Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Muốn tiêu diệt tham nhũng cần cải cách các thiết chế chống tham nhũng
Ngày cập nhật 01/07/2015

(ThanhtraVietnam) - Đó là khẳng định của TS. Đào Lệ Thu, Đại học Luật Hà Nội tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện Chương II của Công ước Liên hiệp quốc về Chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ tổ chức tại Quảng Ninh ngày 30/6.

TS. Đào Lệ Thu, Đại học Luật Hà Nội: Mô hình cơ quan chống tham nhũng lí tưởng là cần có một khung pháp lí toàn diện và vững chắc.

Có thể thấy sự ra đời của các cơ quan hoặc đơn vị có chức năng chuyên biệt về chống tham nhũng đều gắn với bối cảnh tham nhũng nghiêm trọng của quốc gia, dù mỗi quốc gia có thể khác nhau về chế độ chính trị, về hình thức cấu trúc nhà nước hoặc về loại hình tham nhũng. Nếu lý do của sự ra đời chỉ là đáp ứng yêu cầu về mặt hình thức của việc thực hiện những cam kết nào đó hoặc để yên lòng công chúng trong một thời điểm nào đó thì cơ quan chống tham nhũng có nguy cơ “chết yểu” hoặc chỉ có ý nghĩa trang trí. Sự thành công và thất bại của các cơ quan chống tham nhũng tại nhiều quốc gia là minh chứng rõ nhất cho nhận định này.

 

TS. Đào Lệ Thu, Đại học Luật Hà Nội

 

Quan trọng hơn là cơ quan phòng, chống tham nhũng phải khẳng định được vai trò của mình qua các hoạt động cụ thể như thực hiện các chiến dịch truyền thông, giáo dục ý thức PCTN và đặc biệt có những kết quả cụ thể trong việc giải quyết các vụ án tham nhũng. Nếu thực sự chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục thì sẽ vừa nâng cao ý thức đấu tranh chống tham nhũng của công chúng, vừa nhận được sự ủng hộ của họ đối với các cơ quan chống tham nhũng nói riêng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng nói chung.

Muốn tiêu diệt tham nhũng cần cải cách các thiết chế chống tham nhũng, bởi “Tham nhũng được coi là một thất bại của các thiết chế, cụ thể là các thiết chế về điều tra, truy tố và thực thi pháp luật”. Một mô hình cơ quan chống tham nhũng có thể coi là lí tưởng đối với các nước đang phát triển cần có một khung pháp lí toàn diện và vững chắc: tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động, đặc biệt là tạo vị trí, cơ chế làm việc, cơ chế phối hợp, tài chính, nhân lực cho cơ quan này. Những đặc điểm về cơ cấu của hệ thống cơ quan chống tham nhũng cũng như những yêu cầu về xác định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cơ quan sẽ là những định hướng quan trọng cho việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật PCTN và những văn bản pháp luật có liên quan khác trong thời gian sắp tới.

PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồngTổ chức xã hội (TCXH) trong PCTN: Không gian hoạt động mở rộng nhưng còn bất cập

Trong quá trình phát triển của Việt Nam, các TCXH đóng vai trò rất quan trọng trong việc đại diện cho các nhu cầu của cộng đồng, nhằm góp phần xây dựng và thực thi hiệu quả chính sách của nhà nước. Tuy nhiên, những bất cập trong chính sách, cũng như những yếu kém trong năng lực và kĩ năng vận động, số lượng và chất lượng của các TCXH tham gia vào quá trình vận động phát triển chính sách đang là những rào cản để các TCXH thực hiện thành công các vai trò này. Ngoài ra, khuôn khổ khung pháp lý hiện hành về nhận thức và khích lệ vai trò của các TCXH cũng còn nhiều bất cấp đối với TCXH trong quá trình đóng góp cho phát triển.

 

PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng

 

Không gian cho “tham gia quản trị” ngày càng được mở rộng trong môi trường đổi mới. Các TCXH hướng đến vai trò là trung gian giữa người dân và nhà nước, mà không còn chỉ là một định chế “thay mặt nhà nước” để “vận động quần chúng”. Đây là một yêu cầu mới của nền quản trị hiện đại, trong đó rất coi trọng sự tham gia của người dân, đồng thời vai trò của nhà nước cần hoàn thiện trong quá trình điều chỉnh cơ cấu với những thách thức toàn cầu.

Về lâu dài, để chữa được “căn bệnh phổ biến” của tham nhũng, những biện pháp chế tài mạnh là cần, nhưng chưa đủ, mà phải tạo lập được “một xã hội không tham nhũng”, nghĩa là phải xây dựng được một nền quản trị quốc gia hiện đại, với những phẩm chất cơ bản là: Công khai – minh bạch; trách nhiệm giải trình; và coi trọng sự tham gia giám sát của các TCXH và người dân.

Ths Nguyễn Minh Tâm, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội: Không có gì là bất thường hay sai trái khi xảy ra xung đột lợi ích. Quan trọng là nhận diện và xử lý nó thế nào?

Xung đột lợi ích là một vấn đề cần được nghiên cứu một cách toàn diện, cả về lý luận và thực tiễn. Việc phòng ngừa và giải quyết xung đột lợi ích đòi hỏi những cải cách mạnh mẽ và toàn diện về thể chế, chính sách, pháp luật, trên cơ sở kết hợp hài hòa các lợi ích, trong đó bao gồm lợi ích của quốc gia, cộng đồng và lợi ích của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

 

Ths Nguyễn Minh Tâm, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Gắn liền với tham nhũng, xử lý xung đột lợi ích ngày càng trở nên phức tạp, là thách thức lớn trong công tác quản lý nhà nước ở mọi quốc gia trên thế giới. Xung đột lợi ích là hệ quả không thể tránh khỏi trong hoạt động của bộ máy nhà nước ở mọi quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Mức độ và hiệu quả ngăn ngừa, quản lý xung đột lợi ích hiện hữu, đặt các xung đột lợi ích hiển nhiên và tiềm ẩn trong tầm kiểm soát sẽ góp phần giảm thiểu tham nhũng, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước, đảm bảo tính cạnh tranh của thị trường, phân bổ hợp lý các nguồn lực công, qua đó củng cố niềm tin của công chúng vào sự liêm chính của hệ thống chính quyền.

Ở Việt Nam, phòng, chống tham nhũng là vấn đề được Đảng, Nhà nước từ trước đến nay rất quan tâm. Mặc dù vậy, nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn liên quan đến phòng ngừa, chống tham nhũng hiệu quả với ý nghĩa là hoạt động nền tảng cho việc phòng, chống tham nhũng hiệu quả hiện chưa được làm rõ và quy định trong pháp luật. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ chính sách, pháp luật về vấn đề này. Đây cần được coi là một công việc đặc biệt quan trọng trong tổng thể các hoạt động phòng, chống tham nhũng của nước ta trong thời gian tới./.

(Nhất Anh www.thanhtravietnam.vn)

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.045.158
Truy cập hiện tại 1.760 khách