Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Một số bất cập trong quá trình thực hiện Luật Thuế GTGT
Ngày cập nhật 20/09/2012

Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật thuế Giá trị gia tăng(GTGT) và các văn bản dưới luật về thuế GTGT đã trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung và phát huy tác dụng to lớn trong tăng thu NSNN và kích thích sản xuất phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm vốn có và kết quả đã đạt được, việc thực hiện Luật thuế GTGT còn có những bất cập cần giải quyết.

 

Một là, Quy định chưa đầy đủ về đối tượng chịu thuế GTGT.

Hiện nay, theo quy định của Luật Thuế GTGT, đối với hàng hóa là nông, lâm, thủy, hải sản chưa qua chế biến không phân biệt trực tiếp sản xuất hay kinh doanh thương mại là đối tượng không chịu thuế GTGT. Điều này có tác dụng bảo hộ sản xuất kinh doanh(SXKD) trong nước đối với những mặt hàng này nhưng sẽ khiến cho tính chất hàng hóa của các đối tượng này không được coi trọng, khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế ngày càng giảm sút và là nguyên cớ để các quốc gia dựng rào cản thương mại với hàng nông, lâm, thủy, hải sản xuất khẩu Việt Nam.

Đối với các loại thiết bị, máy móc chuyên dùng thuộc dây chuyền công nghệ, vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được, cần nhập khẩu không phải chịu thuế GTGT, qua thời gian thực hiện cho thấy việc không đánh thuế GTGT vào nhóm đối tượng này nhằm giúp các nhà đầu tư không phải ứng vốn để trả trước tiền thuế, nhưng chi phí và thời gian cho ngành thuế xác định hết được danh mục các đối tượng diện này khá khó khăn. Và, khi không quản lý hết được thì vô tình sắc thuế này đang tạo ra một cuộc cạnh tranh không cân sức của các loại thiết bị, máy móc chuyên dùng thuộc dây chuyền công nghệ, vật tư xây dựng trong nước có thể sản xuất được với hàng nhập khẩu.

Đối với các hàng hóa, dịch vụ như: dịch vụ y tế công cộng; hoạt động dạy học, dạy nghề; hoạt động văn hóa, xuất bản báo chí, phát thanh, truyền hình; các dịch vụ công ích; dịch vụ tưới tiêu thủy lợi; dịch vụ quốc phòng an ninh; chuyển quyền sử dụng đất, nhà của nhà nước bán cho người tiêu dùng… đến nay vẫn chưa có tên trong danh sách chịu thuế GTGT. Đây là một kẽ hở khá lớn vừa làm thất thu cho NSNN vừa chưa tạo ra sự công bằng đối với các chủ thể đầu tư vốn kinh doanh ở các lĩnh vực khác.

Để khắc phục được những bất cập trên cần thay thế giải pháp hành chính, cơ học này bằng các giải pháp kinh tế thông qua cơ chế vận hành của thuế GTGT bằng cách xác định rõ những đối tượng có tạo ra lợi nhuận từ GTGT trong hoạt động kinh doanh đều phải nộp thuế GTGT, khấu trừ thuế đầu vào cho mọi thành phần, đối tượng kinh doanh và giải quyết thủ tục hoàn thuế nhanh cho các nhà đầu tư, các đơn vị thuộc diện được giảm, miễn thuế…. Và do đó, cần thiết phải đưa các hàng hóa này vào diện chịu thuế GTGT. 

