Tìm kiếm tin tức
Giao ban công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài khu vực Miền Trung-Tây Nguyên
Ngày cập nhật 26/06/2017

Ngày 23/06/2017, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cùng Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã chủ trì Hội nghị giao ban công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài với các tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung-Tây Nguyên. Tham dự có Thứ trưởng Bộ Công an, Trung tướng Bùi Văn Thành; Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng và đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Ban tiếp công dân và Thanh tra các tỉnh, thành phố khu vực Miền Trung-Tây Nguyên và đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương.

20170623_085643.jpg
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của các địa phương

Tại Hội nghị, các đại biểu cùng nhau trao đổi, đánh giá tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và giải quyết KNTC phức tạp, kéo dài nói riêng theo Kế hoạch 1130 và 2100 của TTCP; góp ý Kế hoạch của Thanh tra Chính phủ về thực hiện Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp và định hướng chương trình thanh tra năm 2018 của TTCP và Ngành thanh tra.
20170623_102001.jpg

Các đại biểu tham luận tại Hội nghị

Theo báo cáo, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân khu vực Miền Trung-Tây Nguyên tuy có giảm về số lượt người nhưng lại tăng về số vụ việc khiếu nại, tố cáo và số đoàn đông người; xuất hiện nhiều vụ việc có tình chất gay gắt, phức tạp liên quan tới việc bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định canh, định cư; việc bố trí đất sản xuất cho đồng bào dân tộc; tranh chấp đất đai liên quan đến đất có nguồn gốc nông lâm trường; khiếu kiện của công dân 4 tỉnh Bắc Miền Trung liên quan đến bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do hậu quả sự cố môi trường biển Nguyên nhân của tình trạng này là do: Chính sách pháp luật về đất đai đã được sửa đổi, bổ sung nhưng trong nhiều trường hợp vẫn chưa giải quyết được vấn đề đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất, nhất là giá bồi thường về đất; một số vụ việc do lịch sử để lại, trong khi đó chính sách đã thay đổi không còn phù hợp hoặc không có hồi tố nên công dân bức xúc khiếu nại nhiều năm; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn có nhiều tồn tại, yếu kém, nhất là công tác quản lý và sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, chính sách xã hội ở nông, lâm trường, tái định cư… Có dự án thu hồi đất của dân nhưng nhiều năm không xây dựng mà để hoang; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn có những hạn chế nhất định; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm, có những việc làm chưa đầy đủ trách nhiệm, thời hạn giải quyết kéo dài, thẩm tra, xác minh sơ sài, thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận thiếu chính xác, phương án giải quyết thiếu thuyết phục…Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người khiếu nại còn hạn chế nên tỉ lệ khiếu nại tố cáo sai còn khá nhiều, chưa có xu hướng giảm; Có những vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách pháp luật, có lý có tình, đã kiểm tra rà soát, trả lời, có văn bản chấm dứt thụ lý giải quyết khiếu nại nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại kéo dài…
20170623_080714.jpg
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu phát biểu kết luận

 
Phát biểu kết luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các địa phương trong việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch 1130 và 2100 của TTCP và khẳng định, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, của thủ trưởng các cơ quan nhà nước, nhất là Chủ tịch UBND các cấp trong chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Tổng Thanh tra Chính phủ đặc biệt lưu ý các địa phương Miền Trung-Tây Nguyên quan tâm tới những nguy cơ tiềm ẩn làm phát sinh khiếu nại, tố cáo phức tạp liên quan tới đất đai, tôn giáo; lưu ý các địa phương không chủ quan với việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đề nghị các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng; chỉ đạo giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở để không phát sinh thêm các vụ việc phức tạp mới; một số vụ việc phức tạp. Đối với việc thực hiện chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định, Thanh tra Chính phủ sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện; phối hợp với Kiểm toán cũng như thanh tra các bộ, ngành để xử lý chồng chéo ngay từ khi xây dựng kế hoahcj thanh tra; đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm xử lý chồng chéo giữa thanh tra tỉnh, thành phố với các sở, ngành, huyện thị trong tỉnh..Tổng Thanh tra Chính phủ lưu ý các địa phương trên cơ sở định hướng chương trình thanh tra năm 2018 của TTCP vận dụng vào tình hình thực tế của mỗi địa phương để sớm xây dựng chương trình thanh tra năm 2018 của địa phương mình, từ đó có điều kiện xử lý sớm việc thanh tra chồng chéo.
                                                                                                                                                                                                                        (Theo www.thanhtra.gov.vn)

 

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 499 khách