Tìm kiếm tin tức
Cần nâng cao vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra
Ngày cập nhật 23/10/2010

Vấn đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước liên quan chặt chẽ đến việc củng cố kỷ cương, kỷ luật của nền hành chính nhà nước. Trong sứ mạng đó, Thanh tra các cấp giữ một vai trò đặc biệt quan trọng, do đó, theo chúng tôi, mục đích của thanh tra hành chính hay thanh tra chuyên ngành vẫn là phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, Luật Thanh tra sửa đổi tới đây cần quy định rõ thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua công tác thanh tra.

Cần quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra; chẳng hạn như thanh tra kiến nghị kỷ luật đối tượng vi phạm pháp luật thì đồng thời thủ trưởng cơ quan đó trong một thời hạn nhất định phải trả lời bằng văn bản về việc xử lý kỷ luật đối với công chức đã có hành vi vi phạm pháp luật. Mặt khác, như chúng ta đã biết, điểm h khoản 1 Điều 42 Luật Thanh tra hiện hành quy định người ra quyết định thanh tra quyết định xử lý theo thẩm quyền, nhưng Luật Thanh tra chưa quy định cụ thể về thẩm quyền xử lý của người ban hành quyết định thanh tra. Do vậy, theo chúng tôi, để nâng cao vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra, Luật Thanh tra sửa đổi cần quy định cụ thể về vấn đề này.

 

Về vị trí của các cơ quan thanh tra, theo chúng tôi, trong điều kiện hiện nay, cơ quan thanh tra vẫn thuộc cơ quan hành pháp. Tuy nhiên, không nên coi cơ quan thanh tra thuần tuý như cơ quan chuyên môn khác của Chính phủ hoặc của Uỷ ban nhân dân vì mặc dù nằm trong cơ quan hành pháp và là một bộ phận của cơ quan hành pháp nhưng cơ quan thanh tra có chức năng, nhiệm vụ đặc biệt hơn, đây là cơ quan có tính chất giám sát hành chính, cơ quan phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật, phát hiện sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp khắc phục, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. Chính vì tính chất đặc biệt này, cơ quan thanh tra cần được đảm bảo tính chủ động và tính độc lập tương đối. Trên cơ sở đó chúng tôi nhận thấy cần sửa quy định bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Thanh tra các cấp theo hướng: Tổng Thanh tra bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra tỉnh theo đề nghị của Bộ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; Chánh Thanh tra tỉnh bổ nhiệm, cách chức Chánh Thanh tra sở và Chánh thanh tra huyện, không nên duy trì việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chánh Thanh tra các cấp như hiện nay vì quy định hiện hành chỉ mang tính hình thức và thiếu tính khả thi. Mặt khác, chỉ có quy định Tổng Thanh tra bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Chánh Thanh tra bộ, Chánh thanh tra cấp tỉnh thì mới đảm bảo tính chủ động, tính độc lập tương đối của Thanh tra các cấp và đảm bảo sự chỉ đạo của Tổng Thanh tra đối với các cơ quan thanh tra. Quy định hiện nay đã khiến cơ quan thanh tra phụ thuộc quá lớn vào thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, ảnh hưởng lớn đến sự chỉ đạo của Tổng Thanh tra đối với Thanh tra tỉnh và Thanh tra bộ.

Để tăng tính chủ động, tính tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của các cơ quan thanh tra cần bổ sung trách nhiệm và quyền hạn sau cho các cơ quan thanh tra:

- Yêu cầu báo cáo, cung cấp thông tin phục vụ quản lý nhà nước;

- Chủ động ra quyết định thanh tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật;

- Xác định quyết định, kết luận thanh tra có giá trị thi hành; người ra kết luận thanh tra chịu trách nhiệm về việc kết luận của mình;

- Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra.

Việc bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn như trên vừa phù hợp với thực tiễn của công tác thanh tra, vừa phù hợp với Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 "Nghiên cứu sửa đổi pháp luật về thanh tra theo hướng làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra nhà nước, phân định rõ thanh tra theo cấp hành chính và thanh tra theo ngành, lĩnh vực; tăng cường tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra".

Ngoài ra, theo chúng tôi, cần quy định Trưởng đoàn thanh tra được ban hành kết luận thanh tra, vì Trưởng đoàn thanh tra là người lãnh đạo đoàn và trực tiếp tiến hành cuộc thanh tra, do đó, hơn ai hết, Trưởng đoàn thanh tra là người hiểu rõ nội dung vụ việc và thấy cần kết luận như thế nào trên cơ sở quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó Điều 43 Luật Thanh tra quy định trách nhiệm ban hành kết luận thanh tra do người ban hành quyết định thanh tra, theo chúng tôi, là chưa hợp lý vì đây không phải là người trực tiếp tiến hành cuộc thanh tra. Mặt khác, trong một số trường hợp có thể Trưởng đoàn thanh tra lại không nhất trí với kết luận của người ra quyết định thanh tra và trong trường hợp này, ai sẽ là người chịu trách nhiệm về kết luận thanh tra, vì thế, cần quy định Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm kết luận thanh tra để đảm bảo tính kịp thời và tính tự chịu trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra.

Tóm lại, theo chúng tôi, để nâng cao vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra các cấp, Luật Thanh tra cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường tính chủ động, tính độc lập tương đối của cơ quan thanh tra, để đảm bảo đúng nguyên tắc song trùng trực thuộc, bổ sung thêm quy định về việc kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kết luận thanh tra, bổ sung trách nhiệm ràng buộc của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện kiến nghị, yêu cầu của cơ quan thanh tra. Thanh tra Chính phủ vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, vừa là cơ quan thực hiện thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.

Trương Khánh Hoàn
Vụ Pháp luật HC-HS, Bộ Tư pháp
(Nguồn thanhtravietnam.vn)
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 735 khách