Tìm kiếm tin tức
Tham nhũng là sự lạm dụng quyền lực được trao để tư lợi Cập nhật: 14/10/2014 12:17
Ngày cập nhật 20/10/2014

(ThanhtraVietnam) - Với cách tiếp cận “Tham nhũng là sự lạm dụng quyền lực được trao để tư lợi”, Ông Conrad Zellmann, Phó Giám đốc Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) đã đưa ra công thức Tham nhũng = (Độc quyền + quyền lực thiếu kiểm soát) – (Trách nhiệm giải trình + Liêm chính + Minh bạch).

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về một số xu hướng toàn cầu trong công tác phòng chống tham nhũng tại Vĩnh Phúc, ngày 11/10, Ông Conrad Zellmann cho biết, việc tăng cường thực thi các luật phòng, chống hối lộ với phạm vi xuyên quốc gia (Mỹ, Anh, Đức, Thụy Sĩ) đang khiến các nhà đầu tư lo ngại về những rủi  ro ở các thị trường mà họ hướng tới. Bên cạnh đó là sức ép thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong ngành tài chính đang tăng lên với các quy tắc phòng, chống rửa tiền (AML); phòng, chống trốn thuế; xóa bỏ các công ty bí mật. Ngoài ra, sự chú ý ngày càng tăng đối với vấn đề bảo vệ người tố cáo; sự phát triển của các liên minh ở cấp ngành; sự phát triển của sáng kiến đối tác chính phủ mở; các chính phủ trong khu vực đang tăng cường các hành động phòng, chống tham nhũng cũng là những xu hướng toàn cầu đáng chú ý trong giai đoạn hiện nay.

 

 

 

Ông Conrad Zellmann, Phó Giám đốc Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) (đứng giữa)

 

 

Khẳng định phòng, chống tham nhũng là việc có thể làm. Ông Conrad Zellmann nhấn mạnh, các quốc gia không cần trở nên giàu có để có thể giải quyết nạn tham nhũng, và không phải mất nhiều thế hệ mới có thể làm được điều này. Quan trọng là, các cơ quan phòng, chống tham nhũng phải đủ năng lực, đủ độc lập và hoàn toàn liêm chính; đồng thời áp dụng triệt để các văn kiện quốc tế chính: UNCAC (Công ước LHQ về chống tham nhũng ) điều 6 và điều 36; Tuyên bố Jakarta về nguyên tắc đối với cơ quan phòng, chống tham nhũng (2012).

 

Nhìn chung, mô hình tổ chức của các cơ quan phòng, chống tham nhũng được cho là tiến bộ trên thế giới thường được ưu tiên về thẩm quyền điều tra cao; đảm bảo tính độc lập của các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật có liên quan; tính hiệu quả trong việc điều phối và phối hợp giữa các cơ quan. Sự thành công của các cơ quan phòng, chống tham nhũng phụ thuộc vào các điều kiện vĩ mỗ đúng đắn. Để một cơ quan phòng, chống tham nhũng hoạt động thành công cần phải có  sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo và sự ủng hộ rộng rãi của xã hội; độc lập về thể chế, tự quản về tài chính và thẩm quyền thực thi pháp luật mạnh mẽ đặc biệt trong hoạt động điều tra. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy mô hình cơ quan phòng, chống tham nhũng đơn nhất và chuyên trách chỉ thành công ở một vài nước (cụ thể là Hồng Kông và Singapore).

 

Tóm lại, điều kiện cho sự thành công của các cơ quan phòng, chống tham nhũng, đó là phân tích nghiêm túc các vấn đề tham nhũng và mô hình tổ chức hiện hành; có chiến lược phòng, chống tham nhũng rõ ràng; có tính độc lập cao, liêm chính và năng lực; làm rõ mối quan hệ giữa các cơ quan (nếu liên quan); có sự ủng hộ mạnh mẽ về chính trị, sự lãnh đạo và sự ủng hộ của người dân.

 

Các giải pháp hiệu quả nhất được cho là, trong Luật bảo vệ người tố cáo cần có nội dung bảo vệ pháp lý cho người tố cáo một cách rộng rãi và hiệu quả trước sự trả đũa với bồi thường toàn phần trong trường hợp bị trả đũa; có cơ chế đầy đủ trong các tổ chức công, tư và phi chính phủ để đảm bảo đơn, thư tố cáo được xử lý hợp lý và điều tra triệt để; nghiên cứu, thu thập số liệu, thông tin và tập huấn để người dân hiểu rõ hơn những lợi ích của việc tố cáo.

 

Bên cạnh giải pháp về việc bảo vệ người tố cáo, các cơ quan phòng, chống tham nhũng cần thực hiện tốt các hiệp ước liêm chính. Hiệp ước ở đây được hiểu là hợp đồng giữa một cơ quan nhà nước và tất cả các nhà thầu, trong đó nhấn mạnh cán bộ/công chức của cơ quan này sẽ không chấp nhận hối lộ hay thiên vị; có cam kết không hối lộ của các nhà thầu; cam kết của tất cả các nhà thầu về việc công khai tất cả các khoản chi trả liên quan đến quả trình đấu thầu; dùng cơ chế trọng tài để giải quyết mâu thuẫn và một bộ quy chế xử phạt được thông báo trước, một hệ thống giám sát độc lập.

 

Liên quan đến giải pháp hành động tập thể, ông Conrad Zellmann cho rằng, mục đích của giải pháp này nhằm tạo ra các điều kiện thị trường công bằng và bình đẳng – một “sân chơi bình đẳng” – cho tất cả những  người tham gia thị trường và để loại bỏ các cám dỗ của tham nhũng. Theo đó, các công ty, chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự cùng tham gia đảm bảo minh bạch trong kinh doanh, đặc biệt là trong các quy trình mua sắm công.

 

Ông Conrad Zellmann cũng cho biết, một số quốc gia phát triển trên thế giới xây dựng thí điểm mô hình Thành phố Minh bạch, coi đây là một trong những giải pháp hiệu quả, có sức lan tỏa lớn. Ở đó có sự lãnh đạo mạnh mẽ và cam kết của Thị trưởng, độ tin cậy thông qua sự tham gia của nhân tố độc lập, tập trung vào sự tham gia hiệu quả của người dân. Thành công của các mô hình Thành phố Minh bạch đã cải thiện tính minh bạch và hạn chế quyền lực thiếu kiểm soát, qua đó giảm thiểu nguy cơ xảy ra tham nhũng; tăng cường niềm tin của công chúng và sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động của chính quyền địa phương; tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài; tiết kiệm các hợp đồng công khoảng 22%; tăng hiệu quả công tác hành chính. Với những ý nghĩa to lớn đó, mô hình Thành phố Minh bạch đã được ghi nhận rộng rãi trong nước và quốc tế./.

 

K. Dung (www.thanhtravietnam.vn)

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.086.357
Truy cập hiện tại 1.230 khách