Tìm kiếm tin tức
Tổng Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với Thanh tra Chính phủ
Ngày cập nhật 18/03/2015

Ngày 16/3/2015, Tổng Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác cấp cao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đến thăm và làm việc với Thanh tra Chính phủ. Ủy viên Ban chấp hành TW Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, các đồng chí Phó Tổng TTCP cùng đại diện lãnh đạo các cục vụ đơn vị thuộc cơ quan Thanh tra Chính phủ trân trọng đón tiếp và làm việc với đoàn.​​​​​​​​​​

Báo cáo kết quả công tác của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra từ 2011-2014, phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 và nhiệm kỳ tới, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: Về công tác thanh tra, toàn ngành đã triển khai trên 34.500 cuộc thanh tra hành chính và gần 477.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, trong đó đã kiến nghị thu hồi gần 111.800 tỷ đồng và trên 18.700 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính gần 27.500 tỷ đồng; xử lý khác trên 56.000 tỷ đồng; đã kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 269 vụ. Trong đó, riêng Thanh tra Chính phủ ban hành 95 kết luận thanh tra, phát hiện vi phạm trên 71.600 tỷ đồng, 10.700 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 22.160 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm, xử lý tập thể, cá nhân vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 40 vụ việc.
IMG_3258.JPG
Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã giúp các cơ quan hành chính tiếp trên 1.568.000 lượt công dân; tiếp nhận gần 455.900 đơn khiếu nại, tố cáo; giải quyết gần 191.500 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 87%. Qua giải quyết đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho công dân 1.985 tỷ đồng, gần 900 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính gần 2.400 người; chuyển cơ quan điều tra 141 vụ. Kiểm tra, rà soát, giải quyết 501/528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Chỉ thị 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012, đạt tỷ lệ 94,9%; đồng thời tiếp tục kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng khác theo Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 của Thanh tra Chính phủ.
 
Về công tác phòng, chống tham nhũng, qua thanh tra đã phát hiện 412 vụ,634 người có dấu hiệu tham nhũng với trên 740 tỷ đồng, 10 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 23 tập thể, 587 cá nhân, xử lý trách nhiệm 98 người đứng đầu; chuyển cơ quan điều tra 153 vụ, 265 người. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong thời gian qua được các ngành, các cấp quan tâm tiếp tục thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng.
 
Cũng theo Tổng Thanh tra Chính phủ, tuy còn một số khó khăn vướng mắc nhưng kết quả thanh tra có chuyển biến tích cực, phát hiện, xử lý vi phạm nhiều hơn so với 4 năm đầu của nhiệm kỳ trước, chất lượng, hiệu quả và kết quả thanh tra ngày càng được nâng lên. Công tác giải quyết KNTC đã được ngành thanh tra triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và tạo được sự chuyển biến tích cực: nhận thức, trách nhiệm trong tiếp dân, giải quyết KNTC được nâng lên; phần lớn các vụ việc KNTC mới phát sinh đã được tập trung giải quyết; công tác đối thoại, hòa giải được coi trọng và ngày càng có hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính theo hướng giảm thời gian làm thủ tục; vai trò giám sát đối với công tác PCTN được tăng cường; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...
 IMG_3141.JPG
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh báo cáo kết quả công tác của ngành Thanh tra
 
Đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu rõ, Thanh tra Chính phủ đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW 4 (Khóa XI),  nhữnghạn chế, khuyết điểm, vi phạm đã được từng bước có biện pháp khắc phục, trong đó, đã ban hành, bổ sung các quy chế, quy định về công tác cán bộ; chấm dứt việc bổ nhiệm cấp phó quá số lượng; không bổ nhiệm lại hàm cấp vụ; thực hiện quy trình bổ nhiệm lại đối với tất cả cán bộ được bổ nhiệm trong thời gian cuối nhiệm kỳ 2006-2011; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sai phạm trong công tác cán bộ đã được chỉ ra qua kiểm điểm.
 
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung thanh tra công tác phòng chống buôn lậu; thuế xuất khẩu, nhập khẩu; quản lý mua sắm tài sản; quản lý sản xuất và nhập khẩu trang thiết bị y tế và công trình y tế; quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản; quản lý, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước tại một số doanh nghiệp và các chương trình mục tiêu; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu; thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và một số dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn ODA, nguồn vốn ngân sách nhà nước; thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, KNTC và PCTN. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng sẽ tập trung tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng; đề xuất những giải pháp đột phá bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật PCTN; Chiến lược Quốc gia về PCTN; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về công tác PCTN, lãng phí. Đặc biệt, năm 2015 Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung cao độ cho việc tiếp công dân, giải quyết KNTC phục vụ Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.
IMG_3190.JPG
IMG_3218.JPG
IMG_3221.JPG
Đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương phát biểu ý kiến đóng góp

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các cơ quan TW đánh giá cao kết quả công tác thanh tra, giải quyết KNTC, PCTN và xây dựng ngành của Thanh tra Chính phủ trong thời gian qua. Các đại biểu cũng đồng tình với những kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngành Thanh tra đã phối kết hợp  với các ngành tiến hành triển khai các cuộc thanh tra kịp thời, công tác tiếp công dân được triển khai, giải quyết được nhiều vụ việc khiếu nại tồn đọng kéo dài, công tác PCTN đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm cao. Các đại biểu cũng đề xuất, kiến nghị một số nội dung như: cần có những chủ trương và quyết sách lớn trong việc hoàn thiện thế chế, Luật PCTN, Luật Thanh tra; cần tập trung chỉ đạo công tác tiếp dân xử lý đơn thư, nâng cao tính độc lập và trách nhiệm cũng như quyền hạn của thanh tra viên. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng cần thiết phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về kê khai tài sản và kiểm soát kê khai tài sản; nâng cao quy chế phối kết hợp giữa Thanh tra Chính phủ với các cơ quan có liên quan và thường xuyên quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ, bố trí đúng người đúng việc và đặc biệt phải có chiến lược xây dựng cán bộ, tập trung lãnh đạo chỉ đạo cho kỳ đại hội sắp tới trọng tâm là công tác nhân sự và nội dung cho Đại hội.
IMG_3233.JPG
 Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà Thanh tra Chính phủ cũng như toàn ngành Thanh tra đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Thanh tra Chính phủ đã có nhiều tiến bộ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ nhất là trong vấn đề phòng ngừa răn đe những tiêu cực trong công tác PCTN. Đặc biệt, trong công tác xây dựng ngành, Tổng Thanh tra Chính phủ cùng toàn ngành Thanh tra đã thể hiện tinh thần bản lĩnh, tận tụy, khắc phục những hạn chế khuyết điểm từ các nhiệm kỳ trước. Trong phối hợp công tác, các đoàn công tác trực tiếp đến địa phương để đôn đốc thực hiện tại các kỳ thanh tra. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế khuyết điểm như việc thanh tra thu hồi tài sản, một số cuộc thanh tra chưa thực tế, chưa khả thi, còn hiện tượng lộ lọt thông tin bí mật công tác. Việc tiếp công dân đã có nhiều cố gắng nhưng hiệu quả vẫn còn thấp. Luật PCTN ban hành đã có hiệu lực nhưng việc thực thi chưa đồng bộ. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu người làm công tác thanh tra phải trong sáng, đúng mực, đúng pháp luật; tập trung làm tốt công tác thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm;  kết luận thanh tra phải khả thi, chính xác. Thanh tra Chính phủ phải tiếp tục đôn đốc thực hiện tốt Luật Tiếp công dân, chủ động nắm tình hình, kiến nghị Thanh tra Chính phủ kịp thời giải quyết dứt điểm … 
 
