Tìm kiếm tin tức
HỎI - ĐÁP PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG KỲ 16
Ngày cập nhật 29/09/2021

Câu hỏi 31: Khi phát hiện hành vi tham nhũng, có những hình thức nào để thông tin cho cơ quan, người có thẩm quyền?

Luật PCTN năm 2018 đã mở rộng hơn các hình thức tiếp nhận thông tin về tham nhũng, bao gồm: phản ánh, tố cáo và báo cáo về hành vi tham nhũng. Như vậy, việc cung cấp thông tin về tham nhũng có thể được thực hiện bằng các hình thức khác nhau như phản ánh, tố cáo, báo cáo. Qua đó, giúp các cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, thu thập các thông tin về tham nhũng nhằm phát hiện và xử lý nhanh chóng, kịp thời. Quy định về phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng giúp khuyến khích cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, điều này cũng thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong việc tăng cường phát hiện hành vi tham nhũng. Đồng thời, Luật cũng quy định rõ hơn trách nhiệm tiếp nhận và xử lý phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng.

 

Điều 65 quy định về phản ánh, tố cáo và xử lý phản ánh, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng:

1. Cá nhân, tổ chức có quyền phản ánh về hành vi tham nhũng, cá nhân có quyền tố cáo về hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật. 

2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng phải xem xét, xử lý kịp thời và áp dụng các biện pháp bảo vệ người phản ánh, tố cáo.

3. Việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

4. Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh về hành vi tham nhũng được thực hiện theo quy định của pháp luật về tiếp công dân.

Điều 66 quy định báo cáo và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng:

1. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang khi phát hiện hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình công tác thì phải báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đó; trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến hành vi tham nhũng thì phải báo cáo với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý cán bộ.

2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo về hành vi tham nhũng, người được báo cáo phải xử lý vụ việc theo thẩm quyền hoặc chuyển cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, xử lý và thông báo cho người báo cáo biết; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày; trường hợp cần thiết thì người được báo cáo quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng và bảo vệ người báo cáo.

Câu hỏi 32: Người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng được bảo vệ như thế nào?

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, rất nhiều trường hợp người tố cáo nói chung, đặc biệt là người tố cáo hành vi tham nhũng bị đe doạ, trù dập, trả thù làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, việc làm thậm chí là tính mạng và sức khoẻ không chỉ của họ mà còn của cả những người thân thích. Trong khi đó, các quy định về bảo vệ người tố cáo còn chung chung và thiếu khả thi, do vậy khó bảo vệ người tố cáo trên thực tế. Khắc phục những hạn chế này, Luật Tố cáo vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 đã quy định chi tiết về việc bảo vệ người tố cáo, trong đó có cả việc bảo vệ những người thân thích của người tố cáo (gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo). Người tố cáo và người thân thích được bảo vệ bí mật thông tin; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm.

Tuy nhiên, đối với việc bảo vệ người phản ánh, báo cáo thì pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể. Vì vậy, Điều 67 của Luật PCTN năm 2018 quy định người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng được áp dụng các biện pháp bảo vệ như bảo vệ người tố cáo. Bên cạnh đó, Điều 69 của Luật cũng quy định trách nhiệm của người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng. Theo đó, người tố cáo hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm về việc tố cáo của mình theo quy định của Luật Tố cáo; người phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của nội dung phản ánh, báo cáo.

Những quy định mới nêu trên sẽ góp phần tích cực giúp người tố cáo, phản ánh, báo cáo về hành vi tham nhũng phần nào vững tâm khi phát hiện và thông tin về hành vi tham nhũng đến cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Phan Thị Lê Hằng

 

 

 

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 1.106 khách