Tìm kiếm tin tức
Mức độ phổ biến, thiệt hại kinh tế của hành vi tham nhũng được xác định như thế nào?
Ngày cập nhật 15/09/2014

(ThanhtraVietnam) – Dự thảo Thông tư quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng đang được Thanh tra Chính phủ xây dựng, dự kiến sẽ ban hành vào đầu năm 2015, thay thế cho Thông tư số 11/2011/TT-TTCP ngày 09/11/2011.

Theo Dự thảo, Thông tư này quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng; trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan trong việc nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng. 

Dự thảo Thông tư cũng xác định nguyên tắc hướng tới trong việc nhận định tình hình và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, đó là bảo đảm tính khách quan, toàn diện, trung thực, rõ ràng và công khai trong nhận định và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; đồng thời huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội trong việc nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng. Đây cũng chính là điểm mới của Thông tư này so với Thông tư 11. 

 

 

Thông tư quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng được xây dựng dưới sự chủ trì của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng.

 

Cụ thể, nội dung về nhận định tình hình tham nhũng được thể hiện ở mức độ phổ biến, mức độ thiệt hại kinh tế và mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng. Căn cứ vào đó, các bộ, ngành, địa phương có thể bổ sung hoặc cụ thể hóa các nội dung về nhận định tình hình tham nhũng cho phù hợp với yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quản lý nhà nước của mình theo ngành, lĩnh vực hoặc tại địa phương. Mức độ phổ biến của hành vi tham nhũng phản ánh tình trạng lặp đi lặp lại của hành vi tham nhũng xảy ra trong phạm vi một ngành, lĩnh vực, địa phương hoặc trên phạm vi toàn quốc, được đo lường bằng số vụ việc có hành vi tham nhũng được phát hiện, xử lý bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức. Mức độ thiệt hại kinh tế của hành vi tham nhũng là giá trị sai phạm do hành vi tham nhũng gây ra đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận và quyết định thu hồi, xử lý về kinh tế hoặc tịch thu trong các vụ việc có hành vi tham nhũng và trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức. Trường hợp thiệt hại kinh tế của hành vi tham nhũng không phải là tiền hoặc các giấy tờ có giá, thì phải quy thành tiền (đồng) theo giá thị trường của vật tương đương hoặc theo tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Namcông bố tại thời điểm nhận định để tổng hợp chung. Mức độ nghiêm trọng của hành vi tham nhũng thể hiện tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi tham nhũng, được đo lường thông qua so sánh tương quan giữa các hình thức xử lý đối với người có hành vi tham nhũng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng và trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức. Việc so sánh tương quan giữa các hình thức xử lý đối với người có hành vi tham nhũng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng được thực hiện trên cơ sở xác định cơ cấu các hình thức xử lý đối với người có hành vi tham nhũng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng theo ngành, lĩnh vực, địa phương và trên phạm vi toàn quốc, thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử, giám sát và giải quyết tố cáo. 

Việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng bao gồm các nội dung liên quan đến sự chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống tham nhũng; ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; phát hiện, xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng; phát huy vai trò của xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng và thực hiện nghĩa vụ quốc tế trong các khuôn khổ hợp tác đa phương và song phương về công tác này. Theo đó, yêu cầu đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng sẽ gồm kết quả thực hiện; đánh giá hiệu lực, hiệu quả; những tồn tại, yếu kém và nguyên nhân; đề xuất giải pháp. 

Tại cuộc họp sáng ngày 10/9, một số đại biểu bày tỏ sự băn khoăn trong việc tổng hợp điểm và xác định mức độ phổ biến của hành vi tham nhũng và mức độ thiệt hại kinh tế của hành vi tham nhũng. Hiện nay, dự thảo bước đầu đưa ra công thức tính: 

Điểm tổng hợp = (2) x (Điểm thành phần 1) + (1) x (Điểm thành phần 2). 

Trong đó, đối với việc xác định mức độ phổ biến của hành vi tham nhũng, điểm thành phần 1 được xác định căn cứ vào số vụ việc có hành vi tham nhũng được kết luận thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, xét xử, giám sát và giải quyết tố cáo; điểm thành phần 2 được xác định căn cứ vào trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức về mức độ phổ biến của hành vi tham nhũng. 

Đối với việc xác định mức độ thiệt hại kinh tế của hành vi tham nhũng, điểm thành phần 1 được căn cứ vào giá trị sai phạm do hành vi tham nhũng gây ra đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận và ra quyết định thu hồi, xử lý kinh tế hoặc tịch thu trong các vụ việc có hành vi tham nhũng, thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiểm sát, xét xử, giám sát và giải quyết tố cáo; điểm thành phần 2 căn cứ vào trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức về mức độ thiệt hại kinh tế của hành vi tham nhũng.

Dự Thảo Thông tư sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi chính thức ban hành vào đầu năm 2015/. 

K. Dung (www.thanhtravietnam.vn)

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.086.357
Truy cập hiện tại 1.347 khách