Tìm kiếm tin tức
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước
Ngày cập nhật 28/04/2014

 Ngày 18/4, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại Hà Nội. Tham dự buổi làm việc có Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh, đại diện lãnh đạo một số cơ quan Trung ương, Quốc hội và Chính phủ.​

 IMG_331.JPG


 

Báo cáo kết quả công tác tiếp dân, công tác phối kết hợp trong tổ chức tiếp công dân tại Trụ sở năm 2013 và quý I/2014, Vụ trưởng Vụ Tiếp dân và Xử lý đơn thư (Vụ TD & XLĐT) Nguyễn Hồng Điệp cho biết, năm 2013, Trụ sở đã tiếp 25.406 lượt người (trong đó Trụ sở tại Hà Nội: 21.355 lượt, tại TP Hồ Chí Minh tiếp 4.051 lượt), đến trình bày 6.083 vụ việc. Có 717 lượt đoàn đông người (giảm 2% về số lượt người, giảm 1,2% về số đoàn đông so với cùng kỳ năm 2012, nhưng tại Trụ sở lại tăng cả về số lượng người, số đoàn đông người và số vụ việc). Quý I/2014, Trụ sở đã tiếp 5.180 lượt người (tăng 76,13% về số lượt người, tăng 23,36% về số đoàn đông và giảm 29,07% về số vụ việc so với cùng kỳ năm 2013). Vụ TD & XLĐT đã tiếp nhận 16.903 đơn, trong đó có 5.124 đơn đủ điều kiện xử lý (chiếm 30,96%).

Qua tiếp dân, giải quyết KN,TC, xuất hiện các vụ việc KN,TC đông người, phức tạp liên quan đến vấn đề tôn giáo, môi trường; các trường hợp KN,TC mang tính cực đoan, manh động, cố chấp, gây khó khăn cho việc tiếp, giải thích và hướng dẫn công dân.
 
Liên quan đến kết quả thực hiện theo Kế hoạch 1130, đến nay có 59/528 trường hợp công dân đã được kiểm tra, rà soát vẫn đang tiếp tục gửi đơn và đến Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước để tiếp khiếu.
 
Cũng theo ông Điệp, ngoài việc tiếp dân tại 2 Trụ sở chính, Trụ sở đã thành lập các tổ công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC và trực tiếp đối thoại với công dân tại 24 địa phương. Qua kiểm tra, đã đề nghị các địa phương thực hiện đúng quy định trong việc tổ chức, hoạt động, biên chế, chế độ chính sách đối với cán bộ thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân và xử lý đơn thư; đôn đốc việc giải quyết các vụ việc KN,TC kéo dài, phức tạp.
 
Tại buổi làm việc, các ý kiến phát biểu của các cơ quan Trung ương đã chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện kéo dài là do cơ chế chính sách vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế, thiếu tính ổn định, nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, pháp luật về KN,TC. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn xem nhẹ, né tránh trong việc tổ chức đối thoại với công dân; chưa thực hiện đúng các quy định trong công tác tiếp dân, giải quyết KNTC của công dân; thực hiện các quyết định giải quyết KN, quyết định xử lý TC đã có hiệu lực pháp luật chưa triệt để, chưa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật; trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ và thiếu khách quan, công tâm trong thực thi công vụ; nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm chưa thực hiện đúng các quy định; hướng dẫn, chuyển đơn của công dân đến không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết...
IMG_329.JPG

 
Phát biểu kết thúc chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và ghi nhận kết quả đạt được của đội ngũ cán bộ tiếp công dân tại Trụ sở trong công tác tiếp dân, phối kết hợp trong tổ chức tiếp công dân. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các cán bộ tiếp dân đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn để đạt được những kết quả nhất định góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự. Đặc biệt là trong thời gian diễn ra các sự kiện lớn, các kỳ họp Quốc hội. “Tiếp công dân là khâu quan trọng trong nhiều vấn đề liên quan đến người dân. Cán bộ tiếp dân cần có sự tận tụy, có phẩm chất chính trị, có năng lực, tôn trọng dân, biết chia sẻ, lắng nghe vấn đề của dân”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
 
Để chuẩn bị cho việc thi hành Luật Tiếp công dân (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014), Phó Thủ tướng yêu cầu, Thanh tra chính phủ (TTCP), các Bộ ngành, địa phương tổ chức quán triệt việc thực hiện Luật Tiếp công dân đến từng cán bộ. TTCP sớm hoàn thiện Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tiếp công dân, Nghị định quy định về thực hiện quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC) có hiệu lực pháp luật trình Chính phủ ban hành để thi hành khi Luật Tiếp công dân có hiệu lực. Bên cạnh đó, duy trì và tổ chức tốt công tác tiếp công dân thường xuyên theo quy định; kịp thời báo cáo, đề xuất với các cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa đổi và ban hành chính sách, pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn; tham mưu đề xuất về những giải pháp có tính cơ bản, lâu dài trong việc tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KN,TC; gắn việc tiếp dân với đôn đốc địa phương giải quyết KN,TC và phòng chống tham nhũng.
 
Phó Thủ tướng yêu cầu, trong tháng 4, TTCP chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng kết công tiếp công dân ở Trụ sở để rút ra các bài học kinh nghiệm trong thời gian tới; kiện toàn bộ máy tổ chức, bố trí cán bộ chuẩn bị để Ban Tiếp công dân Trung ương đi vào hoạt động khi Luật Tiếp dân có hiệu lực; thành lập đoàn kiểm tra một số tỉnh, thành, bộ ngành về việc tiếp công dân; đề xuất thông tư, cơ chế bổ sung về công tác tiếp công dân; trong quá trình giải quyết các vụ việc KN,TC hoặc tổ chức đối thoại với công dân, có thể mời luật sư cùng tham gia để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân; Thủ trưởng các cơ quan hành chính các cấp phải thực hiện nghiêm việc tiếp dân định kỳ; gắn giải quyết KN,TC tồn đọng, kéo dài với việc lãnh đạo tiếp dân ở cơ sở để giải quyết dứt điểm, tránh tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài; tổ chức rà soát lại các vụ việc khiếu kiện kéo dài, bức xúc mà công dân thường xuyên kéo đến các cơ quan Trung ương; kiểm tra, đôn đốc những địa phương có nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, bức xúc…Bộ Công an, TTCP nắm tình hình từ địa phương, chủ động giải quyết, tránh tình trạng công dân tụ tập đông người tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và có phương án giải quyết, bảo đảm an toàn trong thời gian diễn ra các sự kiện lớn và các kỳ họp Quốc hội.
 
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cán bộ tiếp dân phải trực tiếp đối thoại, ghi nhận và làm rõ những vấn đề nhân dân đặt ra. Đặc biệt là phải đôn đốc, kiểm tra, và có những đề xuất, kiến nghị nhằm điều chỉnh những chính sách còn bất cập. Và hơn ai hết là phải đặt mình vào vị trí người đi khiếu kiện để hiểu và gần dân hơn… 
                                                                                 (Theo Đăng Khoa- ww. thanhtra.gov.vn)
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.046.419
Truy cập hiện tại 304 khách