Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Vai trò của các cơ quan thanh tra nhà nước trong việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng
Ngày cập nhật 05/10/2012

(ThanhtraVietnam) - Trong những năm vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành xác định là trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện quyết liệt. Nhiều vụ việc tham nhũng đã được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh. Kênh phát hiện các vụ tham nhũng chủ yếu là thông qua đơn thư tố cáo, hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan chức năng và thông tin phản ánh của báo chí.

 

Nhiều tấm gương điển hình, dũng cảm tố cao, đấu tranh với hành vi tham nhũng đã được biểu dương, khen thưởng, những cũng có trường hợp những người do tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực đã bị trù dập, trả thù mà họ không thể tự bảo vệ và các cơ quan chức năng cũng chưa có cơ chế cụ thể để bảo vệ họ kịp thời.

Tâm lý “sợ bị trả thù” phần nào làm hạn chế sự tích cực của người dân, cán bộ, công chức trong việc tố cáo các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng.

Qua tổng kết, đánh giá công tác PCTN cho thấy, một trong những hạn chế, yếu kém của công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng thời gian qua là thiếu cơ chế cụ thể bảo đảm an toàn cho người tố cáo tham nhũng.

Thực tế đó đặt ra vấn đề là muốn nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng thì các cơ quan chức năng, trong đó có các cơ quan thanh tra nhà nước phải phát huy tích cực vai trò của mình trong việc bảo đảm an toàn cho những người đã dũng cảm tố cáo hành vi tham nhũng.

Theo quy định của pháp luật, Thanh tra Chính phủ có chức năng quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quản lý nhà nước của Chính phủ. Cơ quan thanh tra nhà nước các cấp có chức năng giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp quản lý nhà nước về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác phòng, chống tham nhũng theo lĩnh vực, địa bàn quản lý. Với chức năng như vậy, các cơ quan thanh tra nhà nước có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người tố cáo nói chung và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng nói riêng, cụ thể như sau:

Một là, các cơ quan thanh tra nhà nước tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật, ban hành các quy định theo thẩm quyền, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng

Thanh tra Chính phủ là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ xây dựng Luật Khiếu nại, Luật tố cáo và Luật PCTN, trong đó có đưa ra chế định về bảo vệ người tố cáo nói chung. Cùng với các quy định của pháp luật về PCTN, chế định này sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng cho việc xây dựng các quy định cụ thể về bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng. Năm 2009, Thanh tra Chính phủ đã ban hành quy trình giải quyết tố cáo trong đó có một số quy định về bảo vệ người tố cáo nói chung, bao gồm cả người tố cáo hành vi tham nhũng.

Thanh tra các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ của mình cũng đã tích cực tham gia cùng với Thanh tra Chính phủ xây dựng chính sách, pháp luật về tố cáo và PCTN; chủ trì giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cung cấp xây dựng, ban hành các quy định về giải quyết tố cáo, PCTN trong phạm vi lĩnh vực, ngành, địa phương, trong đó có các quy định liên quan đến việc bảo vệ người tố cáo nói chung và bảo vệ người tố cáo nói chung và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng nói riêng.

Ngoài ra, các cơ quan thanh tra nhà nước có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giải quyết tố cáo, phòng, chống tham nhũng trong đó có các quy định về bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng.

Hai là, các cơ quan thanh tra nhà nước bảo vệ tố cáo tham nhũng thông qua việc giữ bí mật thông tin, tài liệu về người tố cáo trong quá trình tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng.

Cơ quan thanh tra nhà nước ở các cấp là đầu mối tiếp nhận, xử lý tố cáo về hành vi tham nhũng; thực hiện việc xác minh, kết luận về nội dung tố cáo khi được thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp giao, do đó có điều kiện để tiếp cận với các thông tin, tài liệu về người tố cáo hành vi tham nhũng. Nếu các thông tin này bị lộ ra cho người bị tố cáo thì không những gây khó khăn cho quá trình xác minh, kết luận mà còn ảnh hưởng, thậm chí gây nguy hiểm cho người tố cáo. Do đó, các cơ quan thanh tra nhà nước luôn có nguyên tắc là phải giữ bị mật họ tên, địa chỉ, bút tích và mọi thông tin có thể có hại cho người tố cáo trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình để bảo vệ người tố cáo.

