Tìm kiếm tin tức
Giải quyết các vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng, kéo dài là nhiệm vụ thường xuyên
Ngày cập nhật 25/02/2014

 (ThanhtraVietnam) – Để việc triển khai thực hiện Kế hoạch 2100 có hiệu quả, Thanh tra Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương bám sát mục đích, yêu cầu, nội dung kế hoạch đề ra; đặt việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng.

 

Hiệu quả tích cực từ Kế hoạch 1130

Theo Báo cáo của Thanh tra Chính phủ về giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Đối với việc triển khai thực hiện Kế hoạch 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012 của Thanh tra Chính phủ. Tính đến ngày 31/12/2013, cả nước đã rà soát 528/528 vụ việc (đạt 100%), đã kiểm tra, có phương án giải quyết 475/528 vụ việc, đạt tỷ lệ 89,96%. Thông qua giải quyết KNTC tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các ngành, các cấp và địa phương đã có phương án giải quyết, khôi phục quyền lợi và hỗ trợ cho công dân 1.389,2 tỷ đồng; 34,33 ha đất sản xuất; 0,84 ha đất ở; 24 nền nhà tái định cư. Hiện nay còn 53 vụ việc chưa hoàn thành. Trong đó có 10 vụ việc đã báo cáo, chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ; 15 vụ việc Thanh tra Chính phủ chưa kết luận, hoặc chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi có văn bản chỉ đạo tiếp tục phối hợp kiểm tra, xem xét; 28 vụ việc các Bộ, ngành, địa phương đang giải quyết hoặc phối hợp giải quyết.

Đồng thời, trên cơ sở những kết quả đạt được, Thanh tra Chính phủ đã tổng kết, đánh giá và ngày 19/9/2013 ban hành Kế hoạch 2100/KH-TTCP nhằm chủ động nắm tình hình, tích cực phối hợp với các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng khác (ngoài KH 1130). Theo đó, bước đầu thống kê được hiện nay cả nước có 1.335 vụ việc phức tạp, tồn đọng cần tập trung giải quyết (phía Bắc: 375 vụ việc; Miền Trung – Tây Nguyên 120 vụ việc; phía Nam 840 vụ việc). Trong đó, các tỉnh, thành phố Khu vực phía Nam đã giải quyết được 157/840 vụ việc.

Nhìn chung, thời gian qua Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Kết quả giải quyết đã có tác động tích cực, làm chuyển biến nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, chính quyền trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã giải quyết được nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự và chính trị xã hội.

Tuy nhiên, nhận thức và trách nhiệm trong việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài của cán bộ ở một số địa phương chưa đầy đủ, còn tâm lý ngại khi xem xét, giải quyết lại các vụ việc; tiến độ giải quyết chậm; ở một số nơi tổ chức đối thoại còn hình thức; sự phối hợp giữa các cơ quan của Trung ương và địa phương chưa chặt chẽ; quy trình, thủ tục giải quyết còn thiếu thống nhất. Việc triển khai kế hoạch tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh chỉ đạo công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC.


Chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ để thực hiện

Đối với 53 vụ việc KNTC còn lại theo Kế hoạch 1130 Thanh tra Chính phủ yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm trong Quý I/2014. Đồng thời, ban hành thông báo chấm dứt xem xét, giải quyết và thực hiện công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với các vụ việc đã kiểm tra, rà soát và thống nhất phương án giải quyết theo đúng quy trình. Trong trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc cần có văn bản báo cáo Thanh tra Chính phủ để phối hợp, bàn biện pháp xử lý dứt điểm. Khẩn trương thực hiện các trình tự, thủ tục cần thiết để tổ chức thực hiện phương án giải quyết đã thống nhất hoặc các vụ việc đã được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo giải quyết, tránh để xẩy ra tình trạng công dân chờ đợi lâu, tiếp tục khiếu nại.

Đối với các vụ việc đã được kiểm tra, rà soát, giải quyết theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP nhưng hiện nay công dân vẫn tiếp tục khiếu nại đến các cơ quan Trung ương đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục kết hợp với vận dụng các chính sách xã hội giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu nại. Những trường hợp cố tình đeo bám, đề nghị địa phương phối hợp với Công an TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thống nhất biện pháp xử lý dứt điểm.

Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp (ngoài 528 vụ việc đã kiểm tra, rà soát theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP) các Bộ, ngành, địa phương bám sát nội dung của Kế hoạch 2100 và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ để xây dựng Kế hoạch và triển khai thực hiện, trong đó cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, lập danh sách: các vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết theo quy định nhưng công dân vẫn tiếp khiếu; các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chưa được giải quyết theo quy định hoặc thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương nhưng cần xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương.

Trong quý I/2014 các bộ, ngành, địa phương cần chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ để thống nhất danh sách các vụ việc tồn đọng, phức tạp trước khi xây dựng kế hoạch giao cho các đơn vị chức năng tiến hành xem xét, giải quyết hoặc xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tập trung tiến hành kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng theo kế hoạch. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo tiến độ giải quyết theo yêu cầu của Kế hoạch 2100/KH-TTCP; văn bản số 3073/TTCP-KHTCTH ngày 20/12/2013 của Thanh tra Chính phủ về tổng hợp kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp để theo dõi và từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu chung về khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng.

Đối với những vụ việc đang thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã đã thống kê, lập danh sách thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nhanh chóng có văn bản chỉ đạo việc xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Các Bộ, cơ quan ngang bộ ngoài việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp thuộc trách nhiệm của bộ, ngành mình theo Kế hoạch 2100, khi được các địa phương xin ý kiến hoặc đề nghị phối hợp thì cần tạo điều kiện quan tâm thực hiện. Thanh tra Chính phủ sẽ cử cán bộ của cục, vụ phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong quá trình kiểm tra, xác minh, kết luận và đề xuất biện pháp giải quyết các vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc có tính chất rất phức tạp; tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ, đôn đốc, kiểm tra trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các địa phương./.

Q.Vững – K.Dung

(www.thanhtravietnam.vn)
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.072.496
Truy cập hiện tại 2.525 khách