Tìm kiếm tin tức
Phòng ngừa tham nhũng và một số biện pháp nâng cao hiệu quả thực hiện trong thời gian tới
Ngày cập nhật 05/11/2014

(ThanhtraVietnam) - Nhận thức sâu sắc về tác hại của tham nhũng, để đẩy lùi tệ nạn này, Việt Nam đã xác định phải sử dụng tổng thể các giải pháp, trong đó lấy phòng ngừa tham nhũng là cơ bản và lâu dài. Sau gần 8 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN), công tác PCTN đã đạt được những kết quả tích cực; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được triển khai thực hiện, từng bước phát huy hiệu quả.

Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị

Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác định là biện pháp quan trọng để phòng ngừa tham nhũng. Luật PCTN đã quy định nguyên tắc, nội dung công khai, minh bạch, hình thức  công khai, quyền yêu cầu cung cấp thông tin, trách nhiệm giải trình  và 21 lĩnh vực  phải công khai theo đó Chính phủ, các bộ, ngành ở trung ương, các địa phương đã ban hành các quy định cụ thể để triển khai thực hiện.

Việc công khai, minh bạch đã được thực hiện trong đời sống chính trị  và  hoạt động quản lý nhà nước. Việc hoạch định, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đánh giá kết quả thực hiện đều công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng . Trách nhiệm giải trình của các thành viên Chính phủ đã được đề cao. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo  các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tham gia Chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" để chủ động, kịp thời thông tin những vấn đề nhân dân quan tâm thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của các bộ, ngành.

Chính sách, cơ chế quản lý, quy hoạch, kế hoạch phát triển, tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, quy trình tác nghiệp, người chịu trách nhiệm, thời hạn giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ công đều được các ngành, các cấp công bố công khai, minh bạch để các doanh nghiệp và người dân biết, đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình trên các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị đều công khai, minh bạch các hoạt động thực hiện nhiệm vụ, công tác cán bộ, tài chính, tài sản và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Công tác kiểm tra, thanh tra, đôn đốc việc thực hiện cũng được chú trọng.

Mặc dù, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được quy định ngày càng cụ thể, chặt chẽ, nhưng quy định còn mang tính dàn trải theo các lĩnh vực quản lý nhà nước, việc tổ chức thực thi vẫn chưa bảo đảm yêu cầu. Tình trạng lạm dụng bảo mật thông tin, thiếu công khai, dân chủ vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Trong một số cơ quan, đơn vị, các thiết chế dân chủ, giám sát không được quan tâm đúng mức, bị cản trở thậm chí bị vô hiệu hóa, dẫn đến tình trạng vi phạm kéo dài, sai phạm nghiêm trọng nhưng không tự kiểm tra, phát hiện được.

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng

Chính phủ ban hành ban hành Nghị định số 211/NĐ-CP ngày 19/12/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 về quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng đã có tác dụng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời có tác dụng răn đe nhất định, nhưng thực tế thực hiện vẫn còn khó khăn, số người đứng đầu bị xử lý còn ít  so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý; còn có sự nhầm lẫn giữa xử lý người đứng đầu do có hành vi sai phạm, tham nhũng với xử lý trách nhiệm của người đứng khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa được thực hiện nghiêm, thậm chí còn có biểu hiện nể nang, né tránh.

Các quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng còn chưa rõ ràng, cụ thể, vướng mắc, trong thực tế biện pháp phòng ngừa này trong nhiều trường hợp lại đặt người đứng đầu vào tình huống mâu thuẫn lợi ích. Nếu tích cực kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ, thì có thể phải đối mặt với việc bị xử lý trách nhiệm hoặc ảnh hưởng đến uy tín, thành tích của bản thân và đơn vị.

Giải pháp nâng cao hiệu quả biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Hoàn thiện thể chế, chính sách phòng ngừa tham nhũng

Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu đánh giá đầy đủ về các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng trên cơ sở nội luật hóa một số quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà pháp luật Việt Nam chưa đáp ứng như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật PCTN bao gồm cả PCTN trong khu vực tư; hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp sửa đổi toàn diện Luật PCTN.

Trên cơ sở các giải pháp phòng, chống tham nhũng tập trung rà soát, sửa đổi hoặc bổ sung các luật về quản lý đối với những lĩnh vực cơ nguy cơ tham nhũng cao như tài chính, ngân hàng, đất đai, tài nguyên khoáng sản. Tiếp tục công tác cải cách hành chính tập trung hiệu quả, trách nhiệm của cơ quan hành chính và cá thể hóa trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Tổ chức thực hiện

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN; tổ chức để vai trò, trách nhiệm của các tổ chức thành viên MTTQ, các tổ chức xã hội, cơ quan báo chí, truyền thông và công dân trong PCTN; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin và thực hiện trách nhiệm giải trình với nhân dân; chú trọng thực hiện các biện pháp bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng và có hình thức khen thưởng, biểu dương, động viên kịp thời, xứng đáng đối với người có thành tích trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng; xây dựng các chương trình đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu về phòng ngừa tham nhũng.

Phát huy tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, cụ thể bảo đảm việc tổ chức thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, trong đó cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu phải đi đầu, làm trước và phải thật sự gương mẫu trong tổ chức thực hiện.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới cơ chế và công nghệ quản lý phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và quy định của Hiến pháp mới. Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện pháp luật của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, giáo dục phẩm chất đạo đức, rèn luyện kỹ năng quản lý, cung cấp dịch vụ công, ý thức phục vụ nhân dân cho đội ngũ công chức, viên chức. Tăng cường kiểm soát việc thực thi công vụ. Xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vòi vĩnh, nhũng nhiễu, vụ lợi trong thực thi nhiệm vụ công vụ.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; tập trung xem xét, đánh giá vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, xác định rõ trách nhiệm để xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật về phòng ngừa tham nhũng./.

 

Nhất Anh (www.thanhtravietnam.vn)

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.086.357
Truy cập hiện tại 1.259 khách