Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Các giải pháp nâng cao năng lực cán bộ, công chức ngành Thanh tra
Ngày cập nhật 24/09/2011

(Thanhtravietnam.vn) - Công tác xây dựng đội ngũ công chức ngành Thanh tra từ ngày thành lập đến nay đã có những chuyển biến quan trọng về nhận thức, quan điểm tư tưởng, được thể hiện trong cơ chế, chính sách, pháp luật từ khâu tuyển dụng, đào tạo và quản lý đã từng bước đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay.

 

Về chất lượng, phần lớn đội ngũ công chức hiện đang công tác đã được rèn luyện, thử thách qua quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với sự nghiệp cách mạng. Kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ công chức từng bước được nâng cao về mọi mặt, góp phần tích cực vào thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước trong giai đoạn vừa qua.

Kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ công chức ngành Thanh tra từng bước được nâng cao. Nguồn: Internet.
 

Về trình độ văn hoá và chuyên môn nghiệp vụ, hầu hết đội ngũ này đã tốt nghiệp phổ thông, được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên. Tuy nhiên ngành chưa có đội ngũ công chức thanh tra ổn định và chuyên nghiệp. Trình độ và năng lực của đội ngũ công chức thanh tra chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, còn bất cập về nhiều mặt như tri thức và năng lực thực thi nhiệm vụ cũng như khả năng vận dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác còn rất hạn chế. Số công chức đào tạo mới có đủ trình độ chuyên môn nhưng lại thiếu kinh nghiệm và ứng xử trong lĩnh vực thanh tra. Chất lượng đội ngũ công chức thanh tra chưa đồng đều, trình độ năng lực thực tế chưa tương xứng với văn bằng. Bên cạnh đó, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của một bộ phận công chức còn yếu, phong cách làm việc chậm đổi mới; tinh thần phục vụ nhân dân chưa cao, số lượng, cơ cấu đội ngũ công chức chưa đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài; tình trạng hẫng hụt giữa các thế hệ công chức còn phổ biến; thiếu đội ngũ cán bộ nòng cốt kế cận có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao đặc biệt là thanh tra ở tuyến huyện.

 

Chính bởi những lý do đó, mà nhu cầu chỉnh đốn và nâng cao chất lượng và trình độ của đội ngũ công chức trong thời đại mới là cần thiết đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp hữu hiệu nhằm xây dựng đội ngũ công chức ngành Thanh tra vững mạnh, chuyên nghiệp.

 

Trước hết, cần nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc thanh tra. Muốn vậy, cần phải nâng cao năng lực trình độ của đội ngũ công chức làm công tác này. Đặc biệt phẩm chất đạo đức của công chức thanh tra phải được đặt lên hàng đầu. Mỗi công chức làm công tác thanh tra phải thật sự gương mẫu, chấp hành nghiêm túc pháp luật. Cùng với đó, cần có cơ chế đánh giá năng lực của công chức trong ngành để xác định nhu cầu đào tạo bồi dưỡng nhằm thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng có hiệu quả, tạo được đội ngũ công chức trong tương lai đáp ứng được yêu cầu mà thực tế của ngành đặt ra, từ đó xác định nội dung, chương trình phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp.

 

Thứ hai, đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo bồi dưỡng công chức trong ngành. Hiện nay, đối với công chức ngành Thanh tra đã có Trường cán bộ thanh tra bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên từ cơ bản đến nâng cao. Tuy nhiên, cần đưa vào chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra cơ bản đối với những công chức mới vào ngành Thanh tra về những lĩnh vực như: Xây dựng cơ bản, tài chính, quản lý đất đai, tài chính - tín dụng,... là những lĩnh vực mà thanh tra thường xuyên tiếp cận. Cần trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ năng, những kinh nghiệm thanh tra, những ứng xử cần thiết trong quá trình thanh tra...

 

Hiện nay các chương trình đào tạo, bồi dưỡng công chức còn nặng về lý thuyết, giảng dạy còn chung chung, chưa đi sâu vào từng lĩnh vực, nội dung giảng dạy chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế của công chức. Đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng có nghĩa là đổi mới theo hướng chuyên sâu vào các chương trình giảng dạy, đặt ra các tình huống cụ thể diễn ra trong thực tế để học viên tự giải quyết nhằm nâng cao kỹ năng giải quyết công việc của công chức, tránh tình trạng học lý thuyết suông, không gắn liền với thực tế, không được thực hành nên cảm thấy nhàm chán. Nội dung chương trình giảng dạy cần cập nhật kiến thức, thông tin trong và ngoài nước, giúp học viên có được cái nhìn thực tế mới mẻ, thực tiễn và có thể áp dụng vào việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao. Đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, giảng dạy có vai trò rất lớn trong quá trình truyền thụ kiến thức, kỹ năng cho người đi học.

 

Thứ ba, cần phải gắn đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng công chức. Khi sử dụng đúng người, đúng chuyên môn không những nâng cao được hiệu quả công việc, cá nhân phát huy được năng lực của mình mà còn tạo ra tâm lý tích cực cho quá trình phấn đấu của công chức. Đó chính là sự trọng dụng kiến thức, kỹ năng có được của công chức. Ngược lại sử dụng công chức không đúng quy hoạch đào tạo, sẽ là sự lãng phí lớn về chi phí đào tạo bồi dưỡng, về nguồn nhân lực. Trong thực tế do nhu cầu nhân lực của ngành nhiều nhưng khó tuyển dụng nhất là ở tuyến tỉnh, huyện, vì thế nên việc sử dụng công chức trái ngành nghề vẫn còn xảy ra, chưa phát huy hết năng lực chuyên môn của công chức và công chức ít nhiều còn gặp khó khăn khi thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, cần tạo điều kiện cho công chức được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thực tế trong ngành, đó là điều kiện để công chức có thể tiếp cận thực tiễn và bổ sung những hụt hẫng trong kinh nghiệm và kiến thức của mỗi công chức.

 

Ngoài ra, để nâng cao năng lực của công chức trong ngành còn có các giải pháp khác như: Khen thưởng, kỷ luật, nhằm tạo động lực để công chức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ; kiểm tra thanh tra thường xuyên trình độ, kỹ năng của công chức, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, tránh tình trạng gửi gắm vào làm dù không có trình độ,... Có thể tổ chức các cuộc thi về kiến thức và kỹ năng cho công chức trong ngành để tạo môi trường làm việc hòa đồng, năng động, vui vẻ, vừa kiểm tra được năng lực cá nhân hay tập thể của mỗi đội tham gia.

 

Nâng cao năng lực của công chức ngành Thanh tra chúng ta không thể nói suông hoặc kêu gọi trong khi đời sống vật chất của họ còn quá nhiều khó khăn. Chính vì vậy, các giải pháp cần gắn liền với các chính sách đãi ngộ, cải thiện tiền lương cho công chức trong ngành, có như vậy mới tạo động lực cho đội ngũ này phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ./.

 

Đỗ Hữu Thùy Dương

Thanh tra tỉnh Long An

 

Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.086.357
Truy cập hiện tại 1.881 khách