Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Bàn về việc thành lập phòng giám sát, kiểm tra, xử lý sau thanh tra ở cơ quan thanh tra cấp tỉnh hiện nay
Ngày cập nhật 23/08/2013

 (ThanhtraVietnam) – Với tính chất đặc thù và cơ cấu các Phòng tại các cơ quan Thanh tra các tỉnh, thành phố hiện nay, khi phân công những nhiệm vụ mới sẽ không tránh khỏi sự lúng túng, có khi chồng chéo, chính vì vậy khi thực hiện sẽ gặp nhiều vướng mắc, không tập trung, khó khăn cho công  tác quản lý, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hiệu quả công việc và sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cơ quan Thanh tra cấp tỉnh

 Để thực hiện các nhiệm vụ được giao, các cơ quan Thanh tra cấp tỉnh đều phải thành lập các Phòng chức năng, Phòng chuyên môn để trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ do lãnh đạo phân công. Theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 475/2009/TTLT-TTCP-BNV ngày 13/03/2009 giữa Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ thì Thanh tra các tỉnh, cơ cấu không quá 06 phòng, riêng Thanh tra thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cơ cấu không quá 08 phòng. Thực tế hiện nay cho thấy việc thực hiện Thông tư này ở các địa phương chưa được thống nhất từ số lượng, tên gọi đến chức năng, nhiệm vụ, từ đó dẫn đến việc điều hành, chỉ đạo, quản lý của lãnh đạo thanh tra các tỉnh cũng có sự khác nhau. Mặt khác từ tháng 12/2008 (thời điểm Thanh tra Chính phủ ban hành Quy chế Giám sát, kiểm tra hoạt động Đoàn thanh tra) đến nay có một số chức năng nhiệm vụ mới được bổ sung trong Luật Thanh tra năm 2010; Luật Khiếu nại năm 2011; Luật Tố cáo năm 2011 và một số các văn bản khác…Điều đáng chú ý là những nhiệm vụ mới và một số quy định, hướng dẫn, chứa đựng tính độc lập, đặc thù, nổi bật đó là các nhiệm vụ có liên quan đến giám sát, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, giám định, thẩm định, xử lý, tổng hợp, báo cáo, đề xuất….. Để hoàn thành các nhiệm vụ mới  đó, Thanh tra các tỉnh buộc phải phân công bổ sung nhiệm vụ cho các phòng. Với tính chất đặc thù như vậy và cơ cấu các Phòng tại các cơ quan Thanh tra các tỉnh, thành phố hiện nay, khi phân công những nhiệm vụ mới này sẽ không tránh khỏi sự lúng túng, có khi chồng chéo, chính vì vậy khi thực hiện sẽ gặp nhiều vướng mắc, không tập trung, khó khăn cho công  tác quản lý, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hiệu quả công việc và sự chỉ đạo, lãnh đạo của các cơ quan Thanh tra cấp tỉnh, điều đó được thể hiện ở các vấn đề sau:

Thứ nhất: Công tác giám sát, kiểm tra hoạt động Đoàn thanh tra là nhiệm vụ nội bộ trong ngành được thực hiện theo Quyết định số 2861/2008/QĐ-TTCP ngày 22/12/2008 của Tổng Thanh tra Chính phủ. Người ra quyết định thanh tra có thể tự giám sát hoặc cử cán bộ thuộc quyền giám sát, việc giám sát là việc làm bắt buộc với tất cả các Đoàn thanh tra, việc kiểm tra phải được người ra quyết định kiểm tra bằng văn bản khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm có liên quan đến Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn thanh tra. Nếu người ra quyết định thanh tra tự giám sát thì việc giám sát chủ yếu là trực tiếp, không có đủ thời gian để xem xét hồ sơ nên thường không có báo cáo giám sát bằng văn bản các nội dung giám sát theo quy định, do đó trong hồ sơ đoàn thanh tra sẽ thiếu báo cáo giám sát hoạt động đoàn thanh tra. Nếu cử người giám sát thì phải cử người đủ tiêu chuẩn đồng thời phải có chức vụ ngạch bậc lớn hơn hoặc tương đương với Trưởng đoàn thanh tra. Hiện tại  đối với lực lượng này trong cơ quan Thanh tra  cấp tỉnh hiện nay là Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng hoặc Thanh tra viên chính, chiếm tỷ lệ không quá 25% so với tổng số CBCC.  Riêng lực lượng này thường xuyên phải tham gia ít nhất cùng một lúc 2 đến 3 đoàn thanh tra, vì vậy thời gian dành cho công tác giám sát không nhiều, nội dung giám sát sẽ không đầy đủ, báo cáo giám sát sẽ nặng về hình thức, chất lượng giám sát sẽ không đạt được mục đích và yêu cầu đề ra. Mặt khác công việc giám sát là việc làm thường xuyên, liên tục với 08 nội dung phải thực hiện trong thời gian hoạt động đoàn thanh tra (từ 30 đến 45 ngày) nếu không có bộ phận chuyên môn trực tiếp theo dõi tổng hợp, báo cáo về kết quả giám sát thì việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người ra Quyết định thanh tra sẽ bị phân tán và gặp khó khăn, nhất là công việc xử lý, điều chỉnh thực hiện kế hoạch tiến độ thời hạn của các đoàn thanh tra.
 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thứ hai: Căn cứ Luật Thanh tra năm 2010, Điều 21, khoản 1, đã quy định nhiệm vụ của thanh tra cấp tỉnh phải: Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị xử lý về thanh tra của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Thanh tra tỉnh;  Điều 22, khoản 2, điểm e, quy định nhiệm vụ quyền hạn của Chánh Thanh tra tỉnh: Kiến nghị của Chủ tịch UBND tỉnh xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc thẩm quyền quản lý của Chủ tịch UBND cấp tỉnh có hành vi vi phạm pháp luật phát hiện qua thanh tra, yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra. Đây là những nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra. Chính vì vậy, ngày 12/03/2013 Thanh tra Chính phủ đã Ban hành Thông tư số 01/2013/TT-TTCP, quy định về hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết đinh xử lý về thanh tra. Để thực hiện nhiệm vụ này nếu giao cho các phòng nghiệp vụ chuyên môn thì sẽ bị phân tán, không tập trung khó khăn cho việc theo dõi, tổng hợp, nếu giao cho các đoàn thanh tra tự thực hiện thì khi gặp trường hợp phải tổ chức kiểm tra thì bản thân đoàn thanh tra lại không kiểm tra được, nếu giao cho văn phòng thì chỉ thực hiện được phần theo dõi, tổng hợp khi tổ chức kiểm tra, phát hiện hành vi vi phạm thì nghiệp vụ chuyên môn có phần hạn chế. Mặt khác tất cả các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra đều liên quan đến hai lĩnh vực về hành chính và kinh tế, có số liệu và thời gian thực hiện. Theo như số liệu của thanh tra các tỉnh, thành phố hiện nay mỗi năm số lượng sai phạm về tiền cần phải xử lý, thu hồi lại đến hàng chục tỷ đồng, và hàng trăm các kiến nghị xử lý về hành chính, nếu không có một bộ phận chuyên môn thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, lập bảng biểu tổng hợp báo cáo và tham mưu các biện pháp thực hiện thì việc chỉ đạo để hoàn thành nhiệm vụ này sẽ gặp khó khăn, làm giảm hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra.

Thứ ba: Một nhiệm vụ mới của các cơ quan thanh tra cấp tỉnh, Chánh Thanh tra cấp tỉnh, đã được Luật Thanh tra năm 2010 quy định tại Điều 21, khoản 21 về nhiệm vụ quyền hạn của Thanh tra tỉnh là phải: Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của Giám đốc sở, Chủ tịch UBND cấp huyện khi cần thiết; tại Điều 22, khoản 2, điểm a, b, c, quy định Chánh thanh tra cấp tỉnh có quyền hạn :

- Quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp tỉnh về quyết định của mình.

- Quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Giám đốc sở kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi Chủ tịch UBND tỉnh giao, Quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Chủ tịch UBND cấp huyện kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

- Yêu cầu Giám đốc sở, Chủ tịch UBND cấp huyện, tiến hành thanh tra trong phạm vi quản lý của mình, khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; Trường hợp Giám đốc sở, Chủ tịch UBND cấp huyện, không đồng ý thì có quyền ra quyết định thanh tra, báo cáo và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp tỉnh về quyết định của mình.

Đây là nhiệm vụ mang tính chất nghiệp vụ và quản lý, đồng thời cũng là nhiệm vụ thường xuyên của cơ quan thanh tra cấp tỉnh. Việc quyết định thanh tra lại hoặc kiến nghị Giám đốc sở, Chủ tịch UBND cấp huyện tiến hành thanh tra phải có đủ cơ sở pháp lý, đặc biệt là phải phát hiện đúng có dấu hiệu vi phạm. Nếu phân công nhiệm vụ này cho các phòng nghiệp vụ theo dõi địa bàn lĩnh vực mình phụ trách, thì do vì liên quan đến trách nhiệm, nên kết quả kiểm tra sẽ không được khách quan, chất lượng đề xuất sẽ thiếu chính xác. Từ đó đòi hỏi trong cơ quan thanh tra cấp tỉnh phải có một bộ phận gồm những cán bộ có kinh nghiệm, có năng lực trực tiếp theo dõi, kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp của các kết luận thanh tra của Giám đốc sở hoặc chủ tich UBND cấp huyện. Nhiệm vụ của bộ phận này là ngoài việc nắm bắt thông tin, phản ánh, đơn thư ( nếu có) thì còn phải kiểm tra hồ sơ, tài liệu chứng cứ có liên quan đến các kết luận thanh tra, đặc biệt là các chứng cứ chứng minh kết luận thanh tra có vi phạm pháp luật  làm cơ sở  để đề xuất, kiến nghị  Chánh thanh tra xem xét quyết định.

Thứ tư: Căn cứ Luật thanh tra năm 2010: Điều 50, khoản 1 quy định: Chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định phải ra văn bản kết luận thanh tra….; Điều 39, khoản 3 quy định: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận thanh tra và lựa chọn 1 trong 3 hình thức sau: Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; Đưa lên trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan QLNN cùng cấp; Niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra.

Kết luận thanh tra là văn bản đặc biệt quan trọng đối với mỗi cuộc thanh tra, là sản phẩm trí tuệ của đoàn thanh tra, của cơ quan thanh tra và điều cần phải lưu ý nữa là văn bản được công khai, sẽ rất nhiều các thành phần trong xã hội quan tâm. Chính vì vậy, trước khi ban hành và công khai thì việc thẩm định, kiểm tra xem xét kỹ càng cả về hình thức và nội dung kết luận là hết sức cần thiết và phải được thực hiện nghiêm túc. Nếu nhiệm vụ này giao cho Trưởng một phòng hoặc Trưởng một Đoàn thanh tra khác thì chất lượng thẩm định, kiểm tra sẽ không cao, một mặt do phải làm Trưởng đoàn thanh tra khác nên thời gian dành cho việc này không nhiều, việc kiểm tra hồ sơ, tài liệu trình tự thủ tục không được đầy đủ, mặt khác một phần cũng do nể nang , tôn trọng lẫn nhau nên cũng hạn chế tham gia góp ý vào dự thảo kết luận của đồng nghiệp. Nếu giao cho văn phòng hoặc người giám sát thực hiện việc này sẽ không hợp lý xét về mặt chuyên môn nghiệp vụ. Để tham mưu giúp cho lãnh đạo thanh tra cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ quan trọng này phải giao cho bộ phận thực sự có đầy đủ tố chất như một cơ quan “giám định” chất lượng sản phẩm, cán bộ thực hiện việc này phải có tính chuyên môn cao, có kinh nghiệm, nắm vững pháp luật, am hiểu kiến thức xã hội…

Thứ năm: Về thẩm quyền của Chánh Thanh tra cấp tỉnh trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được quy định trong Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo năm 2011 quy định như sau:

Tại Khoản 1,2 Điều 25, Luật Khiếu nại năm 2011, quy định thẩm quyền của Chánh Thanh tra các cấp: Giúp thủ trưởng cơ quan QLNN cùng cấp tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan QLNN cùng cấp khi được giao; Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan thuộc quyền quản lý trực tiếp của Thủ trưởng trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại khi có hiệu lực pháp luật. Từ đó có thể thấy Chánh Thanh tra cấp tỉnh phải giúp Chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện kiểm tra, xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, khi được giao, đồng thời phải theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý của Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi có hiệu lực pháp luật.

Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 23 Luật Tố cáo năm 2011 quy định: Trách nhiệm của Chánh Thanh tra các cấp và của Tổng Thanh tra Chính phủ: Xác minh nội dung tố cáo, kết luận nội dung xác minh, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của người đứng đầu cơ quan HCNN cùng cấp khi được giao. Như vậy chánh Thanh tra cấp tỉnh có trách nhiệm xác minh nội dung tố cáo, kết luận nội dung xác minh, kiến nghị biện pháp xử lý tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh  khi được giao.

Từ đó cho thấy: Các vụ việc khiếu nại, tố cáo khi được Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao thì Chánh Thanh tra cấp tỉnh đều phải quyết định tiến hành thẩm tra, xác minh, kết luận, kiến nghị  việc giải quyết khiếu nại và xử lý tố cáo để báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét quyết định. Vì vậy các Đoàn thẩm tra, xác minh đều phải thực hiện nhiệm vụ theo một quy trình nhất định, có thời hạn cụ thể. Nếu các Đoàn thẩm tra, xác minh không được giám sát, kiểm tra chặt chẽ sẽ dễ nảy sinh những vi phạm về quy trình, thời gian giải quyết …, mặt khác khi khiếu nại đã có quyết định giải quyết và tố cáo đã có quyết định xử lý thì phải có bộ phận theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quyết định đó. Hàng năm ở cấp tỉnh các vụ việc khiếu nại, tố cáo được Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao ít nhất là 15 vụ trở lên, do đó phải có bộ phận giúp Chánh Thanh tra giám sát, kiểm tra việc thực hiện của các đoàn, đồng thời phải tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện, đặc biệt là theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại và xử lý tố cáo khi đã có hiệu lực pháp luật. Thực tế hiện nay thanh tra các tỉnh cũng còn lúng túng phân công nhiệm vụ này, có tỉnh phân công trực tiếp  cho các Đoàn thanh tra, xác minh hoặc cho các phòng được giao trực tiếp thẩm tra, xác minh chính vì vậy công tác tổng hợp, báo cáo, theo dõi kiểm tra, đôn đốc không tập trung, khó khăn cho việc chỉ đạo và cũng là nguyên nhân gây nên một số vụ việc kéo dài.

Với chỉ 05 nhiệm vụ cơ bản trên, chưa kể một số nhiệm vụ khác, về cơ sở lý luận và thực tế cơ cấu tổ chức của các cơ quan Thanh tra cấp tỉnh hiện nay, để giúp cho tập thể lãnh đạo, chánh Thanh tra và các cơ quan thanh tra cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ được giao thì việc thành lập phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra là hết sức cần thiết./.

Trần Ngọc Tranh

 Phó Chánh Thanh tra tỉnh Hoà Bình (www.thanhtravietnam.vn)

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.034.625
Truy cập hiện tại 1.060 khách