Tìm kiếm tin tức
Phấn đấu ở mức cao nhất nhằm đạt mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”
Ngày cập nhật 09/12/2020

Sáng 08/12, trong khuôn khổ chương Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa VII, các đại biểu HHĐND tỉnh đã dành phần lớn thời gian thảo luận đánh giá kinh tế - xã hội năm 2020 từ đó bàn, đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 nhằm tạo bước đột phá cũng như các giải pháp tối ưu nhất trong việc phục hồi, tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Mở đầu phiên thảo luận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh, năm 2020 là năm chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp đã làm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế toàn tỉnh và đời sống nhân dân.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu đề nghị các đại biểu cần tập trung thảo luận vào các nội dung trọng tâm, trong đó phải đưa ra các kế sách tối ưu, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là quan tâm đến đời sống của nhân dân, phải làm sao người dân có được công ăn, việc làm, đời sống ổn định sau khi trải qua đợt dịch bệnh nặng nề từ đầu năm cũng như thiên tai bão lụt trong thời gian vừa qua.

Khai thác hiệu quả khách du lịch nội địa

Tham gia thảo luận tại Hội trường, đại biểu Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, năm 2020 là năm một năm rất khó khăn cho ngành du lịch của Tỉnh nhà do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, làm giảm hơn 70% lượng khách du lịch và doanh thu của ngành. Doanh nghiệp lớn và nhỏ kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lao đao. 24 đơn vị lữ hạnh xin dừng hoạt động, chưa kể các đơn vị nhỏ. Đời sống của người lao động ngành du lịch rơi vào cảnh lao đao,  khó khăn; trong đó có vấn đề đáng lưu ý là các hướng dẫn viên du lịch quốc tế phải chuyển sang làm ngành nghề khác dẫn đến việc mai một nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để khôi phục ngành Du lịch, đại biểu Lê Hữu Minh cho rằng, với thực trạng hiện nay, ngành du lịch phải dựa vào lượng khách nội địa để khai thác. Đồng thời phải khẳng định được thông điệp: Huế an toàn, thân thiện với du khách. Vì vậy, để thực hiện việc này, các đơn vị phải thực hiện triệt để, nghiêm túc các tiêu trí “an toàn” trong mùa dịch đã được các cơ quan ban hành. Bên cạnh đó, văn hóa, di sản là nòng cốt của du lịch Huế thì các đơn vị phải cần có các sản phẩm khác, thay đổi kể cả về hình thức và nội dung để thu hút du khách, mọi lứa tuổi thì lúc đó mới khai thác hiệu quả du khách nội địa. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các hệ thống truyền thông. Liên kết, phối hợp với các ngành du lịch địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng để hình thành các sản phẩm du lịch đặc sắc, nổi bật.

Ngoài ra, đại biểu Lê Hữu Minh cũng đề nghị Tỉnh nên có một Hội nghị để gặp mặt các doanh nghiệp ngành Du lịch trên địa bàn tỉnh để kịp thời tháo gỡ cũng như tạo điều kiện, thúc đẩy phát triển Du lịch trong thời gian tới. Đặc biệt phải đảm bảo vấn đề an sinh cho các doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch.

Đại biểu Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể phát biểu thảo luận tại Kỳ họp

Đồng tình với các giải pháp của đại biểu Lê Hữu Minh, đại biểu Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao nhận định, thị trường nội địa là thị trường trọng tâm trong mà ngành du lịch cần khai thác có hiệu quả trong thời gian tới.

Đại biểu Phan Thanh Hải bày tỏ, trong bối cảnh Tỉnh đang triển khai thực hiện Nghị Quyết 54 của Bộ Chính trị thì các đơn vị cần khai thác hiệu quả các sản phẩm văn hóa, di sản. Tuy nhiên cần co cách truyền tải, xây dựng nội dung phong phú, hấp dẫn hơn để thu hút giới trẻ, nhất là tạo ra Hot Trend đặc sắc như “Cây cô đơn” để vừa quảng bá, vừa phát triển ngành du lịch địa phương.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các thương hiệu mới như: Huế - Kinh đô ẩm thực; Huế - Kinh đô áo dài. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả thì cần sự vào cuộc cả hệ thống Chính trị để khẳng định được giá trị thương hiệu trong toàn quốc. Qua đó giúp du khách có trải nghiệm tốt nhất chiều sâu văn hóa cũng như ẩm thực của Thừa Thiên Huế.

“Áo dài không chỉ là câu chuyện về văn hóa mà còn là câu chuyện phát triển kinh tế” - Đại biểu Phan Thanh Hải khẳng định.

