Tìm kiếm tin tức
Khắc phục những bất cập, hạn chế của quy định hiện hành về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra
Ngày cập nhật 16/06/2010

Chiều 14/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường, cho ý kiến với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.

Trong buổi làm việc đã có 22 ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội phát biểu, đa số các ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh tra năm 2004 nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của quy định hiện hành về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra; địa vị pháp lý của thanh tra Chính phủ, sự không thống nhất trong tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành.
 
Thảo luận về hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành có những ý kiến khác nhau. Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 5 của dự thảo Luật, thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của cơ quan hành chính nhà nước.
 
Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra việc thực hiện pháp luật chuyên ngành, việc chấp hành những quy định về chuyên môn-kỹ thuật, quy tắc quản lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực.. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn địa vị pháp lý của Cơ quan thanh tra, bởi những sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo Luật chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa địa vị pháp lý và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra; chưa tương xứng với vị trí của một cơ quan ngang bộ có chức năng quản lý ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước... Các đại biểu cho rằng thanh tra chuyên ngành phải nằm trong bộ, ngành nào đó do thủ trưởng cơ quan đó điều hành; thanh tra Chính phủ phải có trách nhiệm và mối liên hệ với thanh tra chuyên ngành.
 
Nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ khái niệm về thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành vì nó có ý nghĩa quan trọng chi phối đến việc quy định cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng loại hình cơ quan thanh tra.
 
Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đánh giá quy định của dự thảo Luật chưa rõ ràng, chưa khắc phục được những bất cập trong quy định của Luật hiện hành. Vì vậy, trong lần sửa đổi này cần phải nghiên cứu để phân định sự khác biệt giữa hai loại hình thanh tra.
 
Qua thảo luận, nhiều đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) nêu khái niệm thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và tổ chức thành nhiều bậc thanh tra sẽ khó nâng cao hiệu quả thanh tra. Thực tế, thời gian vừa qua, Thanh tra Chính phủ và thanh tra khác đã cùng tổ chức nhiều cuộc thanh tra gây nên sự chồng chéo, lãng phí.
 
Theo quy định tại Điều 22 của dự thảo Luật thì ngoài Thanh tra bộ, Thanh tra sở như quy định của Luật thanh tra hiện hành thì hệ thống tổ chức cơ quan Thanh tra theo ngành, lĩnh vực còn bổ sung Thanh tra tổng cục, Thanh tra cục thuộc bộ, Thanh tra chi cục thuộc sở. Ủy ban pháp luật nhận thấy, Luật hiện hành với mục tiêu giảm đầu mối thanh tra nên đã quy định theo hướng, mỗi bộ, ngành, sở chỉ có một cơ quan thanh tra đồng thời thực hiện cả hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành đã tạo nên sự bất hợp lý. Hơn nữa, việc giao cho Thanh tra theo ngành, lĩnh vực nhiệm vụ thanh tra hành chính nội bộ mà không có sự phân định rõ phạm vi thẩm quyền với Thanh tra theo cấp hành chính đã làm nảy sinh chồng chéo, vướng mắc về thẩm quyền và đối tượng thanh tra. Điều này cũng dẫn đến tình trạng là có những nơi, những thời điểm mà cùng một đối tượng, nếu thanh tra theo ngành, lĩnh vực tiến hành thanh tra thì thanh tra hành chính không thể thanh tra mặc dù việc thanh tra đối tượng đó cũng thuộc trách nhiệm của họ; ngược lại, trong trường hợp cả hai cơ quan thanh tra đều cho rằng mình có thẩm quyền và tiến hành thanh tra thì thanh tra lại chồng lên thanh tra, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp. Đây là một bất hợp lý mà Luật hiện hành và dự thảo Luật thanh tra (sửa đổi) đều chưa giải quyết được. Bên cạnh đó, thực tiễn hoạt động của một số bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đối tượng quản lý rộng với nhiều chuyên ngành và chuyên môn sâu như thực phẩm, y tế, thuế, hải quan, hàng không, hàng hải…, cơ quan Thanh tra bộ khó có thể hoạt động hiệu quả nên đã xuất hiện mô hình Thanh tra tổng cục, Thanh tra cục, Thanh tra chi cục. Nhiều đại biểu cho rằng, Luật Thanh tra (sửa đổi) cần cân nhắc quy định trên để tránh sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, để nâng cao hiệu lực hiệu quả của cơ quan thanh tra.
 
