Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế 8 tháng năm 2018 và một số nhiệm vụ trọng tâm các tháng tiếp theo
Ngày cập nhật 04/09/2018

I. TÌNH HÌNH KINH TẾ XÃ HỘI 8 THÁNG NĂM 2018

1. Tình hình sản xuất, kinh doanh

a) Lĩnh vực dịch vụ

Hoạt động du lịch: Trong 8 tháng năm 2018, tổng lượt khách đến tỉnh ước đạt hơn 3.193,3 nghìn lượt khách, tăng 9,2% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế hơn 1.318,0 nghìn lượt (trong khách quốc tế, khách đến bằng tàu biển hơn 109,4 nghìn lượt).

Hoạt động thương mại, giá cả: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn 8 tháng ước đạt 25.216,2 tỷ đồng, tăng 9,95% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tháng 8/2018 ước đạt 3.233,9 tỷ đồng, giảm 0,22% so với tháng trước và tăng 10,59% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng chung toàn tỉnh tháng 8/2018 tăng 0,21% so với tháng trước, tăng 1,7% so với tháng 12 năm trước và tăng 3,38% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân tăng chủ yếu do đây là tháng cuối vụ nên nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng, ngoài ra bước vào năm học mới nên một số mặt hàng phục vụ học tập tăng nhẹ. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tám tháng đầu năm 2018 tăng 3,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Hoạt động xuất nhập khẩu: Hoạt động xuất nhập khẩu: Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 600,42 triệu USD, tăng 13,79% và đạt 65,26% kế hoạch năm. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực gồm có: Nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 519,47 triệu USD, tăng 9,78%, chiếm tỷ trọng 86,52%; nhóm hàng nông, thuỷ sản ước đạt 45,72 triệu USD, tăng 20,37%, chiếm tỷ trọng 7,61%; nhóm các hàng hóa khác như hương và bột hương, bia, rượu sa kê, hàng thủ công mỹ nghệ, bao bì xi măng,… ước đạt 35,23 triệu USD, tăng 13,86%, chiếm tỷ trọng 5,87%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 8/2018 ước đạt 81,16 triệu USD, tăng 2,82% so với tháng trước, tăng 27,38% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 428,88 triệu USD, tăng 25,76%và đạt 75,91% kế hoạch năm.

Hoạt động tín dụng ngân hàngTổng nguồn vốn huy động đến cuối tháng 8/2018 ước đạt 41.750 tỷ đồng, tăng 7,9% so với đầu năm; tổng dư nợ tín dụng ước đạt 43.200 tỷ đồng, tăng 8,8%.  

Hoạt động vận tảiVận tải hành khách ước đạt 14.991,8 nghìn lượt khách, tăng 8,99%; vận tải hàng hóa ước đạt 7.193,6 nghìn tấn, tăng 9,93%; doanh thu vận tải, bốc xếp ước đạt 1.667,8 tỷ đồng, tăng 11,47%.

b) Lĩnh vực Công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2018 ước tăng 1,08% so tháng trước và tăng 9,7% so tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung tám tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,37% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,93%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,08%; cấp nước và thu gom rác thải tăng 2,26%; sản xuất, phân phối điện, nước đá bằng 75,98%  so cùng kỳ. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao so cùng kỳ do nhiều doanh nghiệp đã đẩy nhanh sản xuất các đơn hàng mới, nhất là các ngành chế biến thủy sản, bia, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng.

Một số sản phẩm có mức sản xuất trong 8 tháng đầu năm tăng khá: Bia chai 59,8 triệu lít, tăng 17,57%; bia đóng lon 86,3 triệu lít, tăng 17,78%; sợi các loại 50,6 nghìn tấn, tăng 8,51%; quần áo lót 217,8 triệu cái, tăng 8,42%; dăm gỗ 313 ngàn tấn, tăng 1,15%; tôm đông lạnh 4.110,6 tấn, tăng 34,53%; clanhke 1.871,6 nghìn tấn, tăng 5,52%; men frit 114,6 nghìn tấn, tăng 28,01%; điện thương phẩm 1.139,5 triệu kwh, tăng 15,2%; nước máy 32,6 triệu m3, tăng 2,02%... Ngành sản xuất bia tăng khá cao so với cùng kỳ nhờ làm tốt công tác thị trường trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận, đồng thời trong tháng 8 công ty đã đi vào vận hành sản xuất dây chuyền Nhà máy bia Carslberg di chuyển từ Hà Nội về Huế, góp phần tăng năng lực sản suất bia. Ngành chế biến thủy sản sản xuất tăng rất cao nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, đồng thời thị trường xuất khẩu rất thuận lợi và ổn định.

c) Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp

Trồng trọt: Diện tích lúa vụ Hè Thu năm 2018 ước đạt 25.545 ha, giảm 0,07%; đến cuối tháng 8/2018 đã thu hoạch khoảng 30% diện tích, năng suất dự kiến đạt 58,4 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với năm trước; sản lượng ước đạt 149.164 tấn, tăng 0,79%.

Chăn nuôi: Tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng so với cùng kỳ nhưng tốc độ tăng không cao. Công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và các sản phẩm động vật trên địa bàn được chú trọng nên không xảy ra dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Lâm nghiệp: Tổng sản lượng gỗ rừng trồng khai thác ước đạt 400.986 m3, tăng 5,38%; diện tích trồng rừng tập trung 8 tháng đạt 2.815 ha, tăng 10,96%. Tám tháng đầu năm đã xảy ra 294 vụ vi phạm lâm luật, giảm 46 vụ; xử lý 272 vụ, tịch thu 492 m3 gỗ tròn, thu nộp ngân sách 2.291 triệu đồng; xảy ra 9 vụ cháy rừng trồng, tăng 6 vụ, gây thiệt hại 3,7 ha, giảm 17,53 ha.

Thuỷ sản: Diện tích nuôi trồng 8 tháng ước đạt 7.257 ha, tăng 2,85%; sản lượng nuôi trồng ước đạt 10.644 tấn, tăng 7,92%.

Sản lượng khai ước đạt 27.670 tấn, tăng 5,45%, trong đó khai thác biển 25.075 tấn, tăng 6,11%, khai thác nội địa 2.595 tấn, giảm 0,54%. Tính chung sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác ước đạt 38.314 tấn, tăng 6,11%.

 2. Tình hình đầu tư và xây dựng

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn 8 tháng năm 2018 ước đạt 12.568,5 tỷ đồng, bằng 62,84% KH năm, tăng 6,06%.

3. Tình hình phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư

Đến 22/8/2018, số doanh nghiệp thành lập mới là 477, tăng 7%, trong đó chủ yếu là loại hình Công ty TNHH có quy mô vốn nhỏ. Số doanh nghiệp tạm ngưng là 217 doanh nghiệp, tăng 3%; giải thể là 56 doanh nghiệp, tăng 24%.

Đã thu hút 23 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng, trong đó có 17 dự án trong nước với tổng mức đầu tư 3.169,28 tỷ đồng và 06 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1.615 triệu.

Đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động của 12 dự án (9/24 dự án cần rà soát xem xét thu hồi và 3/29 dự án cần giám sát đặc biệt).

4. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Tổng thu ngân sách ước đạt 4.807 tỷ đồng, bằng 70,38% dự toán năm, tăng 8,49% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách ước đạt 5.538,7 tỷ đồng, bằng 55,5% dự toán.

5. Lĩnh vực văn hóa - xã hội

a) Văn hóa - thể thao: Chào mừng 73 năm Ngày Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 02/9, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động: Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các làng, thôn, tổ dân phố văn hóa thị xã Hương Trà lần thứ III; Giải vô địch cờ tướng trẻ toàn quốc năm 2018 với sự tham gia của gần 300 VĐV nam, nữ của 11 đoàn đến từ các tỉnh, thành trong cả nước;  “Ngày hội bóng đá vui” với sự tham gia của hơn 650 cầu thủ từ 33 CLB thuộc các Trung tâm Bảo trợ xã hội, các khu tái định cư, trẻ em các trường học trên địa bàn tỉnh; Giải vô địch thể hình các CLB tỉnh lần thứ nhất;...

b) Giáo dục và đào tạo: Năm học 2017-2018, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp do Bộ GD&ĐT đặt ra từ đầu năm học phù hợp với tình hình thực tế địa phương và đã đạt được một số kết quả trong các lĩnh vực và các cấp bậc học.

Kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp quốc gia năm 2018, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt 49 giải trong đó: 17 giải Nhì, 15 giải Ba và 17 giải Khuyến khích.

Ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 nghiêm túc, đúng quy chế.

Từ ngày 15-22/8/2018, tại các trường đại học thành viên, khoa, phân hiệu, Đại học Huế đón nhận gần 9.000 tân sinh viên trúng tuyển đợt 1 kỳ tuyển sinh đại học năm 2018 nhập học, đạt 73% chỉ tiêu tuyển sinh của Đại học Huế.

c) Y tế - chăm sóc sức khỏe: Đã tích cực thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh. Công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay được triển khai tích cực và thường xuyên.

d) Việc làm và an sinh xã hội: Trong tháng 8 đã giải quyết việc làm mới cho 7.185 lao động, nâng tổng số lao động được giải quyết việc làm từ đầu năm đến nay lên 10.798 lao động, đạt 67,48% kế hoạch nămTrong đó, đã xuất khẩu lao động 575 lao động (tại các thị trường chủ yếu là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan), vượt 15% kế hoạch năm.

Đã tuyển được 12.863 lao động học nghề, đạt 85,75% kế hoạch.

Nhân Kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ đã có 32.090 suất quà được trao tặng đến người có công và gia đình người có công với tổng kinh phí hơn 6,447 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức, doanh nghiệp cũng đã trao 660 suất quà với kinh phí 711,8 triệu đồng

đ) Khoa học công nghệ

Tổ chức “Diễn đàn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát động Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018”; Xúc tiến triển khai các thủ tục để thành lập Khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế; tổ chức Hội nghị chia s các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp, tuyên truyền, hướng dẫn viết hồ sơ tham gia cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018; …

Đã triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2018 và Kế hoạch kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

 6. Cải cách hành chính

Tiếp tục vận hành và hoạt động có hiệu quả Trung tâm Hành chính công tỉnh và cấp huyện. Đã công bố Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương (DDCI).

Đã khai trương Bộ phận TN&TKQ hiên đại cấp xã tại: xã Vinh Hiền, xã Phú Sơn (huyện Phú Lộc), phường Thủy Dương (Ttị xã Hương Thủy), phường Thuận Lộc (thành phố Huế).

7. Tình hình cháy, nổ và bảo vệ tài nguyên và môi trường, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 41 vụ cháy, giảm 6 vụ so cùng kỳ năm trước; làm bị thương 2 người; không có trường hợp tử vong; giá trị thiệt hại 213,3 triệu đồng.

Đã cấp 6 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đăng ký lần đầu với diện tích 1,44 ha cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; lũy kế đến nay, đã cấp được 8.909 giấy cho các tổ chức, cơ sở tôn giáo với diện tích 215.565 ha đạt 98,91% so với tổng diện tích cần cấp giấy. Cấp đổi 1.329 Giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân; lũy kế đến nay, đã cấp được 27.948 Giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân.

8. Công tác đối ngoại, an toàn giao thông, quốc phòng - an ninh:

Công tác đối ngoại: Đã đón tiếp và làm việc với 880 đoàn khách quốc tế/5.874 lượt người đến thăm, làm việc, tìm hiểu cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư – thương mại, tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế.

An toàn giao thông: Đã xảy ra 49 vụ tai nạn và va chạm giao thông đường bộ, tăng 8 vụ so với cùng kỳ năm trước; làm chết 11 người, giảm 2 người; bị thương 49 người, tăng 14 người. Tai nạn đường sắt và đường thủy không xảy không tăng giảm so cùng kỳ.