Ba bà, các cơ quan thanh tra nhà nước bảo vệ người tố cáo tham nhũng thông qua việc kết luận rõ đúng, sai về nội dung tố cáo và kết luận rõ trách nhiệm của người tố cáo trong trường hợp nội dung tố cáo không đúng sự thật.

Qua quá trình xem xét, kết luận các nội dung tố cáo, có thể có nội dung tố cáo là đúng hoàn toàn, đúng một phần hoặc sai hoàn toàn. Do đó, các cơ quan thanh tra nhà nước phải kết luận rõ đúng, sai đối với từng nội dung tố cáo. Đồng thời, đối với những nội dung tố cáo không đúng sự thật thì phải xem xét, kết luận rõ người tố cáo có ý tố cáo sai sự thật hay không. Trường hợp người tố cáo không cố ý mà chỉ do nhận thức không đầy đủ hoặc thiếu thông tin dẫn đến việc tố cáo sai thì cơ quan thanh tra cần kết luận rõ để tránh việc người bị tố cáo yêu cầu xử lý người tố cáo sai hoặc lợi dụng việc tố cáo sai đó để quay lại trù dập, xử lý người tố cáo.
 

 

Bốn là, các cơ quan thanh tra nhà nước ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý hành vi trả thù người tố cáo tham nhũng.

Khi cơ quan thanh tra tiến hành thanh tra theo nội dung tố cáo hoặc xem xét, kết luận nội dung tố cáo theo thẩm quyền thì trong nhiều trường hợp, vai trò phối hợp của người tố cáo rất quan trọng trong việc chỉ ra những dấu hiệu vi phạm, cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết…Tuy nhiên, có trường hợp người bị tố cáo hoặc các đối tượng liên quan đã dùng quyền hạn của mình để kỷ luật, đình chỉ hoặc điều động, thuyên chuyển công tác, cho nghỉ hưu đối với người tố cáo (hoặc người bị nghi là người tố cáo) nhằm gây khó khăn cho hoạt động thanh tra, giải quyết tố cáo để trả thù người tố cáo. Trong trường hợp đó, Trưởng đoàn thanh tra có quyền kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thi hành các quyết định đó.

Khi nhận được thông tin người tố cáo bị đe dọa, trù dập, trả thù, nếu việc làm rõ thông tin đó thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình hoặc được cơ quan có thẩm quyền giao thì cơ quan thanh tra nhà nước tiến hành xác minh, kết luận và xử lý theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan làm rõ, để có biện pháp bảo vệ người tố cáo và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật người có hành vi đe dọa, trù dập, trả thù người tố cáo.

Năm là, các cơ quan thanh tra nhà nước theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình; chủ trì hoặc tham mưu việc sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo tham nhũng.

Thực hiện quy định của Luật thanh tra năm 2010, từ 01/7/2011, các cơ quan thanh tra nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về công tác PCTN theo thẩm quyền và giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác PCTN trên địa bàn, lĩnh vực. Do đó, các cơ quan thanh tra nhà nước có vai trò, trách nhiệm trong việc theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ người tố cáo phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành; chủ trì hoặc tham mưu giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, từ đó đúc rút, phổ biến những bài học kinh nghiệm, thực tiễn tốt về bảo vệ người tố cáo, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ người tố cáo nói chung và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng nói riêng.

Để dẩy mạnh công tác PCTN, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện chế định về bảo vệ người tố cáo trong Luật tố cáo theo hướng quy định cụ thể, chi tiết để thuận lợi cho áp dụng trong bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng. Đồng thời, sớm ban hành quy định cụ thể về bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, gắn với quy định về khen thưởng người có thành tích tố cáo hành vi tham nhũng. Quan tâm, bố trí các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh quy định về bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng.

Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong bảo vệ người tố cáo nói chung và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng nói riêng. Định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm việc thực hiện các quy định về bảo vệ người tố cáo để hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường hiệu lực, hiệu quả thi hành./.


Ngô Mạnh Hùng
Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng
Thanh tra Chính phủ

(www.thanhtravietnam.vn)

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.086.357
Truy cập hiện tại 761 khách