Báo cáo về kế hoạch triển khai mô hình, theo lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông, mục tiêu chuyển đổi, phát triển dịch vụ đô thị thông minh phải lấy người dân làm trung tâm chính là phải làm sao để mỗi người dân trưởng thành có điện thoại thông minh, người dân làm chủ được Hue-S và thụ hưởng được các dịch vụ trên Hue-S. Và Hue-S chính là tính đặc thù trong quá trình chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế. Trên cơ sở đó, chuyển đổi số người dân làm trung tâm cũng chính là lấy Hue-S làm trọng tâm trong quá trình triển khai.
Với đặc thù riêng có, Hue-S phải đảm bảo các yếu tố để hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm: Nhận thức và kỹ năng số, Công dân số, Chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Đây cũng là 4 sản phẩm chính của mô hình chuyển đổi số xã Phong An.
Ngoài triển khai các sản phẩm chính của mô hình, chuyển đổi số cấp xã sẽ có các sản phẩm hỗ trợ cần triển khai bao gồm: thu thập Địa chỉ số, dịch vụ công trực tuyến, hệ thống hỗ trợ thực hiện báo cáo kinh tế xã hội, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, điểm thanh toán không dùng tiền mặt, du lịch chủ động, mạng lưới Wifi công cộng, hỗ trợ điện thoại cho người dân hộ nghèo và cận nghèo.
Để triển khai mô hình, dự kiến sẽ hoàn chỉnh triển khai 20 quy trình nghiệp vụ nền tảng làm việc số, tổ chức tập huấn đào tạo các kỹ năng, triển khai thực địa gắn bảng QR Code, địa điểm số cho toàn dân trên địa bàn xã.
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trao tặng, hỗ trợ trang thiết bị mô hình mẫu xã chuyển đổi số cho xã Phong An.
Các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trao tặng, hỗ trợ trang thiết bị mô hình mẫu xã chuyển đổi số cho xã Phong An
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, cho biết trong thời gian qua, với sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, hiện nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả nhất định trong ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Thừa Thiên Huế đang tích cực triển khai trong xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng Chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao sự chuẩn bị của Sở Thông tin và Truyền thông về mô hình chuyển đổi số tại xã Phong An. Trên cơ sở đối tượng hướng đến là người dân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông cần có báo cáo đánh giá cụ thể, rà soát các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện hiệu quả. Đồng thời, yêu cầu Ban chỉ đạo xã, huyện cần chủ động phối hợp tốt với các đơn vị và Sở Thông tin và Truyền thông để triển khai thành công mô hình chuyển đổi số tại địa phương. Với mục tiêu phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số; phát triển xã hội số, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình ra các địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình hy vọng rằng với mô hình chuyển đổi số tại xã Phong An sẽ phát huy được hiệu quả và tạo nền tảng để triển khai nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện Phong Điền.
Lãnh đạo tỉnh quét mã tại di tích lịch sử Nhà lưu niệm đồng chí Hoàng Anh
Một số hình ảnh tại hội nghị: