Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Hoạt động thanh tra hành chính góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước
Ngày cập nhật 03/08/2013

 (ThanhtraVietnam) - Thanh tra hành chính theo qui định của Luật Thanh tra là hoạt động thanh tra của cơ quan quản lý nhà nước theo cấp hành chính đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp.

 

Theo đó, thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra trong nội bộ bộ máy nhà nước; là thanh tra của cơ quan cấp trên đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân cấp dưới thuộc quyền quản lý trực tiếp; là thanh tra của chủ thể quản lý này với chủ thể quản lý khác. Vì vậy, thanh tra hành chính mang tính giám sát nội bộ của bộ máy nhà nước hay bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước.

Luật Thanh tra năm 2010 đề cao mục đích phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục. Điều này đã thể hiện sự thay đổi rất cơ bản trong cách đánh giá, nhìn nhận kết quả hoạt động thanh tra. Theo đó, kết quả về số vụ việc vi phạm, các hành vi vi phạm, số tiền, tài sản sai phạm không còn là căn cứ đầu tiên và quan trọng nhất để đánh giá kết quả hoạt động thanh tra nữa mà cần phải căn cứ trước hết vào kết quả phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục, sau đó mới đến kết quả về số vụ việc vi phạm, các hành vi vi phạm, số tiền, tài sản vi phạm v.v…. Giúp cơ quan, tổ chức thực hiện đúng quy định của pháp luật và phát huy nhân tố tích cực cũng là những mục đích quan trọng định hướng cho kết quả hoạt động thanh tra. Cuối cùng, từ những kết quả cụ thể nêu trên, hoạt động thanh tra hướng đến kết quả chung là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong từng ngành, từng lĩnh vực. 
 

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong 6 mục đích của hoạt động thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra năm 2010, bốn mục đích đầu tiên có nội dung khá cụ thể và có thể được coi là những điểm mốc để đánh giá kết quả hoạt động thanh tra, hai mục đích sau có tính chất khái quát và có thể coi là những định hướng cho hoạt động.

Để quyết định quản lý nhà nước được các cơ quan, tổ chức và cá nhân chấp hành một cách chính xác, đầy đủ thì các cơ quan, cá nhân đã ban hành quyết định quản lý phải đề ra quy trình thực hiện quyết định đó. Trong quy trình đó không thể thiếu được hoạt động thanh tra, kiểm tra. Thanh tra, kiểm tra là để đánh giá, nhận xét tình hình và kết quả thực hiện quyết định quản lý; để kiểm nghiệm lại chính nội dung và chất lượng quản lý; khi cần thiết phải bổ sung, sửa đổi, thậm chí phải huỷ bỏ một phần hay toàn bộ quyết định quản lý; đưa ra quyết định quản lý mới chất lượng hiệu quả hơn.

 Khi nội dung và chất lượng quyết định quản lý được thực tế kiểm nghiệm là đúng, là phù hợp, nhưng đối tượng thi hành vẫn không tuân thủ và không chấp hành nghiêm chỉnh thì khi đó hoạt động thanh tra, kiểm tra phải phục vụ cho việc làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, xác định rõ trách nhiệm thuộc khâu nào, thuộc ai để chấn chỉnh hoặc xử lý khi có vi phạm. Với ý nghĩa đó thanh tra thực chất đã góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

Quán triệt tinh thần trên, toàn ngành Thanh tra Đồng Tháp đã chủ động và áp dụng có hiệu quả hoạt động thanh tra hành chính góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã  hội và chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh nhà năm sau cao hơn năm trước. Thể hiện việc áp dụng một số phương pháp chủ yếu nâng cao hoạt động thanh tra hành chính như sau:

- Về xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra: Căn cứ vào định hướng chương trình thanh tra của Thanh tra Chính phủ, nghị quyết của Tỉnh uỷ, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2010 - 2015 của UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt theo quy định và thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, góp ý kịp thời cho Thanh tra sở, Thanh tra huyện, thị, thành phố xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra cấp mình. Vì vậy, kế hoạch thanh tra toàn ngành đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo gây phiền hà cho đối tượng thanh tra, phục vụ yêu cầu thiết thực cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương, ngành có hiệu quả góp phần chống suy giảm kinh tế, chống tham nhũng lãng phí, đảm bảo an ninh chính trị ở địa phương.

