Tìm kiếm tin tức
Ngành Thanh tra tổng kết công tác năm 2010, triển khai nhiệm vụ năm 2011: Đạt kết quả quan trọng trên các mặt công tác
Ngày cập nhật 11/01/2011
 
 
Hôm qua (5/1), tại Hội trường Bộ Tư lệnh Quân khu 7 (TP Hồ Chí Minh), Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2010 và triển khai nhiệm vụ năm 2011 của ngành Thanh tra.
Đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Tới dự có đồng chí Trần Văn Truyền, Uỷ viên T.Ư Đảng, Tổng Thanh tra; các đồng chí Phó Tổng Thanh tra: Mai Quốc Bình, Nguyễn Văn Sản, Trần Đức Lượng, Nguyễn Đức Hạnh, Lê Thị Thủy; Đoàn Đại biểu Thanh tra Vương quốc Campuchia; đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu 7; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư, chủ tịch UBND các tỉnh, TP khu vực phía Nam và chánh thanh tra các bộ, ngành, địa phương.

Sau lời phát biểu khai mạc hội nghị của Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền, Phó Tổng Thanh tra Thường trực Mai Quốc Bình đã trình bày báo cáo tổng kết năm 2010 và phương hướng nhiệm vụ năm 2011.

 

Giải quyết nhiều vụ KN,TC tồn đọng, phức tạp
 
Trong năm qua, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 102.845 cuộc thanh tra, kiểm tra; phát hiện thiếu sót, vi phạm về kinh tế 7.815 tỷ đồng, 27.862ha đất các loại, kiến nghị thu hồi về ngân sách 3.567,1 tỷ đồng, 21.693ha đất. Toàn ngành đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 908,5 tỷ đồng, xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý 4.246 tỷ đồng, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 830 tập thể, 2.849 cá nhân, xử phạt vi phạm hành chính 112.074 tổ chức, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý 62 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Tiếp tục thực hiện Thông báo Kết luận số 130/TB-TW ngày 10/1/2008 của Bộ Chính trị, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra chủ động thực hiện tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN,TC); tập trung xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát các vụ việc KN,TC tồn đọng, kéo dài; xử lý các tình huống KN,TC đông người, phức tạp.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2010, các cơ quan Nhà nước đã tiếp 375.001 lượt công dân đến KN,TC với 3.214 đoàn đông người, tiếp nhận và xử lý 170.704 đơn thư KN,TC. Tính đến nay, các cấp các ngành đã giải quyết được 70.040/81.105 vụ việc KN,TC thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 86,48%. Toàn ngành đã kiểm tra, rà soát, xác định số vụ việc KN,TC còn tồn đọng, bức xúc, kéo dài, trong đó có 1.692 vụ cần phải kiểm tra, xem xét lại, xây dựng kế hoạch và giải quyết được 1.037 vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài.

Qua công tác giải quyết KN,TC, các cấp, các ngành đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 70,193 tỷ đồng, 104,1ha đất , trả lại cho tập thể và công dân 58,732 tỷ đồng, 255,3ha đất, kiến nghị xử lý hành chính 506 người, chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự 23 vụ việc, 54 người.

 
 Quang cảnh hội nghị

Thực hiện toàn diện, đồng bộ giải  pháp về PCTN
 
Trong năm 2010, Thanh tra Chính phủ, thanh tra các cấp, các ngành tập trung đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan thực hiện các giải pháp về phòng, chống tham nhũng (PCTN) một cách toàn diện, đồng bộ. Trong đó, chú trọng một số địa bàn, lĩnh vực, đối tượng có nhiều khả năng tham nhũng, tăng cường các giải pháp trực tiếp ngăn chặn thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, xử lý tham nhũng, tập trung tham mưu giúp Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư và UBND các cấp trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, hoàn thiện thể chế về PCTN. Thanh tra Chính phủ đẩy mạnh hoạt động hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp PCTN. Đến nay, đã có 32 bộ, ngành, cơ quan T.Ư và 24 địa phương báo cáo hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2009. Các bộ, ngành, địa phương còn lại đều đạt tỷ lệ bình quân kê khai lần đầu đạt 97%, kê khai bổ sung đạt 96%. Năm 2010, có 20 cán bộ, công chức ở các địa phương, đơn vị, nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị với tổng giá trị 123 triệu đồng.

Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 2.268 văn bản, sửa đổi, bổ sung 1.825 văn bản, hủy bỏ 627 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn không còn phù hợp. Tiến hành rà soát 4.018 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 63 vụ việc, 61 cán bộ vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn. Thực hiện Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, các cấp, các ngành đã thống kê, rà soát trên 9.000 văn bản quy định về chế độ, chính sách, trên 5.500 thủ tục hành chính và trên 100.000 biểu mẫu thống kê thủ tục hành chính. Theo tính toán các phương án đơn giản hóa 258 thủ tục hành chính, sẽ tiết kiệm được cho người dân và doanh nghiệp khoảng 5.700 tỷ đồng/năm.

Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường thanh tra, phát hiện các hành vi tham nhũng để xử lý kịp thời. Nhờ đó, trong năm 2010, ngành Thanh tra phát hiện 133 vụ, 193 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tài sản là 633,7 tỷ đồng, đã thu 122,2 tỷ đồng, ngành kiến nghị xử lý hành chính 53 các nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 21 vụ 30 người, xử lý trách nhiệm 13 người đứng đầu.

Nhìn chung, năm 2010, công tác thanh tra đã có những chuyển biến lớn và có bước phát triển quan trọng cả về chất và lượng, đã chú trọng việc xây dựng chương trình, kế hoạch và xác định nội dụng thanh tra trọng tâm, trọng điểm  với tinh thần làm ít  hơn nhưng hiệu quả lớn hơn. Ngành đã chuyển từ thanh tra vụ việc cụ thể sang thanh tra có chương trình mục tiêu, thanh tra theo chuyên đề, chuyên ngành. Kết quả thanh tra góp phần chấn chỉnh quản lý Nhà nước và hoàn thiện thể chế trên nhiều lĩnh vực. Công tác giải quyết KN,TC cũng có chuyển biến mạnh, trách nhiệm của các ngành, các cấp được nâng lên, gắn công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết KN,TC và PCTN, nhất là những vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài, góp phần ổn định chính trị - xã hội.

 
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ trao cờ thi đua cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong năm 2010

Tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong công tác thanh tra
 
Năm 2011 là năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội  10 năm 2011 - 2020, vì vậy, việc nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước nói chung và công tác thanh tra là rất cần thiết. Phát huy những thành tích đạt được trong năm 2010 và 5 năm qua, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đề ra mục tiêu năm 2011 và 5 năm tới là:

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, tập trung thanh tra trách nhiệm việc chấp hành chính sách, pháp luật của các cơ quan hành chính Nhà nước, gắn với thanh tra các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, thanh tra các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty Nhà nước, lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội.

Giải quyết các vụ việc KN,TC từ cơ sở, tăng cường phối hợp thanh tra các cấp để giải quyết các vụ việc KN,TC phức tạp, giải quyết cơ bản các vụ KN,TC tồn đọng, kéo dài; đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về KN,TC.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp về PCTN để đạt được mục tiêu ngăn ngừa, đẩy lùi tham nhũng, trong đó coi trọng việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường thanh tra, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Chiến lược Quốc gia về PCTN, tăng cường thanh tra trách nhiệm về PCTN.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan họat động của ngành Thanh tra, nhất là pháp luật về KN,TC, PCTN và các quy trình nghiệp vụ; tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy theo cơ chế mới, nâng cao chất lượng đội ngũ thanh tra, nâng cao năng lực, kỹ năng trong công tác thanh tra. Phát động phong trào thi đua rộng rãi trong toàn ngành để tổ chức, cá nhân phấn đấu hoàn thành xuất     sắc nhiệm vụ năm 2011 và nhiệm kỳ 2011 - 2015.

Tại hội nghị, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã trao cờ thi đua cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong công tác năm 2010.
 

Xây dựng cán bộ tận tụy, gương mẫu

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đánh giá cao những kết quả của ngành Thanh tra; cho rằng việc đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành của ngành đã đáp ứng được yêu cầu vừa tập trung xử lý được những vấn đề trước mắt, vừa giải quyết được những vấn đề cơ bản, lâu dài của ngành Thanh tra.

Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian tới, ngành cần nắm vững nguyên tắc hoạt động thanh tra phải luôn mang tính chủ động, tập trung bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, những mục tiêu chủ yếu, những chương trình lớn… qua đó xác định các nội dung trọng tâm, trọng điểm để đề xuất kế hoạch thanh tra cho phù hợp.

Bên cạnh đó, làm tốt hơn nữa nữa vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về PCTN; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tổ chức các hoạt động thanh tra, đặc biệt tập trung vào một số địa bàn, lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực để kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nhấn mạnh, hơn bất cứ ngành nào, ngành Thanh tra cần phải xây dựng được đội ngũ cán bộ trung thành, tận tụy, gương mẫu, liêm khiết; xây dựng tổ chức thanh tra tinh gọn, nhưng hoạt động hiệu quả; tăng cường phối hợp trong hệ thống thanh tra và các cơ quan chức năng liên quan; chú ý bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, rèn luyện kỹ năng tổ chức, quản lý, đào tạo cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
 

Nguồn thanhtra.com.vn

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 1.780 khách