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao báo cáo của cơ quan Thanh tra Chính phủ, báo cáo đã nêu được nhiều nội dung quan trọng tập trung vào 04 lĩnh vực thanh tra, PCTN, giải quyết KNTC và xây dựng ngành. Công tác thanh tra là lĩnh vực đặc biệt quan trọng liên quan đến việc đấu tranh bảo vệ pháp luật của Nhà nước, lợi ích của Đảng, Nhân dân và vô cùng khó khăn phức tạp vì động chạm đến vấn đề con người, cơ chế chính sách... Ngành Thanh tra đã phát huy được những truyền thông tốt đẹp của 70 năm qua và có những bước tiến rõ rệt. Thứ nhất đã phát hiện xử lý nhiều vi phạm, làm việc có trọng tâm trọng điểm và hiệu quả hơn. Thứ hai trong công tác tiếp dân giải quyết KNTC đã có nhiều bước tiến bộ góp phần ổn định tình hình. Thứ ba là công tác PCTN cũng có những chuyển biến tích cực trong việc thực hiện thể chế, cơ chế, các giải pháp phòng ngừa, bước đầu tạo được niềm tin trong nhân dân. Thứ tư trong công tác xây dựng ngành được chú trọng đã từng bước khắc phục được những hạn chế tồn tại từ những nhiệm kỳ trước. Tổng Bí Thư chia sẻ  những khó khăn và biểu dương chúc mừng những thành tích mà ngành Thanh tra và Thanh tra Chính phủ đạt được trong thời gian qua.
IMG_3250.JPG
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo 
Đối với những tồn tại hạn chế, Tổng Bí thư cho nhấn mạnh đất nước đang đứng trên nhiều khó khăn thách thức về kinh tế chính trị, mặc dù ngành Thanh tra đã có rất nhiều cố gắng nhưng so với tình hình nhiệm vụ còn nhiều khó khăn thách thức đặt ra ngành Thanh tra cần nhận thức đầy đủ sâu sắc hơn nữa vai trò và nhiệm vụ của mình, phát huy ưu điểm khắc phục hạn chế.
 
Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, ngành Thanh tra và TTCP cần chủ động thanh tra theo kế hoạch, đồng thời thường xuyên nắm chắc tình hình để đề xuất những vụ việc thanh tra đột xuất. Bên cạnh đó, cần tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra nhiều vi phạm, tham nhũng và thường xuyên kịp thời đề xuất bổ sung, sửa đổi các chính sách, phát hiện kịp thời những vi phạm. PCTN là một lĩnh vực quan trọng nhưng vô cùng khó khăn phức tạp, ngành Thanh tra phải kiên trì, có giải pháp đồng bộ quyết liệt hơn nữa để có những chuyển biến rõ rệt hơn nữa; tích cực hướng dẫn đôn đốc triển khai các biện pháp phòng ngừa, thực hiện nghiêm các chế độ định mức tiêu chuẩn đối với các chính sách.
 
Tổng Bí thư yêu cầu ngành Thanh tra phải đẩy mạnh hơn nữa việc phát hiện tham nhũng, khi đã phát hiện có dấu hiệu tội phạm phải chuyển ngay cơ quan điều tra. Đồng thời, phải mở nhiều kênh thông tin hơn nữa để tiếp nhận các tin báo tố cáo tham nhũng, có biện pháp hiệu quả để thu hồi tài sản tham nhũng. Trong giải quyết KNTC, chú ý thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật, chú trọng giải quyết các vụ việc đông người phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Năm 2015-2016 dự báo sẽ có rất nhiều đơn thư khiếu nại, đòi hỏi sự tinh tường, tài giỏi của người cán bộ thanh tra để phát hiện những vụ việc nghiêm trọng. Trong công tác xây dựng nội bộ, lưu ý phải chú trọng giải quyết các vụ việc tồn đọng đã chỉ ra tại NQ TW 4 và tiếp tục thực hiện nghiêm NQ TW4. Củng cố tổ chức bộ máy, tăng cường đoàn kết thống nhất, kiên quyết làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, những người làm công tác thanh tra. Tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan và tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác PCTN. Đối với những kiến nghị, phải làm sao để hoàn thiện cơ chế chính sách, thể chế. Tổng Bí thư đồng ý cho nghiên cứu sửa đổi toàn diện luật thanh tra, luật PCTN. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hy vọng ngành Thanh tra sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới không chỉ nhận các huân chương cao quý của Nhà nước mà còn là huân chương trong lòng dân.
IMG_3118.JPG
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm với cán bộ chủ chốt Thanh tra Chính phủ 

 
Thay mặt lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh gửi lời trân trọng cảm ơn đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCH TW Đảng Cộng sản Việt Nam với những đóng góp to lớn và quan trọng đối với hoạt động của Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra trong những năm qua, tạo điều kiện thuận lợi cho Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, ý kiến của lãnh đạo các cơ quan Trung ương và sẽ cụ thể hóa thành chương trình kế hoạch công tác của Thanh tra Chính phủ và của ngành Thanh tra trong các năm tới.

 

(Hoàng Linh www. thanhtra.gov.vn)

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.041.500
Truy cập hiện tại 1.353 khách