Tìm kiếm tin tức
HỎI - ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG KỲ 13
Ngày cập nhật 01/09/2021

Câu hỏi 25: Vì sao phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn? Việc chuyển đổi được thưc hiện theo nguyên tắc nào?

Chuyển đổi vị trí công tác có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa tham nhũng. Mục đích của việc chuyển đổi nhằm ngăn ngừa việc cán bộ, công chức ở lâu một vị trí có thể tạo nên những ê kíp, lợi dụng những kẽ hở của cơ chế, chính sách, pháp luật để tham nhũng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi vị trí công tác phải đảm bảo sự ổn định của quản lý nhà nước, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị và tính chuyên môn sâu của các vị trí công tác.

 

Trong thời gian vừa qua, việc chuyển đổi vị trí công tác đã có tác dụng tích cực nhất định trong phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, việc thực hiện chế định này trong thực tiễn vẫn còn nhiều hạn chế. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN năm 2005 đã chỉ rõ: “Việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức ở một số bộ, ngành, địa phương theo quy định của pháp luật còn chưa thường xuyên, hình thức, chưa kiên quyết, còn có hiện tượng nể nang, e ngại cán bộ thuộc diện chuyển đổi vị trí phản ứng, thiếu kiểm tra, thanh tra việc thực hiện. Có những vị trí chuyển đổi khó thực hiện, có nơi còn có biểu hiện lợi dụng việc chuyển đổi vị trí công tác để trù dập người khác hoặc trục lợi cá nhân”. Nhằm khắc phục những hạn chế này, bên cạnh việc kế thừa một số quy định của Luật PCTN năm 2005, Luật PCTN năm 2018 có một số điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời để tránh việc lợi dụng việc chuyển đổi vị trí công tác vào những mục đích không chính đáng, Điều 24 Luật PCTN năm 2018 quy định cụ thể những nguyên tắc chuyển đổi như sau:

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị theo thẩm quyền có trách nhiệm định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình nhằm phòng ngừa tham nhũng. Việc luân chuyển cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển cán bộ.

2. Việc chuyển đổi vị trí công tác phải bảo đảm khách quan, hợp lý, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

3. Việc chuyển đổi vị trí công tác phải được thực hiện theo kế hoạch và được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

4. Không được lợi dụng việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức vì vụ lợi hoặc để trù dập cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, để đảm bảo sự công khai, minh bạch trong việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, Luật lần này đã bổ sung quy định về Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác được quy định tại Điều 26 cụ thể như sau:

1. Định kỳ hằng năm, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải ban hành và công khai kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn theo thẩm quyền quản lý cán bộ.

2. Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác phải nêu rõ mục đích, yêu cầu, trường hợp cụ thể phải chuyển đổi vị trí công tác, thời gian thực hiện chuyển đổi, quyền, nghĩa vụ của người phải chuyển đổi vị trí công tác và biện pháp tổ chức thực hiện.

Câu hỏi 26: Những vị trí công tác nào phải định kỳ chuyển đổi? Thời hạn phải định kỳ chuyển đổi là bao lâu?

Việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn không phải được thực hiện đối với tất cả các vị trí công tác mà chỉ áp dụng đối với một số vị trí nhất định dễ phát sinh tham nhũng, gồm: các vị trí có liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác.

Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 02 năm đến 05 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực. Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có một vị trí phải định kỳ chuyển đổi công tác mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù so với vị trí khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì việc chuyển đổi vị trí công tác do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng người có chức vụ, quyền hạn đề nghị với cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đổi.

Để đảm bảo phù hợp với đặc thù của từng ngành, lĩnh vực, khoản 4 Điều 25 Luật PCTN năm 2018 quy định giao Chính phủ quy định chi tiết vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội quy định chi tiết vị trí công tác phải chuyển đổi và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

Phan Thị Lê Hằng

 

 

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 410 khách