Tìm kiếm tin tức
Bàn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Tiếp công dân
Ngày cập nhật 17/10/2012

 (ThanhtraVietnam) - Đề án đổi mới công tác tiếp công dân của Chính phủ được ban hành kèm theo Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 14.6.2010 và Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11 tháng 11 năm 2011, có hiệu lực kể từ ngày 01.7.2012 là những văn bản pháp lý quan trọng thể hiện sự ghi nhận quyền khiếu nại, tố cáo của công dân và sự quan tâm đặt biệt của Nhà nước trong việc đổi mới công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính thuộc về người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Nhưng việc giải quyết khiếu nại, tố cáo lại do nhiều cơ quan thực hiện. Các cơ quan tham gia vào việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải có sự phối kết hợp chặt chẽ với nhau để cùng hoàn thành nhiệm vụ. Cho đến nay, chúng ta chưa có mô hình giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính chung và thống nhất. Tuỳ từng điạ phương, từng cấp hành chính và từng ngành lại có mô hình tổ chức giải quyết khiếu nại, tố cáo khác nhau, trong đó rõ nét nhất là mô hình tiếp công dân.

Trước khi có Đề án đổi mới công tác tiếp công dân của Chính phủ, ở cấp tỉnh tồn tại một số mô hình tiếp công dân khác nhau như: Văn phòng Tiếp công dân trực thuộc UBND tỉnh; Ban/Văn phòng/Phòng Tiếp công dân thuộc Văn phòng UBND tỉnh; Phòng Tiếp công dân thuộc Thanh tra tỉnh. Theo Đề án đổi mới công tác tiếp công dân của Chính phủ, mô hình tiếp công dân ở địa phương được tổ chức thống nhất như sau:

- Ở cấp tỉnh: Tổ chức tiếp công dân chung tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh, làm nhiệm vụ tiếp công dân cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND và Đoàn Đại biểu Quốc hội. Văn phòng UBND tỉnh thành lập Phòng Tiếp công dân để chủ trì, điều hòa, phối hợp việc tiếp công dân giữa các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh; quản lý, bảo đảm điều kiện vật chất cho hoạt động của Trụ sở. Trụ sở tiếp công dân tỉnh có con dấu riêng. Riêng thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào đặc điểm, tình hình của địa phương tổ chức mô hình tiếp công dân cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả công tác tiếp công dân.

Đối với Thanh tra tỉnh, Sở, ngành thuộc UBND cấp tỉnh tổ chức tiếp công dân tại Trụ sở cơ quan để tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền;

- Ở cấp huyện: Tổ chức tiếp công dân tại Văn phòng UBND huyện, làm nhiệm vụ tiếp công dân cho Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và UBND. UBND huyện cử 1 đến 2 cán bộ chuyên trách và một số cán bộ không chuyên trách làm nhiệm vụ tiếp công dân, được sử dụng con dấu của Văn phòng UBND huyện trong hoạt động tiếp công dân;

- Ở cấp xã: Tổ chức tiếp công dân tại Trụ sở UBND xã. UBND xã cử cán bộ chuyên môn kiêm nhiệm công tác tiếp công dân.

Việc chuyển phòng, bộ phận tiếp công dân từ trực thuộc Thanh tra sang trực thuộc Văn phòng UBND là một bước đổi mới. Ngoài việc tạo sự thống nhất trong phạm vi toàn quốc, mô hình tiếp công dân mới đã đảm bảo rút ngắn thời gian tiếp nhận và thụ lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giúp cho việc chỉ đạo của người đứng đầu được thực hiện một cánh hiệu quả; gắn tiếp công dân với chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Tiếp công dân một cách rạch ròi, thống nhất nên mỗi địa phương lại có những quy định khác nhau về tổ chức; cũng như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; trong việc phối kết hợp giữa hai bộ phận tiếp công dân và chuyên viên Nội chính.

Bộ phận tiếp công dân và chuyên viên Nội chính là hai mắt xích trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp công dân phụ trách công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn; đề xuất thụ lý đơn thuộc thẩm quyền; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết và thông báo kết quả (gọi chung là chức năng tiếp dân, xử lý đơn thư). Nội chính phụ trách việc tham mưu Chủ tịch UBND thụ lý đơn và giao cho Thủ trưởng cơ quan chuyên môn tiến hành xác minh, kết luận và đề xuất biện pháp giải quyết; kiểm tra, rà soát hồ sơ và đề xuất giải quyết của Thủ trưởng cơ quan chuyên môn để trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, Quyết định xử lý tố cáo; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành các văn bản khác liên quan đến khiếu nại, tố cáo và trả lời khiếu nại, tố cáo (gọi chung là chức năng giải quyết). Giữa hai bộ phận này có mối quan hệ mật thiết với nhau trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo. Một bộ phận phụ trách khâu đầu, một bộ phận phụ trách khâu cuối của quá trình giải quyết, hai bộ phận này cần có sự hỗ trợ và tương tác với nhau để cùng hoàn thành công việc.

Vấn đề đặt ra là việc xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Tiếp công dân như thế nào và việc giải quyết mối quan hệ giữa hai bộ phận nêu trên ra sao để đảm hiệu quả trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo là một vấn đề đặt ra cần phải được giải quyết.

Theo quan điểm của cá nhân, Phòng Tiếp công dân ngoài việc tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thì cần bổ sung thêm chức năng tham mưu cho Chủ tịch UBND thụ lý đơn, giao cho Thủ trưởng cơ quan chuyên môn xác minh, kết luận, đề xuất biện pháp giải quyết; rà soát hồ sơ giải quyết và trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tức là ngoài chức năng tiếp dân, xử lý đơn thư cần trao thêm cho Phòng tiếp công dân chức năng “giải quyết” của Nội chính. Điều này đồng nghĩa với việc Phòng tiếp công dân sẽ bao gồm chuyên viên làm công tác xử lý đơn thư và chuyên viên Nội chính Văn phòng UBND tỉnh. Phòng Tiếp công dân nên do một Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh phụ trách. Thực tế trước đây, ở một số địa phương đã có sự áp dụng tương tự, Phòng Tiếp công dân và bộ phận Nội chính được sáp nhập làm một, gọi là Phòng Tiếp dân-Nội chính.

Việc trao cho Phòng Tiếp công dân chức năng “giải quyết” cho phép khép kín và rút ngắn quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; tránh chồng chéo, trùng lắp, kéo dài; đảm bảo hiệu quả trong công tác xử lý, thụ lý đơn; nâng cao hiệu quả và hiệu lực trong công tác rà soát, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; giúp cho việc quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được chặt chẽ. Phụ trách Phòng Tiếp công dân do một Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh sẽ làm công các việc nêu trên, đặc biệt là công tác tham mưu, đề xuất với người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo được tiến hành một cách thuận lợi, nhanh chóng và kịp thời./.


Vũ Mai
Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh (www.thanhtravietnam.vn)

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.086.357
Truy cập hiện tại 906 khách