Tìm kiếm tin tức
Tiếp công dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị
Ngày cập nhật 29/10/2012

(ThanhtraVietnam) – Chiều 26/10, tại Trụ sở Thanh tra Chính phủ, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh, Tổ Biên tập Luật Tiếp công dân đã họp và thảo luận những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật.

 

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Kim, thời gian qua công tác tiếp công dân đã đạt được những kết quả nhất định, giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung những chính sách, pháp luật không còn phù hợp, góp phần hoàn thiện cơ chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tuy nhiên, việc tiếp công dân còn nhiều hạn chế, bất cập, thiếu thống nhất ở cấp Trung ương, địa phương, về tên gọi, mô hình tổ chức, cơ cấu thành phần tham gia tiếp công dân. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trụ sở tiếp công dân, người phụ trách Trụ sở tiếp công dân, cán bộ làm công tác tiếp công dân chưa được quy định đầy đủ và rõ ràng. Mối quan hệ giữa Trụ sở tiếp công dân với cơ quan quản lý nhà nước, với các cơ quan, tổ chức khác. Trong hoạt động tiếp công dân chưa được phân định rõ việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; chưa quy định rõ giữa việc tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan với của cán bộ; giữa tiếp công dân thường xuyên với tiếp công dân theo yêu cầu khẩn thiết khi có vụ việc phức tạp, nhiều người tham gia. Những tồn tại trên do nhiều nguyên nhân, song Phó Vụ trưởng cho rằng, nguyên nhân cơ bản là pháp luật Việt Nam hiện chưa hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động tiếp công dân.
 

Các ý kiến thống nhất cao việc Văn phòng tiếp công dân phải được đặt ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.


Để giải quyết những bất cập trên Dự thảo Luật Tiếp công dân được Tổ Biên tập xây dựng với 11 chương và 101 điều. Dự thảo quy định về việc tổ chức tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; quyền và nghĩa vụ của công dân tại Văn phòng tiếp công dân, quyền và nghĩa vụ của các cán bộ tiếp công dân trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng tiếp công dân; hoạt động tiếp công dân; quản lý công tác tiếp công dân; mối quan hệ phối hợp giữa Văn phòng tiếp công dân với các cơ quan nhà nước; điều kiện bảo đảm hoạt động của Văn phòng tiếp công dân.

Tại buổi họp thành viên Tổ Biên tập đã thống nhất cao việc Dự thảo quy định phạm vi điều chỉnh theo tinh thần việc tiếp công dân là của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trong Dự thảo chưa quy định cụ thể, trong đó không có quy định Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiếp công dân. Vì vậy, đại biểu Ban Dân nguyện của Quốc hội đề nghị bổ sung thêm những quy định về tiếp công dân trong Quốc hội, đại biểu Quốc hội, tòa án, viện kiếm sát bởi vì trong các cơ quan này còn có nhiều đặc thù.

Nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác tiếp công dân, Dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân; trách nhiệm tiếp công dân của Chủ tịch UBND các cấp; trách nhiệm tiếp công dân của Thủ trưởng các bộ, ngành Trung ương và các sở, ban ngành địa phương. Theo đó, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc tiếp công dân; trực tiêp tiếp công dân; bố trí đủ cán bộ chuyên trách tiếp công dân; tổ chức Văn phòng tiếp công dân tại địa điểm thuận tiện, khang trang, lịch sử để công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Để thuận tiện cho công dân cũng như các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Dự thảo Luật quy định cụ thể về hoạt động tiếp công dân, bao gồm: tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân công dân theo yêu cầu khẩn thiết, tiếp người khiếu nại, tố cáo, tiếp người kiến nghị, phản ánh. Đối với việc tiếp người khiếu nại, Dự thảo Luật quy định trình tự, thủ tục mà người tiếp công dân phải thực hiện trong các trường hợp như sau: vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền; vụ việc thuộc thẩm quyền; trường hợp người khiếu nại đề nghị người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức để khiếu nại. Đối với tiếp người tố cáo, Dự thảo cũng quy định trình tự thủ tục cụ thể, bao gồm: tiếp nhận đơn tố cáo hoặc hướng dẫn người tố cáo đến cơ quan tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết; chuyển đơn tố cáo đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền; thông báo ch người tố cáo biết về kết quả giải quyết tố cáo.

Điểm mà được các thành viên trong Tổ Biên tập thống nhất cao nữa là về địa điểm đặt Văn phòng tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước. Trước đây, Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước chỉ đặt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, để tạo điều kiện cho công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đa số đại biểu tại Buổi họp đều cho rằng  Dự thảo Luật nên có quy định về địa điểm đặt Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại 3 miền Bắc, Trung, Nam cụ thể là tại Thành phố là Hà Nội, Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, tuy Dự thảo đã có những quy định để định hình nhưng Dự thảo cần phải quy định rõ nhiệm vụ quyền hạn của Văn phòng tiếp công dân, quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu Văn phòng, đặc biệt là mối quan hệ của Văn phòng với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, mối quan hệ của Văn phòng với các cơ quan liên quan, mối quan hệ giữa các văn phòng tiếp công dân các cấp để chia sẻ thông tin.

Tổng kết buổi họp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ Đỗ Gia Thư cho rằng, về những quy định của Dự thảo Luật Tiếp công dân đã có nhiều điểm tích cực, có nhiều quy định của Dự thảo được thống nhất cao. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải sửa đổi vì vậy, trên cơ sở kết quả của Buổi họp, Tổ Biên tập sẽ khẩn trương tiếp thu ý kiến của các đại biểu, để chỉnh, sửa, hoàn chỉnh đảm bảo Dự thảo xây dựng phải chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ trình Chính phủ trong tháng 1 năm 2013./.

Quang Vững (www.thanhtravietnam.vn)

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.086.357
Truy cập hiện tại 711 khách