Tìm kiếm tin tức
Cơ chế, chính sách đặc thù – động lực cho Thừa Thiên Huế phát triển bền vững
Ngày cập nhật 20/06/2022

(CTTĐT) - Các cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là công cụ hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy tỉnh Thừa Thiên Huế phát huy nội lực, huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đầu tư hạ tầng KT-XH, đảm bảo cân đối hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân. Phát huy và khai thác hết các tiềm năng thế mạnh của tỉnh, sớm đạt mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhiều giải pháp được tập trung chỉ đạo

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 38 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thừa Thiên Huếngày 13/5/2022 Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình về thực hiện Nghị quyết này. Đến nay, UBND tỉnh đang xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình của Tỉnh ủy, đồng thời, tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp, vận động sự chung sức của người dân và doanh nghiệp (DN) đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết.

Trước mắt, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm phục hồi phát triển kinh tế hậu COVID-19Qua đó, cụ thể hóa định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế thông qua các quy hoạch. Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, ưu tiên nguồn lực để xây dựng đồng bộ, hiện đại các thiết chế đô thị; ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm về phát triển đô thị.

Cùng với đó, hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu kinh tế (KKT)khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN). Ưu tiên đầu tư phát triển KKT Chân Mây - Lăng Cô; tăng tỷ lệ lấp đầy tại các KCN, CCN. Hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, quy mô lớn. Hình thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, định hướng phát triển thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - Chi nhánh tại Huế và từng bước hình thành Khu công nghệ cao quốc gia tại Huế. 

Tỉnh cũng quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ban hành chính sách thu hút đầu tư theo hướng thông thoáng, minh bạch; đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư để thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt thu hút các đối tác chiến lược, các nhà đầu tư nước ngoài. Tiếp tục giữ vững vị trí TOP đầu cả nước về các chỉ số PCI, PAPIICT-index...

Đồng thời chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành các văn bản cụ thể hoá, làm cơ sở để tổ chức thực hiện Nghị quyết số 38.

Bảo tồn và trùng tu, phát huy các giá trị di tích, di sản

Trong các cơ chế, chính sách đặc thù có 2 nhóm về bảo tồn và trùng tu, phát huy các giá trị di tích, di sản. Đây được xem các là nhóm cơ chế, chính sách đặc thù có tính chất lâu dài, bền vững nhằm phát triển ổn định, cân đối, hài hoà dựa trên nguyên tắc vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, vừa tạo động lực, đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, phí tham quan di tích trên địa bàn tỉnh được nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước; 100% phí tham quan nêu trên tỉnh được được sử dụng để đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Theo quy định của Luật Phí và lệ phí, các khoản thu từ phí được để lại để chi trả cho các hoạt động liên quan đến việc thu phí thì phần còn lại phải nộp ngân sách nhà nước, được tổng hợp chung vào cân đối ngân sách theo quy định để chi cho các nhiệm vụ khác nhau của Nhà nước. Tuy nhiên, khi thực hiện cơ chế này, tỉnh được Quốc hội, Chính phủ cho phép sử dụng toàn bộ 100% nguồn thu phí tham quan nộp ngân sách để chỉ sử dụng cho mục đích duy nhất là đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.


Cơ chế chính sách đặc thù góp phần bảo tồn và trùng tu, phát huy các giá trị di tích, di sản

Bên cạnh đó, việc cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế, Quỹ được hình thành từ các nguồn Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, từ các tổ chức, đoàn thể, DN, cộng đồng và nguồn vốn viện trợ của UNESCO, các tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ cho bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phục hồi di tích.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương khẳng định, việc huy động nguồn lực xã hội để trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản là phù hợp với quy định tại Điều 58 Luật Di sản văn hoá, nhưng trước đây việc quản lý nguồn vốn huy động này như một khoản thu ngân sách nhà nước trong một số trường hợp là chưa phù hợp với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đó, việc các địa phương khác muốn hỗ trợ ngân sách cho Thừa Thiên Huế thông qua các hình thức chuyển trực tiếp vào thu ngân sách nhà nước tỉnh hoặc thông qua tài trợ cho Quỹ tài chính đặc thù do tỉnh thành lập cũng không đảm bảo cơ sở pháp lý theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Việc Quốc hội cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế sẽ giúp tháo gỡ được những khó khăn và tạo điều kiện hết sức thuận lợi trong việc huy động và quản lý các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ trùng tu di sản văn hoá, đồng thời đảm bảo tính công khai minh bạch các khoản chi, tạo niềm tin lâu dài cho các tổ chức và cá nhân tài trợ vốn... Hiện nay, UBND tỉnh đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính để trình Chính phủ thông qua Nghị định thành lập Quỹ Bảo tồn di sản.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho rằng, trong bối cảnh việc huy động xã hội hóa, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện công tác trùng tu di tích còn nhiều khó khăn, hạn chế thì 2 chính sách nêu trên của Trung ương là hết sức cần thiết và phù hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế để địa phương có nguồn lực thực hiện trùng tu, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn. Đây cũng là các chính sách mà người dân địa phương, các tổ chức, DN trong nước và quốc tế, thông qua việc mua vé tham quan các di tích trên địa bàn hoặc đóng góp trực tiếp vào Quỹ Bảo tồn di sản Huế là đã có thể góp một phần nhỏ công sức và tình cảm của mình cùng chính quyền và nhân dân tỉnh thực hiện việc bảo vệ, giữ gìn các di tích, di sản văn hóa Huế cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Cơ chế tạo ra nguồn lực

Theo các cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua, về cơ chế mức dư nợ vay không vượt quá 40%, mức dư nợ vay của địa phương đạt gần 2.400 tỷ đồng; tăng 1.200 tỷ đồng tạo điều kiện cho địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các dự án ODA đang triển khai và thực hiện thêm một số dự án mới.

Cơ chế phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên, với cơ chế này, Thừa Thiên Huế được tăng thêm khoảng 1.300 tỷ đồng so với trước.

Cơ chế Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu 70% số tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu so với dự toán Chính phủ giao, theo tính toán tỉnh được hưởng từ chính sách 140 tỷ đồng, bình quân là 28 tỷ đồng/năm.

Việc ngân sách tỉnh được hưởng 50% nguồn thu từ sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý, nguồn thu này sẽ là một nguồn lực không nhỏ để phục vụ mục tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết, Sau khi áp dụng được các cơ chế, chính sách đặc thù này, sẽ tạo điều kiện cho Thừa Thiên Huế huy động nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tạo đà phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế trong khi nguồn cân đối từ ngân sách địa phương hiện nay còn hạn chế, chưa thể đáp ứng yêu cầu. Cùng với nhiều việc tỉnh đang triển khai thực hiện kết hợp việc tận dụng các cơ chế chính sách đặc thù sẽ là tạo một tiền đề, một diện mạo mới cho Huế để đạt được mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với hạt nhân là thành phố Huế - thành phố Festival, thành phố Xanh Quốc gia, thành phố Văn hóa Asean và là “một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao” theo mục tiêu mà Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị đã đề ra.

 
 
 
 
 
thuathienhue.gov.vn
 
 
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 135 khách