Việc xây dựng kế hoạch thanh tra tập trung vào yêu cầu, nhiệm vụ công tác trọng tâm hàng năm của cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, xử lý những vấn đề nổi cộm, nóng bỏng, bức xúc trong quản lý kinh tế - xã hội ở mỗi ngành, mỗi cấp; nhất là công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Khảo sát và nắm chắc tình hình thực hiện chính sách pháp luật, nhiệm vụ của đối tượng thanh tra thông qua thông tin, dữ liệu, số liệu thống kê, kết quả thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền, báo cáo định kỳ; kế hoạch thanh tra sát với tình hình thực tế, phục vụ tốt việc phát hiện sai phạm, chấn chỉnh công tác quản lý và đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tránh chồng chéo về đối tượng, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra. Công khai kế hoạch thanh tra hàng năm để nguời dân, cơ quan, tổ chức và nhất là các cơ quan báo chí có thêm thông tin giám sát hoạt động này của các cơ quan thanh tra.

- Chuẩn bị thành lập Đoàn thanh tra: Trên cơ sở khảo sát đối tượng thanh tra từ các thông tin, dữ liệu, số liệu thống kê, kết quả thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền, báo cáo định kỳ của đối tượng thanh tra và đánh giá nhận xét của các phòng chuyên môn của cơ quan thanh tra thông qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; cơ quan thanh tra lập đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo; xây dựng kế hoạch thanh tra, nghiên cứu, dự kiến những nội dung phải đạt được trong kết luận thanh tra. Qua đó rút ngắn thời gian tác nghiệp của Đoàn thanh tra, việc thanh tra tại đơn vị chỉ nhằm kiểm tra làm rõ mặt mạnh, yếu, nguyên nhân và những vấn đề còn mâu thuẫn giữa báo cáo của đối tượng thanh tra theo đề cương so với kết quả đã nghiên cứu, khảo sát của cơ quan thanh tra.

- Công bố quyết định thanh tra: Quyết định thanh tra được gửi cho đối tượng thanh tra theo quy định và công khai trên trang thông tin điện tử của tỉnh và cơ quan thanh tra nhằm tạo điều kiện khi công bố quyết định thanh tra tại nơi được thanh tra, ngoài thành phần tham dự gồm thành viên Đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra còn có người dân, cơ quan, tổ chức và nhất là các cơ quan báo chí có thể tiếp cận, biết về nội dung quyết định và có thể chủ động phối hợp với Đoàn thanh tra để cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho hoạt động thanh tra nhằm tăng cường việc giám sát đối với hoạt động của Đoàn thanh tra.

- Tăng cường công khai, minh bạch trong quá trình thanh tra: Công khai, minh bạch về trình tự, thủ tục thanh tra; kế hoạch tiến hành thanh tra; quyền và nghĩa vụ của Đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra, hạn chế sự khép kín thông tin trong nội bộ Đoàn thanh tra, tránh tạo khe hở cho việc lợi dụng, làm nảy sinh tiêu cực trong hoạt động thanh tra. Đảm bảo cho hoạt động thanh tra được đúng pháp luật, không có sự can thiệp trái pháp luật tới hoạt động thanh tra, tạo sự ủng hộ từ phía xã hội đối với công tác thanh tra.

- Công khai kết luận thanh tra: Cung cấp kết luận thanh tra cho các cơ quan, tổ chức, báo chí khi có yêu cầu (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Các kết luận thanh tra được công khai dưới hình thức gửi kết luận cho đối tượng thanh tra hoặc công bố kết luận thanh tra tại nơi được thanh tra. Tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nhất là các cơ quan báo chí có thể tiếp cận kết luận thanh tra và giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan. Việc công khai các quy định này nhằm tạo điều kiện cho những người làm công tác thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có thể tiếp cận để thực hiện, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra trong thời gian tới.

