Tìm kiếm tin tức
Chính phủ trình Quốc hội Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Ngày cập nhật 11/11/2017

Chiều ngày 09/11/2017, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật PCTN (sửa đổi). Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật này.​​

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, thời gian qua, Chính phủ đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự án luật PCTN (sửa đổi). Quá trình chuẩn bị dự án Luật được thực hiện theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đó, Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật PCTN (sửa đổi) gồm các nội dung: Sự cần thiết xây dựng Luật; quan điểm chỉ đạo, định hướng việc xây dựng dự thảo; quá trình nghiên cứu và xây dựng dự thảo; bố cục của dự thảo; những nội dung cơ bản của dự thảo.  
Chính phủ khẳng định: Việc bổ sung, sửa đổi Luật PCTN sẽ khắc phục những bất cập  của Luật PCTN năm 2005; tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng và để đồng bộ với quy định mới trong các đạo luật quan trọng khác nhằm nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng; nhiệm vụ trọng tâm của Luật PCTN là xây dựng một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, qua đó góp phần xây dựng một cơ chế quản lý nhà nước, quản lý xã hội công khai, minh bạch để “không thể tham nhũng” đồng thời, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng để “không dám tham nhũng”.
Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) gồm 11 Chương với 129 điều gồm: Chương I về những quy định chung; Chương II về phòng ngừa tham nhũng; Chương III về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập; Chương IV về phát hiện tham nhũng; Chương V về cơ quan, tổ chức phòng, chống tham nhũng; Chương VI về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng; Chương VII về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng; Chương VIII về phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kinh doanh; Chương IX về hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; Chương X về xử lý tham nhũng và vi phạm pháp luật; Chương XI về điều khoản thi hành.
1a 1a tong_thanh_tra_chinh_phu_le_minh_khi_1_copy.jpg

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày dự án Luật PCTN (sửa đổi) 
 
Chính phủ khẳng định, quá trình soạn thảo Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, phản ánh những hạn chế, bất cập qua 10 năm thực hiện Luật PCTN và đạt được sự đồng thuận của các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, trong qua trình soạn thảo, có một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Chính phủ báo cáo xin ý kiến của Quốc hội gồm: Việc áp dụng Luật PCTN đối với tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước; về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập; về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; về xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt dộng thanh tra, kiểm tra.
chunhiemuybantuphaplethinga_wbwg.jpg

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật PCTN (sửa đổi)
(Theo www.thanhtra.gov.vn)
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 1.601 khách