Quốc phòng - an ninh: công tác đảm bảo an ninh trật tự, Tình hình ANCT-TTATXH ổn định, quốc phòng – an ninh được giữ vững.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÁC THÁNG TIẾP THEO

Trong các tháng tiếp theo, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành đã đề ra từ đầu năm. Trong đó, tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm sau đây: 

1. Chỉ đạo ổn định và phát triển sản xuất, phấn đấu thực hiện đạt kế hoạch tăng trưởng kinh tế đã đặt ra trong năm 2018.

Tiếp tục duy trì mức sản xuất ổn định của các sản phẩm chủ lực đã có; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào hoạt động một số dự án tăng năng lực sản xuất; cụ thể: Nhà máy sản xuất gạch ốp lát granit của công ty Vitto Phú Lộc; Nhà máy điện mặt trời Phong Điền; các dự án thủy điện Alin B1, Alin B2, Alin Thượng Nhật; dự án dây chuyền nhà máy bia Carslberg (di dời từ Hà Nội vào); Dự án tăng công suất nhà máy sản xuất vỏ lon bia (tập đoàn Baostell); Sản xuất và gia công các loại sản phẩm gỗ của Công ty TNHH Lee&Park Wood Complex; Trung tâm thương mại khách sạn 05 sao Vincom-Vinpeal,…

2. Tiếp tục tổ chức triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 12/2/2018 về thực hiện kết luận của theo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế và với Đại học Huế tại Thông báo số 26/TB-VPCP ngày 17/01/2018 của Văn phòng Chính phủ. Trong đó tập trung triển khai công tác GPMB, sớm khởi công dự án nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài; hoàn chỉnh cơ chế đặc thù di dời, hỗ trợ tái định cư các hộ dân trong khu vực I di tích Huế và cơ chế chính sách cho Đại học Huế báo cáo các Bộ, ngành liên quan và Thủ tướng Chính phủ.

3. Đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách: Khai thác tốt các nguồn thu và huy động thu, đảm bảo hoàn thành dự toán năm 2018; thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP; nghiên cứu sắp xếp, giảm, giải thể một số đơn vị tổ chức sự nghiệp trên địa bàn. Rà soát, cơ cấu lại các khoản mục chi ngân sách; tập trung nguồn chi cho các mục tiêu đầu tư phát triển trọng yếu.

Tiếp tục triển khai xây dựng các đề án để góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của ngành thuế.

4. Tăng cường công tác quy hoạch, đô thị, quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản

Tổ chức lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030; quy hoạch xây dựng vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; xúc tiến lập quy hoạch chi tiết cục bộ khu vực tam giác đường Lê Lợi – Hà Nội – Hùng Vương. Rà soát tổng thể, lập phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ (bao gồm các cơ sở nhà đất đang sử dụng); trong đó nghiên cứu phương án cụ thể di dời, sắp xếp một số trụ sở các cơ quan dọc tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ phục vụ xây dựng các dự án kêu gọi đầu tư, phương án đấu giá một số khu đất tạo nguồn thu phục vụ xây dựng cơ sở Văn phòng làm việc cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh. 

Đẩy nhanh tiến độ dự án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương và dự án mạng lưới kết nối tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, thành phố Huế (dự án thí điểm do KOICA tài trợ), từng bước hình thành sản phẩm du lịch của năm là dự án tuyến phố đi bộ dọc sông Hương (đường Nguyễn Đình Chiểu) gắn với không gian bảo tàng dọc đường Lê Lợi. Tiếp tục nghiên cứu đầu tư các điểm giao thông tĩnh trên địa bàn thành phố Huế và vùng phụ cận.

Triển khai Kế hoạch số 110/KH-UBND của UBND tỉnh về việc thực hiện việc mở cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng – xanh – sạch, không rác thải. Hoàn thành Đề án "Đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao giá trị thương hiệu chợ Đông Ba, thành phố Huế", đẩy nhanh tiến độ dự án nâng cấp, cải tạo chợ Đông Ba.

Đôn đốc triển khai đúng tiến độ các dự án trọng điểm, như các dự án giao thông: Phú Mỹ - Thuận An, Chợ Mai - Tân Mỹ, Thủy Phù - Vinh Thanh, Phong Điền - Điền Lộc; đê chắn sóng Cảng Chân Mây; đường Đông đầm Lập An; hầm đường bộ Hải Vân giai đoạn II,... Dự án Khu chung cư Đống Đa; tiếp tục giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án ngoài ngân sách theo Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 14/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Tăng cường chỉ đạo công tác GPMB. Rà soát nguồn lực đầu tư, đề xuất phương án đầu tư GPMB đi trước một bước để tạo quỹ đất sạch cho các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách triển khai thuận lợi.