Hai là:  Về đối tượng nộp thuê GTGT và thuế suất

Hiện nay quy định cả các hộ đăng ký kinh doanh có quy mô nhỏ, doanh số thấp cũng thuộc diện chịu thuế GTGT đang gây khó khăn lớn cho các cán bộ và cơ quan thuế địa phương, hiệu quả thu thuế rất thấp. Nhằm bảo đảm quản lý thuế có hiệu quả và khuyến khích kinh tế tư nhân, động viên các cá nhân, hộ gia đình làm giàu chính đáng chúng ta cần phân loại các đối tượng nộp thuế theo mức thu, tỷ lệ thu để vừa bảo đảm không bỏ sót nguồn thu, vừa nâng cao hiệu quả thu. Một nguyên tắc bất di bất dịch là: khoản thu thuế từ các đối tượng phải lớn hơn chi phí cơ quan thuế phải chi ra để thu thuế. Theo đó, cần tập trung quản lý thu đối với các DN vừa và lớn, các hộ kinh doanh có mức doanh thu lớn. Khoản thu của các đối tượng này ổn định là nguồn thu chủ yếu cho NS. Đối với các hộ kinh doanh nhỏ, doanh thu dưới ngưỡng tính thuế (dưới 500 triệu đồng/tháng) thì nên đưa ra khỏi đối tượng nộp thuế GTGT, áp dụng hình thức thuế khoán theo tỷ lệ % trên doanh thu (khoảng từ 1-2%). Tỷ lệ thu này cũng tương đương với thuế suất tính trên doanh thu hiện nay của một số nước ở khu vực Châu Á đang áp dụng. Việc áp dụng 3 mức thuế suất: 0%, 5%, 10% và tiêu chí phân định ranh giới áp dụng mức thuế suất 5% và 10% khá phức tạp: Vừa theo tên hàng hóa, dịch vụ, vừa theo công dụng hàng hóa, dịch vụ, vừa theo tính chất của hàng hóa, dịch vụ, dẫn đến việc áp dụng mức thuế suất  không thống nhất, nảy sinh vướng mắc, tạo kẽ hở để gian lận trong quá trình thực hiện. Vì vậy, để khắc phục hiện tượng này không cách nào khác là cần quy định lộ trình để áp dụng một mức thuế suất thống nhất.
 

 


Ba là: Về phương pháp tính thuế và chứng từ kế toán thuế

Theo quy định hiện hành, các DN được quyền lựa chọn một trong hai cách tính thuế GTGT: khấu trừ hoặc trực tiếp; sử dụng một trong hai loại hoá đơn bán hàng tương ứng là: Hóa đơn GTGT và Hóa đơn bán hàng thông thường (ngoài ra còn có: hóa đơn đặc thù, bảng kê mua hàng hóa của người không có hóa đơn) làm nảy sinh hiện tượng thuế trùng thuế và nguy cơ gian lận thuế. Trong trường hợp DN thực hiện phương pháp khấu trừ thuế GTGT có quan hệ kinh tế với DN thực hiện tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp hoặc hộ kinh doanh thì cả hai bên đều bị thiệt hại. Cụ thể: Đối với DN áp dụng phương pháp khấu trừ để tính thuế GTGT khi mua hàng hóa, dịch vụ của DN áp dụng phương pháp trực tiếp để tính thuế GTGT thì dù có hoá đơn bán hàng (đã có thuế GTGT) nhưng không được sử dụng để khấu trừ thuế. Bởi, theo quy định chỉ có hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn đặc thù của các đơn vị nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế GTGT phát hành mới được khấu trừ thuế. Như vậy, trong các DN này mặc dù đã tuân thủ chế độ kế toán, giao dịch kinh tế có chứng từ pháp lý đầy đủ, nhưng trong chi phí hợp lý hình thành giá bán hàng hóa dịch vụ chịu thuế GTGT vẫn có một phần thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ. Khi tiêu thụ sản phẩm, DN phải nộp thuế GTGT đầu ra trên tổng giá trị hàng hoá. Vậy là, thuế GTGT đầu ra vẫn đang đánh chồng lên thuế GTGT đầu vào làm DN mất đi một khoản lợi nhuận, đó là sự bất bình đẳng không đáng có.

Tương tự, khi DN thực hiện phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp mua dịch vụ, hàng hoá của các DN áp dụng tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ để dùng vào sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ chịu thuế GTGT, DN cũng có hóa đơn GTGT do DN áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT phát hành cũng không được khấu trừ thuế GTGT, họ cũng phải trả phần thuế GTGT đầu vào chìm trong giá bán ở đầu ra, tức là thuế vẫn đánh chồng lên thuế. Đến nay, đã hơn 10 năm thực hiện Luật thuế GTGT nhưng tính ưu việt của Luật thuế này vẫn chưa thể thực hiện được một cách toàn diện và triệt để. Quy định về Hai phương pháp tính thuế với hai loại hóa đơn bán hàng hiện nay chỉ phù hợp với giai đoạn đầu áp dụng Luật thuế GTGT để các đơn vị kinh doanh có “dự lệnh” chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thống nhất một chế độ chứng từ và một phương pháp tính thuế thống nhất. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng “một luật có hai sân chơi” cho các đối tượng tham gia và nhiều kiểu chơi sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh, nảy sinh hiện tượng tiêu cực ở chính các đơn vị đang áp dụng phương pháp khấu trừ, vì họ buộc phải mua, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa sổ sách về thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và đó cũng là mảnh đất màu mỡ để các công ty “ma” buôn, bán hóa đơn GTGT trục lợi. Vậy, giải pháp cho vấn đề nổi cộm này là gì? Trước hết, đối với các hộ kinh doanh cá thể không thể thực hiện được chế độ kế toán thì cần quy định cho cơ quan thuế địa phương áp dụng hợp đồng thuế khoán theo tỷ lệ doanh thu thực tế đầu ra. Tỷ lệ thuế khoán trên doanh thu của hộ kinh doanh cá thể cũng sẽ là cơ sở để khấu trừ thuế cho các DN đang thực hiện phương pháp khấu trừ thuế khi mua hàng hóa, dịch vụ của hộ kinh doanh làm đầu vào cho SXKD hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT của DN; đối với các hộ kinh doanh có quy mô lớn, các đơn vị áp dụng phương pháp trực tiếp để tính thuế GTGT bán hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT cho các DN áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT để SXKD hàng hóa dịch vụ chịu thuế GTGT. Cần cho phép các DN áp dụng phương pháp khấu trừ sử dụng hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ thông thường của hàng mua vào làm căn cứ để khấu trừ thuế GTGT. Đồng thời cần quy định lộ trình thực nghiệm hướng dẫn và bắt buộc họ cam kết thời gian chuyển sang áp dụng thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.

