Tìm kiếm tin tức
Gắn việc tiếp công dân thường xuyên tại nơi tiếp tập trung với việc giải quyết KNTC
Ngày cập nhật 07/11/2013

 (ThanhtraVietnam) – Trụ sở tiếp công dân hiện nay chỉ chuyển kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của dân đến cơ quan có thẩm quyền mà không thể đôn đốc thực hiện, vì vậy nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị các Trụ sở Tiếp công dân phải có trách nhiệm đến cùng với người dân trong việc xem xét, giải quyết  khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

 

Chiều ngày 28/10, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tiếp công dân, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật này.
 


Theo Báo cáo của UBTVQH thì tại kỳ họp thứ 5, có ý kiến đề nghị cần hoàn thiện quy định về Trụ sở tiếp công dân hiện nay, theo đó, các Trụ sở này phải chịu trách nhiệm đến cùng với người dân trong việc xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; có vai trò như văn phòng một cửa trong việc tiếp nhận, xử lý và trả lời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh này. Ý kiến này cũng đề nghị đổi tên Trụ sở tiếp công dân thành Ban tiếp công dân.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị không xác định Trụ sở tiếp công dân là một pháp nhân độc lập vì Trụ sở không phải là cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo. Hơn nữa, việc tiếp công dân tại các Trụ sở này làm nảy sinh tình trạng người khiếu kiện dồn về các Trụ sở tiếp công dân (nhất là ở cấp trung ương), tạo ra áp lực ngày càng lớn đối với chính quyền các cấp. 

Về vấn đề này, UBTVQH nhận thấy về mặt ý nghĩa Trụ sở chỉ là địa điểm để công dân có thể trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở trung ương hoặc lãnh đạo Đảng và chính quyền ở địa phương. Trụ sở tiếp công dân không phải là cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như tiếp thu, xử lý đối với các kiến nghị, phản ánh; không thể thay thế các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nhà nước khác trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Tuy vậy, việc tổ chức các Trụ sở tiếp công dân trong thời gian vừa qua đã bước đầu đặt cơ sở cho việc tạo đầu mối chung để điều phối hoạt động tiếp công dân ở từng cấp, tạo thuận lợi cho người dân trong việc không phải đến nhiều nơi để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Do đó, nhằm tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả tích cực của hình thức tiếp công dân tập trung, đồng thời bảo đảm gắn việc tiếp công dân thường xuyên tại nơi tiếp tập trung với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan có thẩm quyền, UBTVQH đề nghị vẫn quy định về hình thức tiếp công dân tại các Trụ sở tiếp công dân được tổ chức ở mỗi cấp. 

Bên cạnh đó, để hoạt động tiếp công dân tại các Trụ sở tiếp công dân hiệu quả hơn cần có một tổ chức chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, điều hành Trụ sở. Đây sẽ là cơ quan làm nhiệm vụ chủ trì, điều phối, phối hợp cùng các cơ quan hữu quan trong việc giúp các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương tổ chức và thực hiện tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân; tiếp nhận và chuyển đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết; theo dõi, đôn đốc cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, chỉ đạo của người có thẩm quyền trong quá trình tiếp công dân; trả lời cho người dân về quá trình xử lý cũng như kết quả giải quyết khi người dân có yêu cầu. Do đó, UBTVQH đã bổ sung vào dự thảo Luật quy định về các Ban tiếp công dân là các đơn vị độc lập để trực tiếp quản lý và hoạt động thường xuyên tại các Trụ sở tiếp công dân ở từng cấp (cụ thể là Ban tiếp công dân trung ương trực thuộc Thanh tra Chính phủ, Ban tiếp công dân ở tỉnh, huyện trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tương ứng). Việc tổ chức các Ban tiếp công dân sẽ tạo điều kiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác tiếp công dân, góp phần vào quá trình xây dựng và kiện toàn chính quyền gần dân, sát dân, vì nhân dân, tạo thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
 

Tiếp công dân là tiền đề cho quy trình giải quyết KNTC - Ảnh minh họa.


Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa làm rõ mối liên hệ giữa hoạt động tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa phân định rõ tính chất tiếp công dân của cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo với  hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức còn lại (như các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội...); chưa làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức trong công tác tiếp công dân. 

UBTVQH nhận thấy, hoạt động tiếp công dân cần được đặt trong mối liên hệ với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, là tiền đề cho quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; làm tốt công tác tiếp công dân sẽ là cơ sở để nâng cao hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do đó, hoạt động tiếp công dân phải là hoạt động thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; quy định về việc tiếp công dân cần đặt trong mối liên hệ chặt chẽ với các quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý để thể hiện rõ hơn quan điểm này. Theo đó, Dự thảo Luật đã khẳng định trách nhiệm tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó bổ sung và nhấn mạnh trách nhiệm tiếp công dân của các bộ, cơ quan ngang bộ, tổng cục và các tổ chức tương đương, cục, Uỷ ban nhân dân các cấp, cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; Dự thảo Luật đã dành một chương riêng quy định về việc tiếp công dân tại các cơ quan hành chính nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước; Đối với quy trình thực hiện việc tiếp công dân, dự thảo Luật đã quy định cụ thể các bước từ công bố thông tin, đón tiếp, phân loại, xử lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tiếp nhận qua hoạt động tiếp công dân, mối liên hệ phối hợp giữa bộ phận làm nhiệm vụ tiếp công dân với các cơ quan, bộ phận có trách nhiệm xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và trách nhiệm thông báo về kết quả xử lý cho người đã khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh biết tại Chương VI của dự thảo Luật.

Tuy nhiên, để tránh trùng lặp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật thì quy trình cụ thể để giải quyết từng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cũng như trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong từng công đoạn của quy trình này vẫn cần được thực hiện theo quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan và không cần thiết phải quy định lại trong Luật này./.

Quang Vững (www.thanhtravietnam.vn)


Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.044.566
Truy cập hiện tại 1.576 khách