Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Một số quy định về đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính và những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng
Ngày cập nhật 24/01/2013

 

 (ThanhtraVietnam) - Việc xác định đúng nghĩa vụ và trách nhiệm đối thoại của người bị khiếu nại và người giải quyết khiếu nại có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình giải quyết khiếu nại hành chính.

Nhiều vụ khiếu nại khi giải quyết, cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước chưa thật sự coi trọng, thậm chí có lúc, có nơi còn bỏ qua việc đối thoại. Chính vì vậy, không ít trường hợp giải quyết khiếu nại bị kéo dài, thiếu chính xác, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Mặt khác, quy định của pháp luật về đối thoại trong giải quyết khiếu nại còn có những điểm bất cập, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng.  

Luật Khiếu nại quy định người bị khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây: “Tham gia đối thoại hoặc uỷ quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại” (điểm a, khoản 2, Điều 13). Điểm c khoản 2 Điều 14 của Luật quy định người giải quyết khiếu nại lần đầu có nghĩa vụ: “Tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”. Tương tự với người giải quyết khiếu nại lần hai, điểm c khoản 2 Điều 15 cũng quy định có nghĩa vụ sau:“Tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức có liên quan”. Với các quy định về đối thoại như trên cho thấy có những mâu thuẫn, cách hiểu và áp dụng khác nhau dễ xảy ra trong các trường hợp sau:

- Trường hợp người bị khiếu nại là cán bộ, công chức có hành vi hành chính theo quy định tại khoản 9 Điều 2 Luật Khiếu nại bị khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của người có thẩm quyền theo quy định tại các Điều: 17, 19, 20, 22, 23 Luật Khiếu nại thì cán bộ, công chức đó sẽ ủy quyền cho ai là người đại diện hợp pháp của mình tham gia đối thoại theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 Luật Khiếu nại?           

- Trường hợp người bị khiếu nại là người có quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính theo quy định tại các khoản 8 và 9 Điều 2 của Luật Khiếu nại bị khiếu nại thì đồng thời họ lại là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại các Đìều 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23 Luật Khiếu nại. Như vậy, khi thực hiện nghĩa vụ đối thoại theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 nêu trên thì họ với tư cách là người bị khiếu nại có nghĩa vụ: “Tham gia đối thoại hoặc uỷ quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại”; nhưng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 14 nêu trên thì họ với tư cách là người giải quyết khiếu nại có nghĩa vụ: “Tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”. Đây là quy định mở - quy phạm tuỳ nghi, dễ bị lạm dụng khi áp dụng. 

Về tổ chức đối thoại: Điều 30 và Điều 39 của Luật Khiếu nại quy định về tổ chức đối thoại lần đầu và tổ chức đối thoại lần hai. Khoản 2 Điều 30 quy định: “Người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, nội dung và địa điểm đối thoại”. Như đã phân tích ở trên, trường hợp người giải quyết khiếu nại lần đầu đồng thời là người bị khiếu nại, điều này là không phù hợp (người giải quyết khiếu nại thông báo bằng văn bản cho chính bản thân mình là người bị khiếu nại). Quy định này chỉ phù hợp trong trường hợp cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo quy định tại các Điều: 17, 19, 20, 22, 23 Luật Khiếu nại khi có hành vi hành chính bị khiếu nại. 
 

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Từ khi Luật Khiếu nại năm 2011 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2012 đến nay, mặc dù mới thực hiện, tuy nhiên có lúc, có nơi khi áp dụng các quy định về đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại hành chính còn gặp nhiếu khó khăn, vướng mắc mà chưa có hướng dẫn. Cụ thể: 

- Khi tuyên truyền, phổ biến Luật Khiếu nại năm 2011, có nhiều ý kiến thắc mắc về trường hợp cán bộ, công chức chịu sự quản lý trực tiếp của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước khi có hành vi hành chính bị khiếu nại thì uỷ quyền cho ai là người đại diện hợp pháp của mình tham gia đối thoại theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 Luật Khiếu nại?           

- Hiện nay không ít trường hợp người giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính và hành vi hành chính của mình khi xem xét giải quyết khiếu nại thường áp dụng điểm a khoản 2 Điều 13 Luật Khiếu nại để  uỷ quyền cho cấp dưới của mình đối thoại chứ không áp dụng điểm c khoản 2 Điều 14 Luật Khiếu nại để thực hiện nghĩa vụ tổ chức đối thoại. Vì vậy, người được uỷ quyền đối thoại thường bị động và lúng túng khi thực hiện đối thoại theo quy định tại Điều 30 Luật Khiếu nại... nhất là thực hiện thủ tục đối thoại và hướng giải quyết khiếu nại. Do đó, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả đối thoại. Mặt khác, việc giải quyết khiếu nại nói chung và thực hiện nghĩa vụ đối thoại nói riêng trong giải quyết khiếu nại ở một số nơi chưa quan tâm đúng mức nên không ít trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai bị kéo dài, không bảo đảm thời hạn luật định, hoặc không chính xác...            

- Kết quả đối thoại là cơ hội để người khiếu nại, người bị khiếu nại, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đưa ra bằng chứng chứng minh cho yêu cầu khiếu nại, quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật của mình bị khiếu nại là có căn cứ và hợp pháp; đồng thời giúp người giải quyết khiếu nại giải quyết vụ việc được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay trong các mẫu Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 43 và lần hai số 44 ban hành kèm theo Quyết định số 1131/2008/QĐ-TTCP ngày 18 tháng 6 năm 2008 của Thanh tra Chính phủ về việc ban hành mẫu văn bản trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở phần căn cứ áp dụng pháp luật không viện dẫn căn cứ kết quả đối thoại, trong khi đó khoản 5, Điều 30, Luật Khiếu nại quy định “Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại”.

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, thiết nghĩ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm có hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc thực hiện quy định của Luật Khiếu nại về đối thoại trong giải quyết khiếu nại, trong đó lưu ý tới một số điểm sau:

- Người bị khiếu nại là cán bộ, công chức có hành vi hành chính theo quy định tại khoản 9 Điều 2 Luật Khiếu nại bị khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của người có thẩm quyền theo quy định tại các Điều 17, 19, 20, 22, 23 Luật Khiếu nại không được ủy quyền cho người đại diện hợp pháp của mình tham gia đối thoại theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 Luật Khiếu nại.

- Người có quyết định hành chính và hành vi hành chính bị khiếu nại không được ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại trong giải quyết khiếu nại lần đầu.

- Kiến nghị với Thanh tra Chính phủ xem xét bổ sung vào mẫu quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai phần căn cứ áp dụng pháp luật cụm từ "Căn cứ kết quả đối thoại ngày, tháng, năm...". 

Đối thoại là một khâu quan trọng trong quá trình giải quyết khiếu nại, thông qua đối thoại không chỉ giúp cho các khiếu nại được giải quyết nhanh chóng mà đây còn là hoạt động thể hiện tính chất của xã hội dân chủ mà Đảng và Nhà nước ta đang nỗ lực phấn đấu để thực hiện mục tiêu: “Dân giầu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Do đó, những hạn chế, vướng mắc nêu trên cần sớm được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu tháo gỡ, để những quy định của Luật Khiếu nại có thể thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn áp dụng./.

                       

                                                                        Nguyễn Phương Thảo

Giảng viên bộ môn Luật, Học viện Ngân hàng (www.thanhtravietnam.vn)

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.063.477
Truy cập hiện tại 3.452 khách