Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Cần xây dựng và hoàn thiện tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư dự án XDCB.
Ngày cập nhật 15/03/2013

 (ThanhtraVietnam) - Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều thông tin về việc kém hiệu quả và sai phạm của các dự án xây dựng cơ bản sử dụng nguồn vốn NSNN. Hiệu quả đầu tư của các dự án sử dụng nguồn NSNN thấp, ít nhiều đã có tác động trực tiếp và gián tiếp, trước mắt và cả lâu dài đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội - chính trị nước ta

 Tuy nhiên, việc đánh giá dự án có hiệu quả hay không cũng mới dừng ở mức nêu vấn đề và dựa vào các tiêu chí như chậm tiến độ, lãng phí… mà chưa có một tiêu chí đánh giá cụ thể. Với đặc thù những dự án này đều đòi hỏi một số lượng vốn, lao động, vật tư lớn, dàn trải và phải đầu tư trong thời gian dài, liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương, lại chịu tác động nhân quả từ những chính sách chi tiêu từ nguồn NSNN nên việc quản lý quá trình đầu tư và triển khai dự án còn nhiều bất cập, ảnh hưởng và chi phối đến hiệu quả đầu tư.

Điển hình và gây nhiều tranh cãi nhất trong thời gian vừa qua là việc đầu tư vào các công trình thủy điện. Hàng loạt sự cố xảy ra trong thời gian gần đây khiến dư luận không khỏi nghi ngại, rằng số phận của hàng ngàn con đập trải dọc lãnh thổ Việt Nam hiện an toàn đến đâu. Sau Thủy điện Sông Tranh 2 chưa kịp đưa ra giải pháp khoa học để tích nước, lại đến đập Thủy điện Đắk Rông 3 (Quảng Trị) bị vỡ. Gần 1.100 dự án thủy điện trong quy hoạch cho thấy Việt Nam đang phát triển thủy điện quá nóng và vội vàng, đồng thời thể hiện sự yếu kém về năng lực, trình độ chuyên môn và những lỗ hổng trong cấp phép đầu tư, thẩm định dự án.

Không chỉ trong ngành thủy điện, mà ở hầu hết lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản nguồn vốn NSNN đều có nhiều bất cập. Theo Báo cáo của các cơ quan Bộ ngành địa phương, tập đoàn, tổng công ty 91 gửi Bộ Kế hoạch đầu tư trong năm 2011 có 4.436 dự án chậm tiến độ, chiếm 11,55% số dự án thực hiện trong kỳ. Đối với các dự án nhóm A dùng vốn ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, kiểm tra 302 dự án thì phát hiện 93 dự án chậm tiến độ. Số này chiếm 28,10% tổng số dự án đã kiểm tra, cao hơn so với các kỳ báo cáo trước như năm 2010 là 19,35%, năm 2009 là 11,55%, năm 2008 là 16,73%. Trong đó, tình trạng vi phạm về quản lý đầu tư cũng xảy ra phổ biến ở các dự án đầu tư bằng nguồn vốn bên ngoài, qua kiểm tra, đánh giá 4.466 có 30 dự án có vi phạm về bảo vệ môi trường, 68 dự án có vi phạm về sử dụng đất, 67 dự án có vi phạm về quản lý tài nguyên.

Thực hiện kế hoạch thanh tra thường kỳ của Bộ Tài chính, đoàn thanh tra của Bộ đã tiến hành thanh tra và phát hiện được nhiều sai phạm tại hầu hết các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C. Từ dự án công trình thủy điện, dự án công trình giao thông, dự án nhà ở xã hội, dự án công trình thủy điện… đã phát hiện ra sai phạm ở tất cả các khâu: từ việc quyết định đầu tư đến việc phân bổ và bố trí vốn đầu tư, sử dụng nguồn vốn đầu tư …
 

Ảnh minh họa - Nguồn: internet

Sai phạm trong công tác lập, thẩm định dự toán, dự án phê duyệt tăng không đúng khối lượng, đơn giá diễn ra phổ biến trong các dự án nhà ở xã hội tại các địa phương. Sau nhiều năm tích cực triển khai chương trình nhà ở xã hội theo chủ trương của Chính phủ thì đến nay nhiều địa phương trên cả nước đã đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, qua thanh tra, phát hiện con số sai phạm tại các tỉnh: Bắc Ninh, Thanh Hoá, Hải phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Nam Định, Nghệ An, Cần Thơ, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình... lên đến nhiều tỷ đồng.

