Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra còn nhiều hạn chế
Ngày cập nhật 13/11/2012

(ThanhtraVietnam) - Tổng kết công tác thanh tra những năm gần đây cho thấy, hàng năm, các cơ quan nhà nước tiến hàng nghìn cuộc thanh tra, qua thanh tra đã ban hành nhiều quyết định, kết luận xử lý về thanh tra và hầu hết các kết luận, quyết định này đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chấp hành, thực hiện, song cũng còn nhiều quyết định, kết luận thanh tra chưa được thực hiện nghiêm chỉnh.

 

Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra là hoạt động do các cơ quan thanh tra nhà nước tiến hành nhằm xem xét, đánh giá việc thực hiện các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, từ đó tiến hành các biện pháp theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm bảo đảm nâng cao hiệu quả việc thi hành các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra. Tổng kết công tác thanh tra những năm gần đây cho thấy, hàng năm, các cơ quan nhà nước tiến hàng nghìn cuộc thanh tra, qua thanh tra đã ban hành nhiều quyết định, kết luận xử lý về thanh tra và hầu hết các kết luận, quyết định này đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chấp hành, thực hiện, song cũng còn nhiều quyết định, kết luận thanh tra chưa được thực hiện nghiêm chỉnh. Vì thế, tỷ lệ thực hiện kiến nghị xử lý sau thanh tra vẫn còn chưa tương xứng với hoạt động thanh tra, tỷ lệ thu hồi về tài chính, tài sản vi phạm còn thấp so với kiến nghị thu hồi. Đối với việc thực hiện các kiến nghị xử lý hình sự, cũng như về chủ trương, chính sách thì không ít trường hợp việc thực hiện còn chậm, thậm chí chưa được thực hiện đầy đủ. Nguyên nhân cơ bản của vấn đề này là do một số cơ quan quản lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm chưa thực sự quan tâm tới việc thực hiện các kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Chúng ta đều biết rằng không phải là không có những cuộc thanh tra mà sau khi có kết luận thanh tra việc ban hành các quyết định xử lý là thiếu kịp thời, thậm chí sau khi có các quyết định xử lý phải mất khá lâu quyết định đó mới được thực hiện, điều này làm giảm hiệu quả việc kiến nghị của các cơ quan thanh tra. Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra chưa nghiêm túc thực hiện các kết luận, quyết định xử lý của cơ quan thanh tra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm hoặc viện lý do cho việc thực hiện chậm chễ hoặc thực hiện không đầy đủ. Việc phối hợp trong thực hiện quyết định xử lý, kết luận về thanh tra nhiều khi thiếu chặt chẽ, thống nhất. Để có được kết luận thanh tra, kiểm tra chính xác là công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi phải có ý chí, quyết tâm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của những người làm công tác thanh tra. Tuy nhiên, hiệu lực, hiệu quả thanh tra lại phụ thuộc rất nhiều vào việc xử lý nghiêm minh, dứt điểm, có hiệu quả các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, song đây không phải là chuyện dễ trong thực tiễn, vì việc thực hiện nhiều khi liên quan và cần có sự phối hợp từ nhiều cơ quan, tổ chức. Thực tế là nếu việc xử lý kết luận về thanh tra nghiêm minh, kịp thời thì hiệu quả và tác dụng của thanh tra rất tốt, song không phải tất cả mọi trường hợp đều như vậy. Bên cạnh đó, việc ban hành các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra nhiều khi còn vướng mắc, bất cập; một số kết luận, quyết định xử lý về thanh tra là chưa rõ ràng, chặt chẽ hoặc căn cứ chưa chính xác; một số trường hợp khác thì cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra chưa đồng tình, thậm chí khiếu nại, vì cho rằng chưa đúng quy định pháp luật.