Nghiên cứu điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án từ hình thức BT sang hình thức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng dụng đất theo Nghị định số 30/2015/NĐ-CP và các hình thức phù hợp khác.

5. Thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ đi vào chiều sâu; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin. Triển khai tốt Chương trình “Mỗi năm một sản phẩm du lịch”; tập trung sản phẩm du lịch năm 2018. Triển khai các chương trình, hoạt động xúc tiến du lịch, trong đó chuẩn bị tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch Vùng Duyên hải miền Trung tại tỉnh.

Hoàn thành và triển khai thực hiện đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Phối hợp cùng Công viên Phần mềm Quang Trung xây dựng mô hình chuỗi tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

6. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và các thành phần kinh tế

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức các hoạt động phối hợp cùng Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam để xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng, triển khai Kế hoạch Xúc tiến thương mại và phát triển thị trường sản phẩm nông sản, đặc sản, thủ công mỹ nghệ năm 2018; xây dựng hệ thống thông tin về đất đai, công khai trên Trang Thông tin điện tử của ngành và Cổng Thông tin điện tử tỉnh,...

7. Phát triển công nghiệp, nông nghiệp và các lĩnh vực kinh tế khác

Phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề tập trung.

Rà soát, bổ sung một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông sản đạt tiêu chuẩn VietGap, nông sản hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng phát triển các sản phẩm chủ lực gắn liền với xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị. Xây dựng và phát triển chuỗi cửa hàng tiện ích tiêu thụ nông sản an toàn.

Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng. Tăng cường kiểm tra chất lượng các công trình hồ chứa, đập dâng, công trình phòng lũtăng khả năng tiêu, thoát lũ. Chủ động phòng chống thiên tai mưa bão. Tăng cường phòng chống dịch bệnh, giám sát dịch tễ, dịch bệnh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.

 8. Phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, khoa học công nghệ. Phối hợp thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của Đại học Huế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: xây dựng phương án cơ chế hoạt động đại học vùng là đơn vị dự toán cấp 1 tương tự như hai Đại học quốc gia, đề án tái cấu trúc ĐHH; thông qua các đề án mở ngành của các trường đại học thành viên và đơn vị trực thuộc.

Tập trung chấn chỉnh công tác tổ chức biểu diễn nghệ thuật, chấn chỉnh hoạt động ca Huế trên sông Hương; kiểm tra công tác tổ chức các lễ hội, tăng cường quản lý di tích; kiểm tra công tác cứu hộ và cứu đuối tại các khu vui chơi giải trí trên sông, hồ, bể bơi và các bãi tắm biển 

Chuẩn bị các điều kiện thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Huế; tiếp tục tu bổ, tôn tạo và bảo quản các di tích nằm ngoài Quần thể Di tích Cố đô Huế; hoàn thành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; tập trung hoàn thành dự án di chuyển Bảo tàng Lịch sử đến 268 Điện Biên Phủ; dự án nâng cấp, cải tạo rạp Gia Hội thành trụ sở làm việc Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng

Triển khai tốt các nội dung về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” nhất là việc đổi mới dạy và học, đổi mới kiểm tra, đánh giá. Tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh năm học 2018-2019 và kỳ thi THPT Quốc gia 2018. Tổ chức triển khai tốt Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 19/9/2016 của UBND tỉnh về xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Chuẩn bị các điều kiện để khai giảng năm học mới 2018-2019. Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đẩy mạnh phổ cập THCS mức độ 2 để đạt chuẩn chậm nhất cuối năm 2018.

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em. Tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Thừa Thiên Huế chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đến năm 2020 theo Kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 17/01/2018. Triển khai tốt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Tiếp tục xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

9. Đẩy mạnh cải cách hành chính. Tiếp tục vận hành hiệu quả Trung tâm Hành chính công tỉnh, cấp huyện và triển khai Đề án Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lậptập trung hoàn thành Đề án đổi mới mô hình hoạt động Trung tâm Festival Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

10. Làm tốt công tác quản lý tài nguyên và môi trường, thích nghi biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai.

11. Tăng cường công tác đối ngoại; giữ vững quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội./. 

(www.thuathienhue.gov.vn)

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 2.457 khách