Một nội dung được nhiều đại biểu thảo luận đó là có hay không quy định về Thanh tra nhân dân ở trong dự thảo Luật này. Nhiều ý kiến đồng tình với thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, cho rằng hoạt động của Thanh tra nhân dân hoàn toàn khác với Thanh tra nhà nước. Thanh tra nhân dân thực chất là tổ chức giám sát của nhân dân. Tuy nhiên, việc ban hành Luật Thanh tra mới thay thế Luật Thanh tra 2004, đồng thời lại tiếp tục duy trì quy định về Thanh tra nhân dân trong Luật 2004 là không phù hợp. Bởi khi Luật mới có hiệu lực và thay thế Luật Thanh tra 2004, thì không thể giữ lại chương quy định về Thanh tra nhân dân của Luật Thanh tra năm 2004.
 
Có ý kiến đề nghị vẫn giữ chương về thanh tra nhân dân trong Luật Thanh tra để bảo đảm ổn định tổ chức và hoạt động của Thanh tra nhân dân, phương thức quan trọng bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, đại biểu Đặng Huyền Thái (đoàn Hà Nội) đề nghị Quốc hội cẩn trọng xem xét vấn đề này theo 2 cách: Thứ nhất, vẫn đưa thanh tra nhân dân vào trong Luật thanh tra (sửa đổi) lần này để thanh tra nhân dân có cơ sở pháp lý hoạt động. Bên cạnh đó, Chính phủ và MTTQ Việt Nam cần sơ kết thực hiện đánh giá hiệu quả thanh tra nhân dân. Thứ hai, nếu không đưa vào Luật sửa đổi lần này thì cần chuẩn bị một Luật riêng hoặc văn bản dưới Luật về thanh tra nhân dân.
 
Tham gia đóng góp vào dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này, nhiều đại biểu mong muốn có một cơ quan thanh tra độc lập, chỉ chịu sự giàng buộc, chỉ đạo của Đảng, như vậy việc làm trong sạch trong quản lý kinh tế, xã hội của chúng ta sẽ được cải thiện hơn nhiều.
 
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hoá) cho rằng, sau 5 năm thực hiện Luật Thanh tra đến nay, chúng ta đã có 21 cơ quan Tổng cục và các cục thành lập thanh tra. Điều này đòi hỏi những yêu cầu của thực tiễn. Dự thảo Luật lần này chưa làm rõ thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần giao thanh tra chuyên ngành cho cơ quan thực hiện quản lý chức năng về ngành và lĩnh vực đó; Chính phủ quy định một số Tổng cục, cục mà cần thiết phải có thanh tra chuyên ngành. Làm được như vậy sẽ hạn chế được sự tăng biên chế và tăng kinh phí hoạt động. Cơ quan chuyên ngành sẽ giúp chúng ta kiểm tra và xử lý vi phạm.
 
Trong phiên làm việc chiều nay các đại biểu cũng thảo luận nhiều vấn đề quan trọng khác của Luật Thanh tra (sửa đổi) như: cần làm rõ mối quan hệ giữa việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành, tránh gây nên sự chồng chéo, không hiệu quả. Trong Luật Thanh tra sửa đổi có quá nhiều bậc thanh tra, như thế sẽ gây ra sự chồng chéo. Các đại biểu cũng nêu ý kiến cần cân nhắc quy định Tổng Thanh tra Nhà nước phải là thành viên Chính phủ, vì như vậy việc thanh tra các cơ quan Chính phủ sẽ không khách quan.
 
Ngày mai 15/6, theo chương trình làm việc, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật viên chức.
 
Nguồn dangcongsan.vn
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.086.357
Truy cập hiện tại 69 khách