Tìm kiếm tin tức
HỎI - ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG KỲ 3
Ngày cập nhật 25/05/2021

Câu hỏi 5: Cơ quan nào có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập?

Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn là một trong những biện pháp quan trọng trong phòng, chống tham nhũng ở các quốc gia. Luật PCTN năm 2005 quy định cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập là cơ quan quản lý trực tiếp người có nghĩa vụ kê khai tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Quy định này dẫn đến quá nhiều cơ quan có chức năng quản lý bản kê khai và xác minh tài sản, thu nhập; cán bộ làm công tác này thực chất là cán bộ làm công tác tổ chức nên thiếu nghiệp vụ, kinh nghiệm về kiểm soát tài sản, thu nhập dẫn đến việc thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp. Tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN năm 2005 cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng, một trong những nguyên nhân chính là Nhà nước không giám sát, kiểm soát được những biến động về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thẩm quyền quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập còn phân tán và mang tính nội bộ, thiếu cơ chế kiểm soát từ bên ngoài. Để khắc phục những hạn chế này thì việc sửa đổi mô hình cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập là cần thiết.

 

 

Điều 30 Luật PCTN năm 2018 quy định về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập như sau:

1. Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, doanh nghiệp nhà nước; người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

2. Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc chính quyền địa phương, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Cơ quan giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu kiểm soát tài sản, thu nhập của đại biểu Quốc hội chuyên trách và người có nghĩa vụ kê khai khác thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

5. Văn phòng Quốc hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

6. Văn phòng Chủ tịch nước kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước.

7. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Kiểm toán nhà nước.

8. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác trong hệ thống cơ quan, tổ chức đó.

Với quy định này sẽ bước đầu khắc phục được tình trạng phân tán, thiếu thống nhất và thiếu kiểm tra, giám sát việc kê khai, quản lý bản kê khai và xác minh tài sản, thu nhập; thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập được quy định đầy đủ, cụ thể, bảo đảm việc kiểm soát có hiệu quả, thực chất; từng bước chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý bản kê khai, xác minh tài sản, thu nhập nhằm phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ có các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như quản lý, cập nhật bản kê khai và các thông tin về kiểm soát tài sản, thu nhập; xác minh tài sản, thu nhập; áp dụng các biện pháp quản lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực.

Câu hỏi 6: Những ai phải kê khai tài sản, thu nhập và kê khai tài sản, thu nhập như thế nào?

Luật PCTN năm 2005 quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản là cán bộ từ Phó trưởng phòng UBND cấp huyện và tương đương trở lên; một số cán bộ, công chức cấp xã, người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Các đối tượng này có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hàng năm. Với quy định này, dẫn đến hằng năm việc kê khai không thực chất, hình thức. Hạn chế, vướng mắc lớn trong kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua có nguyên nhân từ quy định chưa thật hợp lý của Luật về việc mọi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đều áp dụng chung một biện pháp kê khai, theo dõi biến động, xác minh tài sản, thu nhập mà không phân biệt đối tượng để có mức độ kiểm soát khác nhau trong khi số đối tượng kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn (khoảng trên 1 triệu bản).

Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng đưa ra một trong các giải pháp là thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập của tất cả cán bộ, công chức là đảng viên. Chính vì vậy, để đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng về từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, đáp ứng tốt hơn yêu cầu PCTN trong tình hình hiện nay, Điều 34 Luật PCTN năm 2018 đã quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai là cán bộ, công chức; người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Đồng thời, Luật cũng quy định người có nghĩa vụ kê khai lần đầu bao gồm cả sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp. Việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai đến tất cả cán bộ, công chức nhằm mục đích chủ yếu là tạo cơ sở để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tài sản, thu nhập biến động từ 300 triệu đồng trở lên hoặc khi có dấu hiệu kê khai không trung thực cần phải tiến hành xác minh; hình thức kê khai này không thực hiện theo định kỳ hằng năm. Do vậy, tuy Luật quy định mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai lần đầu nhưng có quy định về phương thức kê khai tài sản, thu nhập phù hợp với từng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo hướng thu hẹp diện đối tượng phải kê khai hằng năm.

Phương thức kê khai tài sản, thu nhập được quy định trong Luật PCTN năm 2018 là một điểm mới cơ bản so với Luật PCTN năm 2005. Bởi theo quy định của Luật PCTN năm 2005 thì điểm hạn chế chính là phương thức kê khai áp dụng chung cho mọi đối tượng có nghĩa vụ kê khai dẫn đến không tập trung được nguồn lực cho việc kiểm soát chặt chẽ người có nghĩa vụ kê khai giữ chức vụ cao hoặc công tác tại các vị trí có nguy cơ xảy ra tham nhũng cao. Để khắc phục hạn chế này và phù hợp với việc mở rộng người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, thu hẹp cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập thì Điều 36 Luật PCTN năm 2018 đã quy định các phương thức kê khai áp dụng cho từng đối tượng kê khai khác nhau, gồm kê khai lần đầu, kê khai bổ sung, kê khai hằng năm và kê khai phục vụ công tác cán bộ.

- Kê khai lần đầu: Người đang giữ chức vụ hoặc có vị trí công tác mà thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai đều phải thực hiện việc kê khai lần đầu theo quy định của Luật này nhằm hình thành đồng bộ cơ sở dữ liệu, thông tin về tài sản, thu nhập của họ kể từ thời điểm Luật có hiệu lực. Đồng thời, tất cả cán bộ, công chức, một số viên chức hoặc ở vị trí công tác khác khi được tiếp nhận, tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước đều phải kê khai. Hình thức kê khai này hiện đang được thực hiện trong quá trình hình thành hồ sơ quản lý cán bộ. Những năm công tác tiếp theo, họ không phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm nếu không có căn cứ phát sinh.

- Kê khai hằng năm và kê khai bổ sung phục vụ cho kiểm soát tài sản, thu nhập:

+ Kê khai hằng năm chỉ áp dụng đối với những người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên; các ngạch công chức và các chức danh: chấp hành viên, điều tra viên, kế toán viên, kiểm lâm viên, kiểm sát viên, kiểm soát viên ngân hàng, kiểm soát viên thị trường, kiểm toán viên, kiểm tra viên của Đảng, kiểm tra viên hải quan, kiểm tra viên thuế, thanh tra viên, thẩm phán; người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục II được ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ; người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.  

+ Kê khai bổ sung áp dụng đối với người có biến động tăng về tài sản, thu nhập có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên.

- Kê khai phục vụ công tác cán bộ: Hình thức này được thực hiện đối với cán bộ, công chức; sĩ quan Công an nhân dân, sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp khi dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác; người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Việc phân tách các hình thức kê khai theo mục đích quản lý, sử dụng bản kê khai giúp xây dựng Cơ sở dữ liệu đầy đủ về bản kê khai tài sản, thu nhập, đồng thời giúp hạn chế phát sinh bản kê khai hằng năm để tiến tới kiểm soát chặt chẽ, thực chất tài sản, thu nhập.

Phan Thị Lê Hằng

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 826 khách