triển tốt như đã nêu tại Mục V Phần B, Kết quả kiểm tra, xác minh.

- Yêu cầu Công ty TNHH MTV Thiên Chấn Hưng (đơn vị thầu thi công trồng rừng) chủ động khắc phục những thiết sót, có biện pháp khôi phục hàng rào bảo vệ rừng trồng để bảo đảm các điểm trồng phải phát triển thành rừng theo mục tiêu của dự án đặt ra.

- Sớm làm việc với Chủ đầu tư dự án khu du lịch Green white thu hồi số tiền 182,69 triệu đồng như đã cam kết, để giảm quyết toán khi quyết toán dự án do 02 lô đã nghiệm thu kè mềm tạo bãi để trồng rừng tại xã Lộc Điền trùng với dự án khu du lịch Green white.

- Xác định giá trị các công việc đơn vị tư vấn lập dự án không thực hiện theo quy định và giá trị hệ thống cấp nước công trình Chòi quan sát Bắc Hải Vân để Sở Tài chính giảm quyết toán theo quy định; không tiếp tục thanh toán chi phí giám sát thi công vườn ươm Hương Phong.

- Có kế hoạch đặt lại tên gọi các lô rừng trồng mới để không bị trùng, nhầm lẫn trên cùng khoảnh, tiểu khu.

- Chấm dứt việc chi làm thêm giờ không đúng quy định, thanh toán công tác phí chứng từ cần phải đầy đủ, tổ chức lớp tập huấn cần phải hợp lý khoa học để giảm thiểu chi phí.

- Xin gia hạn thời gian thực hiện dự án để bảo đảm thời gian bảo vệ, chăm sóc rừng theo thiết kế được duyệt.

- Kiểm điểm trách nhiệm đối với những sai sót được nêu tại phần kết quả kiểm tra, xác minh và kết luận.

II. XỬ LÝ

Chánh Thanh tra tỉnh ban hành quyết định xử lý thu hồi vào ngân sách Nhà nước:

- Số tiền 50.612.000 đồng của Chủ đầu tư là Chi cục Kiểm lâm tỉnh do vi phạm các quy định của pháp luật về nghiệm thu, thanh toán toán trong đầu tư xây dựng công trình Trụ sở Hạt kiểm lâm thành phố Huế.

- Số tiền 7.270.000 đồng tiền của Chủ đầu tư là Chi cục Kiểm lâm tỉnh do thu bán hồ sơ mời thầu còn lại do chưa nộp ngân sách Nhà nước theo quy định.

- Số tiền 4.835.000 đồng của BQLDA JICA2 do thanh toán tiền lắp đặt máy điều hòa không đúng quy định, cần phải được thu hồi.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Kết luận thanh tra, Chi cục Kiểm lâm, Chủ đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôntổ chức thực hiện, áp dụng các biện pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Thanh tra tỉnh.

Trên đây là Thông báo Kết luận thanh tra số 481/KL-TTr ngày 31/7/2020 của Chánh Thanh tra tỉnh về công tác quản lý các dự án, đầu tư xây dựng tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị trực thuộc./.

Thanh tra tỉnh

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 2.947 khách