Sai phạm trong việc bố trí vốn đầu tư dàn trải, đầu tư tràn lan, chưa tập trung dứt điểm cho các công trình chuyển tiếp, bố trí vốn cho các dự án không đủ điều kiện ghi kế hoạch vốn, dẫn đến tiến độ thi công kéo dài, hiệu quả thấp, nợ khối lượng XDCB lớn, vượt quá khả năng ngân sách, gây mất cân đối ngân sách và gây khó khăn về vốn cho doanh nghiệp diễn ra ở hầu hết các tỉnh. Tỉnh ĐakNông, Điện Biên, Cao Bằng, ĐakLak ...vừa quyết định xử phạt hành chính nhiều đơn vị vì tổ chức thi công sai thiết kế, không lập nhật ký giám sát. Tại tỉnh Hà Tĩnh, việc đầu tư xây dựng cơ bản dàn trải, tràn lan đã mang lại nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến nền kinh tế, gây nợ xấu, nợ đọng. Theo số liệu ước tính đến hết năm 2012, tổng số vốn nợ đọng trong XDCB trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh khoảng 1.388 tỷ đồng, trong đó: các dự án thuộc nguồn ngân sách T.W gần 910 tỷ đồng; các dự án thuộc nguồn ngân sách địa phương hơn 283 tỷ đồng; các dự án thuộc ngân sách huyện gần 188 tỷ đồng. Trước tình hình đó, Hà Tĩnh đã không khởi công những dự án mới để có ngân sách trả nợ xây dựng cơ bản.

Bên cạnh những sai phạm làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư dự án, thì nguyên nhân từ năng lực hạn chế lãnh đạo, quản lý của chính quyền địa phương và của các cơ quan chuyên môn cũng đã gây thiệt hại cho NSNN. Chất lượng công tác lập, thẩm định dự án đầu tư, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán công trình ở hầu hết các tỉnh có nhiều sai sót. Dự án đầu tư không đồng bộ, thiếu tính khả thi, vừa thiết kế và thi công, dẫn đến tăng giá trị dự toán, giá gói thầu. Tỉnh Hà Nam có ba dự án được làm chủ đầu tư tại tờ trình của UBND tỉnh và của Bộ Giao thông - Vận tải cam kết khởi công năm 2009 và hoàn thành vào 2010 với số vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, đó đều là những dự án “rùa bò”. Cũng thuộc dự án giao thông, tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình đều vừa chậm tiến độ, vừa không được bố trí đủ vốn như cam kết. Việc nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành sai phạm nhiều tỷ đồng... Dự án quốc lộ 279, Dự án quốc lộ 32, Dự án đường vành đai biên giới phía Bắc, Dự án tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, Dự án xây dựng tuyến đường Nam Sông Hậu,vv... đã có những sai phạm gây thất thoát tiền ngân sách lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Một số dự án đầu tư còn vượt quá khả năng thực tế, không tập trung đủ nguồn lực của Trung ương cũng như địa phương nên dẫn đến không có khả năng thực hiện dự án hoặc dự án bị kéo dài quá lâu...

Hồ chứa nước Cửa Đạt được ca ngợi là công trình của hôm nay và mai sau. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dự án có 5 nhiệm vụ chính hết sức quan trọng. Đây là công trình đầu mối thuỷ lợi gồm có khu đập chính và 2 đập phụ là Hón Can và Dốc Cáy. Hồ chứa có Dung tích hữu ích: 793,7 triệu m3 nước; Dung tích toàn bộ là 1,45 tỷ m3 nước; diện tích mặt hồ tại mực nước dâng bình thường khoảng 31 km2. Hồ làm việc theo chế độ điều tiết năm… Tuy nhiên, công trình đã có sai phạm ở các khâu: từ công tác lập và phê duyệt tổng mức đầu tư đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng và tái định cư, công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại công trình tổng dự toán đã thẩm định và dự toán chi tiết được phê duyệt một số mục công việc thiếu cơ sở pháp lý và thiếu chính xác làm tăng chi phí không đúng quy định.
Điểm qua những sai phạm trong các dự án đầu tư xây dựng cơ bản nguồn vốn NSNN như trên đã cho thấy hiệu quả đầu tư của một số dự án này chưa cao, thậm trí gây ra nhiều hậu quả và hệ lụy như: làm thiệt hại về tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế người dân, làm mất cảnh quan môi trường...