Bốn là: Về khấu trừ và hoàn thuế

Ngoài những bất cập về chứng từ và phương pháp tính thuế như đã phân tích thì hiện nay cả DN và cơ quan thuế đều gặp khá nhiều khó khăn khi triển khai các quy định về khấu trừ và hoàn thuế. Cụ thể: Về khấu trừ thuế, hiện nay, một trong những điều kiện DN được khấu trừ thuế GTGT đầu vào là phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ trừ trường hợp tổng giá trị thanh toán đã có thuế từng lần theo hóa đơn dưới 20 triệu đồng. Việc phân biệt giao dịch có giá trị dưới 20 triệu đồng không cần phải thanh toán qua ngân hàng vẫn được khấu trừ thuế đang là một kẽ hở để các DN gian lận thuế bằng cách khi tách hóa đơn có giá trị giao dịch lớn thành nhiều hóa đơn có giá trị giao dịch nhỏ, cơ quan thuế rất khó kiểm soát được hiện tượng này.

Về hoàn thuế: Đối với cơ sở xuất khẩu có số thuế đầu vào của hàng hóa xuất khẩu phát sinh trong tháng chưa được khấu trừ nhỏ hơn 200 triệu đồng thì vẫn không được hoàn thuế theo tháng. Các cơ sở kinh doanh không có hoạt động xuất khẩu hoặc có nhưng giá trị thấp, thì dù số thuế đầu vào trong tháng phát sinh cao đến mấy vẫn không được hoàn lại theo tháng mà phải chờ đủ 3 tháng. Đây là hạn chế rất lớn của quy định về hoàn thuế vì đồng vốn của các DN bị đông cứng khá lâu ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh tiếp theo.

Do đó, giải pháp  đưa ra là ngành thuế cần quy định bắt buộc mọi nghiệp vụ kinh tế của DN dù lớn hay nhỏ đều phải thanh toán qua ngân hàng nhằm giảm lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường, góp phần giảm lạm phát, đồng thời giảm thiểu sự khai khống, khai sai số thuế GTGT đầu vào,  giảm thất thu NSNN. Đồng thời, cũng cần quy định thời gian khấu trừ và hoàn thuế nên cùng tháng kê khai thuế. Buộc DN tuân thủ các điều kiện và thủ tục theo quy định về khấu trừ, hoàn thuế, nộp thuế cần khấu trừ, hoàn thuế và thu thuế ngay trong tháng nhằm bảo đảm lợi ích từ hai phía nhà nước và DN.

Điều kiện để sắc thuế GTGT thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tối đa tác dụng của một công cụ quản lý, điều tiết vĩ mô nền kinh tế, ngoài những quy định cụ thể, chặt chẽ, nghiêm minh và phù hợp với thực tế trong các văn bản pháp quy thì việc tuyên truyền, hỗ trợ của cơ quan thuế các địa phương để các đối tượng nộp thuế, chịu thuế đều nắm được nội dung, quy trình kê khai, thực hiện là không thể thiếu. Theo đó, các cơ quan hành pháp phải thường xuyên kiểm tra, giám sát kịp thời động viên, khuyến khích những đơn vị, cá nhân làm tốt nghĩa vụ với Nhà nước; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp tìm cách trốn tránh, lách luật, gian lận thuế, làm thâm hụt NSNN!./.

TS. Nghiêm Thị Thà Học viện Tài chính

(Theo www.thanhtravietnam.vn)

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.086.357
Truy cập hiện tại 388 khách