Cần có giải pháp lâu dài trong việc ứng phó với thiên tai

Đại biểu Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, năm 2020, nền kinh tế đã bị ảnh hưởng kép của thiên tai và dịch bệnh. Tuy nhiên nền nông nghiệp còn ảnh hưởng nghiệm trong do dịch tả lợn Châu Phi, bệnh khảm lá sắn. Đầu vụ Đông xuân bị hạn hán, làm 2.000 ha không đủ nước để tưới. Cuối vụ Hè thu bị ảnh hưởng dông lốc, gãy đổ làm mất 10% năng suất vụ hè thu. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng thiên tai nên sản lượng khai thác, đánh bắt cá, nhất là các thuyền đánh bắt xa bờ giảm đáng kể. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề nhưng ngành nông nghiệp đã có mặc tích cực, đóng góp lớn cho nền kinh tế năm 2020 của tỉnh.

Đại biểu Hồ Sỹ Nguyên cho biết, những năm gần đây, tỉnh đã tập trung trồng hơn 130 ha rừng phòng hộ ven biển, ven đầm phá. Giờ đây, các diện tích rừng phòng hộ ven biển không chỉ phát huy hiệu quả trong việc phòng hộ mà còn giúp người dân khai thác, phát triển các mô hình du lịch, nuôi trồng thủy sản dựa vào hệ sinh thái rừng ngập mặn như các địa phương: xã Quảng Thái, Quảng Lợi…

Liên quan đến công tác ứng phó lũ lụt, Đại biểu Hồ Sỹ Nguyên khẳng định, trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai rất tốt việc vận hành liên hồ chứa. Qua đó đã giúp cắt lũ cho các địa phương, hạn chế mực nước dâng nhanh, đột biến nhằm giúp người dân có thời gian chuẩn bị, ứng phó kịp thời với lũ lụt. Bên cạnh đó, kênh thông tin của các đội ứng phó bão lụt đã triển khai tốt, giúp người dân nắm bắt kịp thời các diễn biến của bão, lũ.

Đại biểu Trương Công Nam nhấn mạnh các vấn đề phòng chống thiên tai tại kỳ họp

Đại biểu Trương Công Nam nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đã có ảnh hưởng rõ rệt trên địa bàn tỉnh, thiên tai ngày càng nhiều và thiệt hại lớn. Người dân phải thích nghi với điều này trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong báo cáo chỉ mới nêu chung chung các giải pháp, chưa có phương án cụ thể để giúp người dân ứng phó với thiên tai, lũ lụt. Đặc biệt là vấn đề khắc phục hậu quả sau bão lụt, giúp người dân sớm phục hồi sinh kế… Vì vậy, Đại biểu Trương Công Nam đề nghị tỉnh cần đưa ra các giải pháp cụ thể hơn, đồng thời cần có Hội nghỉ để bàn, đưa ra giải pháp sống chung với bão lụt lâu dài, ổn định.

Thực hiện “nhiệm vụ kép” về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế- xã hội

Liên quan đến tăng trưởng kinh tế, đại biểu Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, các đơn vị phải tìm kiếm giải pháp, thúc đẩy các chương trình, dự án trọng điểm tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời chuẩn bị cho các chương trình, dự án mang tính chiến lược, đột phá phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững lâu dài cho các năm tiếp theo. Trong đó cần tập trung nhất năm 2021 phải xây dựng kế hoạch triển khai đầu tư công. Các Khu Công nghiệp tập trung tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, sớm giao đất cho các chủ đầu tư để thực hiện các Dự án. Đồng thời có kế hoạch hỗ trợ tái đàn lợn sau dịch tả lợn Châu Phi; đây là thực phẩm tỉnh đang tiến hành nhập để đảm bảo nguồn lương thực đủ cung ứng cho thị trường trong thời gian qua.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu phát biểu bế mạc kỳ họp

Phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu nhấn mạnh, năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu đề nghị các đơn vị khẩn trương cụ thể hoá các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua. Tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nỗ lực phấn đấu ở mức cao nhất nhằm đạt mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường xúc tiến đầu tư; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư đối với các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư; đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng, rà soát điều chỉnh các quy hoạch kịp thời; tập trung hỗ trợ thủ tục đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi nghiên cứu, đầu tư tại Huế.

Xây dựng cơ chế thúc đẩy, kích cầu du lịch trong tình hình mới. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khôi phục sản xuất tại các địa bàn bị thiệt hại do thiên tai.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan trong cộng đồng là rất lớn. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu đề nghị UBND tỉnh, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, không được chủ quan, lơ là; tuân thủ nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và của Tỉnh về phòng, chống dịch bệnh.

Tập trung khắc phục hậu quả bão lụt và các hoạt động hỗ trợ cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội; tiếp tục chỉ đạo công tác tìm kiếm các công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng. Đồng thời chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức cho nhân dân đón Tết cổ truyền vui tươi, đầm ấm, tiết kiệm. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 11 của HĐND tỉnh đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã tập trung thảo luận những khó khăn, hạn chế, tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và đề xuất nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. HĐND tỉnh đã bàn và thông qua 17 nghị quyết quan trọng với tỷ lệ thống nhất cao.

Tại kỳ họp

 
 
 
 
 
www.thuathienhue.gov.vn
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 1.271 khách