Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Chia sẻ kinh nghiệm công tác xử lý sau thanh tra
Ngày cập nhật 29/07/2013
Ngày 25/7, tại Hải Phòng, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh đã chủ trì Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về công tác đôn đốc,  xử lý sau thanh tra. Tham dự có đại diện lãnh đạo Thanh tra một số bộ, ngành, thanh tra một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và đại diện các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ.

 

toan canh hoi nghi.JPG


Hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra có một vị trí và vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra và thông qua hoạt động này sẽ  giúp người quản lý đánh giá được hiệu quả của hoạt động thanh tra. Xuất phát từ tầm quan trọng này, trên cơ sở những quy định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật,  những năm gần đây, trong định hướng chương trình công tác thanh tra hàng năm, Thanh tra Chính phủ xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của toàn ngành là phải tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, nhất là việc thu hồi tài sản vi phạm phát hiện qua thanh tra cũng như việc xử lý kỷ luật tổ chức, cá nhân có vi phạm. Trong năm 2012, Tổng Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả đôn đốc xử lý sau thanh tra như: Xây dựng, hoàn thiện bộ máy; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho hoạt động đôn đốc và xử lý sau thanh tra nên kết quả có nhiều chuyển biến hơn các năm trước. Cụ thể, năm 2012, tỷ lệ thu hồi sau thanh tra tại Thanh tra Chính phủ đạt trên 70%, tại các điạ phương, bộ, ngành đạt thấp hơn khoảng 40%.
 
Để bước đầu tạo sự thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, ngày 12/3/2013, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 01/2013/TT-TTCP quy định về hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra. Tuy nhiên, hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra hiện nay đang gặp nhiều khó khăn và mỗi nơi có những cách làm khác nhau. Tại Hội nghị, các đại biểu đều đồng tình với Thanh tra Chính phủ về một số nguyên nhân chủ yếu sau:  
Thứ nhất, quy định của pháp luật về Thanh tra còn bất cập, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế trong xử lý sau thanh tra, chế tài xử lý trong việc không chấp hành thực hiện kết luận thanh tra, nhất là chưa có các văn bản hướng dẫn về trình tự thủ tục, xử lý sau thanh tra. 
Thứ hai, pháp luật hiện hành chưa xác định rõ một cơ quan chuyên trách có trách nhiệm thực hiện, thi hành kết luận thanh tra, tương tự như cơ quan thi hành án để thi hành các Bản án, quyết định của Tòa án có cơ quan Thi hành án thi hành…; 
Thứ ba, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ trực tiếp tham gia các Đoàn thanh tra còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng khi ban hành kết luận thanh tra. Một số kết luận thanh tra tính khả thi chưa cao, thiếu căn cứ; kiến nghị còn chung chung chưa chỉ được cụ thể những tập thể, cá nhân có vi phạm, chưa phù hợp với thực tiễn gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện việc xử lý sau thanh tra.
Thứ tư, trong một thời gian tương đối dài, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ở một số cấp từ bộ, ngành tới địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các kiến nghị xử lý sau thanh tra không nghiêm, nhất là việc thu hồi tiền, tài sản và xử lý cán bộ có vi phạm phát hiện qua thanh tra.
Thứ năm, do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân bị xử lý còn hạn chế. Có những trường hợp cố ý chây ỳ hoặc trốn tránh việc thực hiện kết luận thanh tra nhưng không được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh. Nhưng cũng có những trường hợp đối tượng gây thất thoát không có khả năng nộp lại khoản tiền bị cơ quan thanh tra thu hồi hoặc xử phạt vi phạm.
 Thứ sáu, trong thời gian qua, tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu và những tác động của suy thoái phần nào ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam mà trực tiếp là hoạt động của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế (trong đó có đối tượng được thanh tra), đây cũng là một trong những nguyên nhân khách quan khiến đối tượng thanh tra chậm hoặc không có khả năng thực hiện kiến nghị, kết luận thanh tra. 
 
Từ việc phân tích nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, bất cập, hạn chế trong công tác xử lý sau thanh tra, các đại biểu đã đưa ra nhiều kinh nghiệm về công tác này ở các đại phương, bộ, ngành như: Kiện toàn hoạt động của bộ phận xử lý sau thanh tra; gắn trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra cũng như vai trò của lãnh đạo thanh tra tỉnh, bộ, ngành với công tác xử lý sau thanh tra; tham mưu cho cấp ủy có văn bản lãnh đạo công tác xử lý sau thanh tra đối với các cấp ủy đảng và chính quyền; nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra với những biện pháp cụ thể như: Việc lập các Biên bản trong quá trình thanh tra phải chặt chẽ, đảm bảo đầy đủ tính pháp lý, cứ căn cứ để phục vụ trong quá trình kết luận;. việc xây dựng báo cáo kết quả thanh tra phải đảm bảo chất lượng cao; phải nhận xét đúng, sai so với quy định của pháp luật nào; đồng thời phải đề xuất, kiến nghị đúng quy định của pháp luật, có tình, có lý, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi; mặt khác, đoàn thanh tra cũng phải chú ý, xem xét, lắng nghe đến ý kiến giải trình của đối tượng thanh tra và của các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là những ý kiến tham gia của các ngành có chuyên môn sâu; kết luận thanh tra phải đảm bảo sự chính xác, khách quan, tránh sự áp đặt, miễn cưỡng; kiến nghị phải đúng quy định của pháp luật và có tính khả thi; nội dung kiến nghị phải nêu rõ: cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có trách nhiệm thực hiện và thời hạn thực hiện…
anh26thang7.JPG

Kết luận hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh khẳng định, ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm của các đại biểu hết sức thẳng thắn, cởi mở, thể hiện tinh thần trách nhiệm với một hoạt động rất phức tạp, khó khăn trong công tác thanh tra. Các ý kiến này sẽ  là những kinh nghiệm quý báu để nhân rộng, phổ biến trong toàn ngành Thanh tra. Đồng thời, các đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tham dự hội nghị cũng sẽ là cơ sở để hoàn thiện cơ chế, pháp luật trong hoạt động theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu hoạt động thanh tra trong điều kiện hiện nay. Phó Tổng Thanh tra nhấn mạnh vị trí và vai trò hết sức quan trọng của công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra. Trong thời gian tới, công tác này cần được coi trọng hơn nữa bằng những kế hoạch hoạt động cụ thể, tăng cường theo dõi sát sao, đôn đốc kịp thời, kiểm tra và chỉ đạo việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra. Thanh tra các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đóng góp những kinh nghiệm sâu sắc, thiết thực hơn để nhân rộng, phổ biến trong toàn ngành. Thanh tra Chính phủ sẽ quan tâm tới công tác tổng kết, xây dựng hoàn thiện thể chế để tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động đôn đốc, xử lý sau thanh tra được thuận lợi hơn nữa.
 
Đăng Khoa
(www.thanhtra.gov.vn)
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.050.078
Truy cập hiện tại 1.741 khách