Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Để nâng cao hiệu quả hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra
Ngày cập nhật 25/07/2013

 (ThanhtraVietnam) - Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra là hoạt động do các cơ quan thanh tra tiến hành nhằm xem xét, đánh giá việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của đối tượng thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; từ đó tiến hành các biện pháp theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo thực thi các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

 

Kết quả theo dõi, đôn đốc, kiểm tra sau thanh tra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng quyết định hiệu lực của hoạt động thanh tra, xác định hoạt động thanh tra có đạt được kết quả đề ra hay không. 
 

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh chụp ảnh lưu niệm với tập thể lãnh đạo Vụ  giám sát , thẩm định và xử lý sau thanh tra

Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua, việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra còn không ít những tồn tại, hạn chế. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, theo chúng tôi cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, trong thời gian tới cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện pháp luật về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra sau thanh tra. Trong đó cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn về hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra trong việc góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, góp phần tích cực vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.

Hai là, tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước và Thủ trưởng cơ quan thanh tra trong công tác chỉ đạo, điều hành và nâng cao chất lượng hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Việc tổ chức thực hiện pháp luật về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra cũng là một nội dung quan trọng trong việc chỉ đạo điều hành cuộc thanh tra. Nếu cuộc thanh tra chỉ dừng ở mức độ phát hiện và kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra thì hiệu quả của cuộc thanh tra đạt được rất hạn chế. Để kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra đi vào cuộc sống thì việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra phải được quan tâm đúng mức. Thông thường sau khi kết thúc thanh tra thì Đoàn thanh tra hết nhiệm vụ, nên việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra bị buông lỏng. Do đó, không theo sát được việc đối tượng thanh tra có thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra hay không hoặc thực hiện ở mức độ nào, nghiêm túc hay không nghiêm túc... để kịp thời có biện pháp đảm bảo thực hiện kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Ba là, thực hiện công khai, minh bạch kết luận, quyết định xử lý về thanh tra và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Việc công khai, minh bạch các kết luận thanh tra theo quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thanh tra, Thông tư quy định về công khai các kết luận thanh tra và công khai kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra ở một chừng mực nào đó sẽ giúp người có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và đối tượng phải thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra quan tâm và chú trọng hơn hoạt động này. Mặt khác, nó cũng tạo sức ép nhất định đối với việc xử lý sau thanh tra; tăng cường sự giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau thanh tra. Tuy nhiên, việc công khai kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra cần thực hiện đúng đối tượng, phù hợp yêu cầu và tuân thủ những quy định bảo vệ bí mật nhà nước. Khi công khai kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra cần căn cứ vào đối tượng công khai để quyết định nội dung công khai đúng với yêu cầu của việc công khai. Cụ thể, đối với cơ quan, tố chức, cá nhân là đối tượng thanh tra cần công khai toàn bộ kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; đối với đối tượng thanh tra có liên quan thì có thể chỉ công khai những nội dung liên quan trực tiếp tới họ; đối với cơ quan thông tin báo chí thì tùy thuộc vào nội dung, độ mật các thông tin, số liệu để thực hiện việc công khai một phần hay toàn bộ kết quả việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Bốn là, nâng cao chất lượng kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Qua thực tiễn công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra không được thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm chỉnh là do chất lượng các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra nhiều khi còn hạn chế. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu đặt ra, kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra cần phải có nội dung rõ ràng, đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của đối tượng trên cơ sở xem xét, phân tích điều kiện thực tế, so sánh, đối chiếu với những quy định của pháp luật. Từ đó, kết luận về nội dung được thanh tra, xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm mang tính khách quan, toàn diện và tính thuyết phục cao.

Kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra phải được xây dựng, ban hành đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định để đảm bảo hiệu lực thi hành. Hình thức của kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra cần được thống nhất, tránh tình trạng mỗi cuộc thanh tra hình thức trình bày, bố cục... của kết luận thanh tra lại khác nhau. Xây dựng bố cục kết luận thanh tra hợp lý, những vấn đề giống nhau, có cùng tiêu chí tập hợp vào những chuyên mục liền nhau để tạo tính logic cho bản kết luận. Các đơn vị đo lường sử dụng trong kết luận phải thống nhất về đơn vị tính, về phương pháp làm tròn số để kết luận có tính nhất quán trong vấn đề này.

Năm là, xây dựng cơ chế thẩm định dự thảo kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra và thiết lập một cơ chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra với chế tài phù hợp

Nhằm nâng cao chất lượng các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, tạo cơ sở cho việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra có hiệu quả các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, cần thiết có cơ chế thẩm định, đánh giá về kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Việc thẩm định, đánh giá này cần được thực hiện bởi các cá nhân độc lập với các Đoàn thanh tra, am hiểu về lĩnh vực được thanh tra và có kinh nghiệm thanh tra. Việc đánh giá được tiến hành trên tất cả các mặt như về nội dung, tiến độ, kết quả, các kiến nghị, đề xuất cụ thể. Với cơ chế giám sát, phản biện này, chất lượng các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra sẽ được nâng lên, phản ánh khách quan nội dung vụ việc thanh tra, các kiến nghị sẽ đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu công tác quản lý. Điều này cũng tạo cơ sở cho việc triển khai thực hiện có hiệu quả các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Để nâng cao hiệu quả trong việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, Thanh tra Chính phủ cần thiết lập một cơ chế kiểm tra, đôn đốc với chế tài phù hợp để buộc đối tượng thanh tra và cơ quan có liên quan phải nghiêm chỉnh thi hành kết luận và kiến nghị thanh tra, đảm bảo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động thanh tra, thực sự phát huy được tác dụng của hoạt động thanh tra. Phát huy kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra theo hướng xây dựng, hoàn thiện cơ chế theo dõi, đánh giá việc thực hiện kết luận, kiến nghị thanh tra. Nhất là cần có cơ chế đánh giá sự tác động của các kết luận thanh tra với ngành, lĩnh vực, đối tượng thanh tra.

Sáu là, đổi mới mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Thủ trưởng cơ quan cấp trên phải tăng cường kiểm tra, đôn đốc đối với Thủ trưởng cơ quan cấp dưới, thường xuyên tiến hành theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; xử lý người có hành vi vi phạm; kiên quyết thực hiện các quyết định xử lý đã ban hành, chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm. Việc xử lý sau thanh tra cần khách quan, công bằng, đúng người, đúng việc, tương xứng với những hành vi vi phạm pháp luật của tập thể, cá nhân.

Bên cạnh đó, cần tăng cường sự độc lập tương đối của cơ quan thanh tra với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Trước hết cần tăng cường sự chỉ đạo, điều hành thống nhất của Thanh tra cấp trên với Thanh tra cấp dưới, đặc biệt là khâu xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, thực hiện chế độ thông tin báo cáo, trong hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; tăng cường hơn nữa vai trò và trách nhiệm của Thanh tra cấp trên trong việc củng cố, kiện toàn về tổ chức, nhân sự của Thanh tra cấp dưới. Tăng cường vai trò, chức năng, thẩm quyền cho Thanh tra Chính phủ đối với các mặt tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra được thành lập theo cấp hành chính (Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện). Việc tăng cường sự tập trung về thẩm quyền cho cơ quan Thanh tra hành chính cấp trên đồng nghĩa với việc giảm bớt sự chi phối của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thanh tra nói chung và trong hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra nói riêng.

Bảy là, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra nói chung, làm công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra sau thanh tra nói riêng

Nhân tố chủ yếu tác động đến kết quả của hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra chính là nhân tố con người, bao gồm phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn và ý thức trách nhiệm của cán bộ thanh tra. Vì vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thanh tra là một trong những giải pháp hàng đầu để nâng cao kết quả hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Trong đó, cần tiêu chuẩn hóa và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra sau thanh tra.

Để làm được việc này cần có những quy định và hướng dẫn về những tiêu chuẩn nghiệp vụ cần thiết đối với lực lượng chuyên trách theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra cho phù hợp yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan thanh tra. Không áp dụng máy móc công thức tiêu chuẩn, nghiệp vụ của các ngạch công chức, chuyên môn nghiệp vụ khác mà cần quy định sát với yêu cầu hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra.

Để đáp ứng được các yêu cầu của việc nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, bên cạnh việc nâng cao chất lượng tuyển chọn cán bộ vào ngành cần phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức đang làm công tác thanh tra.

Ngoài ra, cần chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức làm công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức làm công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, trong đó cần phát huy tốt vai trò giám sát của tổ chức đối với đội ngũ cán bộ, thanh tra viên nhằm kịp thời phát hiện những biểu hiện sai phạm nhũng nhiễu, những vi phạm quy tắc đạo đức, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra nói chung và công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra nói riêng.

Tám là, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan thanh tra với cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra

Sự thiếu rõ ràng trong cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra với cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động thanh tra nói chung và hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra nói riêng chính là một trong những nguyên nhân không nhỏ dẫn tới những chậm chễ, hạn chế trong hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra thời gian vừa qua. Để hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra được diễn ra thuận lợi, có hiệu quả thì việc đổi mới, tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra với cơ quan có thẩm quyền là một trong những giải pháp quan trọng, hiệu quả./.

Lê Đức Trung

Trưởng phòng QLKH-Viện Khoa học Thanh tra (www.thanhtravietnam.vn)


Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.050.078
Truy cập hiện tại 1.652 khách