 

 


Hiện nay, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành thì hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra được coi là một trong các nội dung thuộc về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Thanh tra nhà nước các cấp, bao gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở và Thanh tra huyện. Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra đã dành riêng Chương V quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra, bao gồm trách nhiệm của đối tượng thanh tra; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý đối tượng thanh tra; trách nhiệm của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Nhìn chung, so với Luật Thanh tra năm 2004 thì pháp luật hiện nay quy định chi tiết và đầy đủ hơn về nội dung này. Các quy định pháp luật về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra cũng đã làm rõ được trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, bao gồm: Trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước; trách nhiệm của các cơ quan tiến hành thanh tra…và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật thì mặc dù hoạt động này đã được đề cập trong Luật Thanh tra và Nghị định hướng dẫn thi hành song vẫn còn nhiều nội dung chưa được quy định cụ thể. Hoạt động theo dõi, kiểm tra, đôn đốc được thực hiện theo phương thức nào; trình tự, thủ tục tiến hành việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thế nào chưa được quy định rõ. Pháp luật đã chỉ ra cách thức xử lý đối với một số trường hợp vi phạm pháp luật phát hiện trong quá trình đôn đốc, kiểm tra, song còn mang tính nguyên tắc, khó áp dụng. Trong khi đó thực tế vi phạm lại rất phong phú, đa dạng, đòi hỏi mỗi trường hợp phải có cách thức xử lý phù hợp, với các hình thức chế tài thích đáng. Thực tế tổ chức thực hiện hoạt động theo dõi, kiểm tra, đôn đốc kết luận, quyết định về thanh tra ở Thanh tra các địa phương, bộ, ngành cũng có nhiều điểm khác nhau, có nơi tùy từng trường hợp mà giao cho các phòng chuyên môn, nơi khác thành lập bộ phận để chuyên trách thực hiện công việc này. Nếu so sánh hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra kết luận, quyết định xử lý về thanh tra với việc thi hành bản án của tòa án thì có lẽ còn nhiều điểm khác nhau, song cũng có nhiều điểm tương tự, vì chúng đều là quá trình tổ chức thi hành một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thực tiễn. Trong việc thi hành quyền lực tư pháp chúng ta có hẳn một hệ thống cơ quan chuyên nhiệm làm việc thi hành án, còn trong hoạt động thanh tra không có cơ quan này - cơ quan thanh tra vừa tiến hành thanh tra, vừa kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị của mình.

Để nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra thì cần phải có các giải pháp phù hợp để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên. Chúng tôi cho rằng, ngoài việc nhận thức, quan tâm đầy đủ và tăng cường hiệu quả việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải khẩn trương hoàn thiện các quy định về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quyết định, kết luận về thanh tra, nhất là nghiên cứu để có được một bộ phận chuyên trách làm công tác này ở các cơ quan thanh tra trong thời gian tới. Trước mắt, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thanh tra cần nghiên cứu, ban hành văn bản quy định đầy đủ các nội dung liên quan tới hoạt động này, trong đó cần tập trung vào các nội dung như sau:

Thứ nhất, quy định rõ việc theo dõi thực hiện các kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra: Xác định cụ thể thời hạn bắt đầu theo dõi; thông tin, tài liệu phục vụ việc theo dõi; hình thức theo dõi; nội dung theo dõi; báo cáo kết quả theo dõi; xử lý kết quả của việc theo dõi... và trách nhiệm của đơn vị thực hiện nhiệm vụ này.

Thứ hai, quy định rõ việc đôn đốc các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, trong đó xác định rõ căn cứ thực hiện việc đôn đốc, hình thức đôn đốc, nội dung đôn đốc, báo cáo kết quả việc đôn đốc… và việc xử lý kết quả đôn đốc.

Thứ ba, quy định rõ các nội dung liên quan đến việc kiểm tra thực hiện các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, trong đó cần xác định rõ căn cứ tiến hành kiểm tra, quyết định kiểm tra, thời hạn kiểm tra, nội dung kiểm tra, báo cáo kết quả kiểm tra… và xử lý kết quả kiểm tra.

Ngoài văn bản trên, các cơ quan có thẩm quyền cũng cần phối hợp nghiên cứu, ban hành các quy định xử lý sau thanh tra đối với từng lĩnh vực, bảo đảm việc xử lý sau thanh tra được thống nhất, đồng bộ và tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra./.

 

Ths. Văn Tiến Mai

Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - TTCP (www.thanhtravietnam.vn)

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.086.357
Truy cập hiện tại 395 khách