- Công khai xử lý kết luận thanh tra: Việc xử lý kết luận thanh tra được thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp đặc biệt quan tâm ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện. Mặt khác, công tác thanh tra phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp trong quá trình thực hiện, vì vậy các kết luận, kiến nghị, đề xuất của cơ quan thanh tra đảm bảo hợp pháp, hợp lý, khả thi, đối tượng thanh tra đồng thuận; từ đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực thi nghiêm túc kết luận, kiến nghị sau thanh tra. Qua đó một mặt tạo điều kiện thực hiện công khai quyết định xử lý sau thanh tra, mặt khác là để tăng cường việc đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của người có trách nhiệm, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra.

Qua áp dụng các phương pháp nêu trên, toàn ngành Thanh tra Đồng Tháp đề cao mục đích phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục. Điều này đã thể hiện sự thay đổi rất cơ bản trong cách đánh giá, nhìn nhận kết quả hoạt động thanh tra. Theo đó, kết quả về số vụ việc vi phạm, các hành vi vi phạm, số tiền, tài sản sai phạm không còn là căn cứ đầu tiên và quan trọng nhất để đánh giá kết quả hoạt động thanh tra nữa mà cần phải căn cứ trước hết vào kết quả phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục, sau đó mới đến kết quả về số vụ việc vi phạm, các hành vi vi phạm, số tiền, tài sản vi phạm v.v…. giúp cơ quan, tổ chức thực hiện đúng quy định của pháp luật và phát huy nhân tố tích cực cũng là những mục đích quan trọng định hướng cho kết quả hoạt động thanh tra. Từ những kết quả cụ thể nêu trên, hoạt động thanh tra hướng đến kết quả chung là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Toàn ngành Thanh tra tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm sát với yêu cầu nhiệm vụ quản lý, tổ chức triển khai thực hiện linh hoạt giữa kế hoạch và nhiệm vụ đột xuất; từng bước chuyển hướng, hoạt động thanh tra chủ yếu là thanh tra vụ việc, sang tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thanh tra hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng. Đổi mới tổ chức và phương pháp thanh tra, công khai, dân chủ, chính xác, khách quan, nên các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra ngày càng hợp pháp, hợp lý, khả thi. Trong quá trình thanh tra những vấn đề cần xử lý, được xử lý ngay theo thẩm quyền, nên tính kịp thời, tính nghiêm minh được đảm bảo.

Từ năm 2010 đến nay, ngành Thanh tra Đồng Tháp đã tiến hành 250 cuộc thanh tra hành chính và kết thúc tại 564 đơn vị (theo kế hoạch 182 cuộc, theo chỉ đạo đột xuất 68 cuộc) vượt 37% so với kế hoạch được phê duyệt. Tổng số tiền vi phạm về kinh tế 256.194 triệu đồng; 917,21 chỉ vàng 24K; 184.825m2 đất; sai phạm khác 79.885,75 triệu đồng. Kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước 27.509 triệu đồng, 917,21 chỉ vàng 24K, 177.921m2 đất; kiến nghị xử lý khác 79.885,75 triệu đồng. Kiến nghị xử lý hành chính 77 tập thể, 157 cá nhân. Các kiến nghị được thực hiện đạt 100%.

Qua thanh tra đã giúp các đơn vị nâng cao hiệu quả công tác quản lý vốn xây dựng cơ bản; thực hiện tốt từng khâu kế hoạch đầu tư; tiến độ giải ngân vốn nhanh; quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành kịp thời; khắc phục tình trạng thanh toán cao hơn thực tế thi công, công tác quản lý vốn ngân sách cũng được tăng cường; khắc phục tình trạng nợ tồn đọng ngân sách dây dưa kéo dài; tăng cường công tác thu ngân sách, nhất là nợ đọng thuế và trốn thuế. Bên cạnh đó, công tác thanh tra cũng góp phần đáng kể khắc phục việc lấn chiếm đất đai, cho thuê đất sai quy định, đất công cho mượn, nợ tiền thuê đất, cho thuê đất không đúng theo giá quy định, đất bỏ ngoài không ký hợp đồng cho thuê./.

 

Nguyễn Tân Đông

Phó Chánh Thanh tra tỉnh Đồng Tháp(www.thanhtravietnam.vn)

 

 
Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.043.683
Truy cập hiện tại 1.259 khách