Trong khi đó trong hoạt động quản lý chi ngân sách Nhà nước, chi đầu tư xây dựng cơ bản có một vai trò đặc biệt quan trọng, đó được coi là đòn bẩy có tác động trực tiếp tới mức tăng trưởng GDP và sự phát triển bền vững và nhằm mục đích tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Chính vì vậy, việc chi đầu tư xây dựng cơ bản luôn được Nhà nước quan tâm và luôn chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng chi Ngân sách nhà nước hàng năm. Năm 2010 nước ta dự toán chi 125.500 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, trong đó chủ yếu là chi cho đầu tư xây dựng phát triển đạt 172.710 tỷ đồng, tăng 37,6% so với dự toán, bằng 96% mức thực hiện năm 2009, chiếm 25,7% tổng chi ngân sách nhà nước và bằng 8,7% GDP. Trong năm 2011 nước ta dự toán ngân sách chi đầu tư phát triển là 152.000 tỷ đồng trong đó có 145.290 tỷ đồng là chi cho xây dựng cơ bản. Vì vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, trong những năm qua cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề cần phải được xem xét, sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng được yêu cầu về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay.

Giải pháp được các nhà chuyên môn, quản lý quan tâm nhằm tăng cường tính hiệu quả của các dự án đầu tư xây dựng cơ bản chính là các văn bản pháp lý. Bởi các văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản chủ yếu là văn bản dưới luật, nhiều nội dung quy định chưa rõ ràng, thiếu các chế tài đủ mạnh. Nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, chắp vá, thiếu thống nhất, đồng bộ và không ổn định. Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng còn rất nhiều hạn chế: Cơ chế phân công, phân cấp, phối hợp trong quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng hiện nay chưa rõ ràng, cụ thể, chưa đề cao trách nhiệm các bộ, ngành và địa phương, nhất là về trách nhiệm cá nhân; Chưa quy định đầy đủ và chưa phân định rõ ràng quyền và trách nhiệm của các chủ thể tham gia quá trình đầu tư xây dựng; Việc đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn, chuẩn mực để phân bổ nguồn lực hiện nay đang còn rất thiếu; Việc phân cấp quản lý về phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, thiết kế, dự toán, môi trường… còn nhiều bất cập, chưa công khai hoá hoạt động đầu tư trong các khâu của quá trình đầu tư, đặc biệt là công khai tài chính đối với việc phân bổ, quản lý sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước; Tình trạng khép kín trong quá trình đầu tư ở các bộ, ngành và địa phương còn khá phổ biến...

Đặc biệt, một khâu rất quan trọng trong công tác đầu tư là đánh giá hiệu quả đầu tư dự án còn đang thiếu. Hiện nay, vẫn chưa có văn bản nào quy định rõ phương pháp và tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, nhất là đánh giá hiệu quả dự án đầu tư.

Luật Đầu tư, chương IX quy định về Quản lý Nhà nước về đầu tư, Điều 84, quy định: Theo dõi, đánh giá hoạt động đầu tư; Điều 85, quy định Thanh tra về hoạt động đầu tư và không có điều khoản nào quy định về đánh giá hiệu quả đầu tư và các tiêu chí đánh giá.

Nghị định số 12/2009/NĐCP ngày 10/2/2009 về Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cũng không có điều khoản nào quy định về việc đánh giá hiệu quả đầu tư dự án xây dựng công trình.

Hiện nay, một số công trình giao thông đã áp dụng phương pháp AHP vào công tác đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, còn các hiệu quả khác như môi trường, sức khỏe, văn hóa, du lịch, cảnh quan... chưa được đề cập đến.

Việc ban hành một văn bản đánh giá hiệu quả đầu tư các dự án sẽ là một bước hoàn thiện Luật Đầu tư nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, hoàn thiện các quy định của Luật Đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, đồng thời hoàn thiện chế độ phân cấp quản lý đầu tư và các quy định về thủ tục đầu tư theo nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường chế độ kiểm tra, giám sát và phối hợp giữa các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương./.

 

Ths.Hoàng Ngọc Sơn

Thanh tra Bộ Tài chính (www.thanhtravietnam.vn)

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.063.477
Truy cập hiện tại 1.722 khách