Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Tăng cường thực hiện dan chủ trong tự phê bình và phê bình trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng
Ngày cập nhật 25/08/2009

Tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc cơ bản trong hoạt động của Đảng, là quy luật phát triển của Đảng, vũ khí sắc bén vừa để phát huy ưu điểm, vừa để sửa chữa sai lầm, khuyết điểm của Đảng, đồng thời cũng là một nguyên tắc bảo đảm dân chủ trong Đảng và trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

Thực hiện dân chủ trong tự phê bình và phê bình trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng là việc tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức Đảng và đảng viên. Tự phê bình và phê bình tốt sẽ làm rõ đúng, sai, tốt, xấu và giúp cho đảng viên thấy rõ ưu điểm để phát huy và thiếu sót, khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa. Trong thời gian qua, việc thực hiện dân chủ thông qua nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đã đạt được một số kết quả đáng kể. Nhiều nơi, tổ chức Đảng và đảng viên đã nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Uỷ ban kiểm tra đã khơi dậy được ý thức tự giác của đảng viên và tổ chức Đảng khi tiến hành kiểm tra, giám sát từ đó tìm ra nhiều thiếu sót, khuyết điểm, sai lầm của đảng viên, tổ chức Đảng. Nhiều cuộc kiểm tra, giám sát tưởng như rất khó khăn, phức tạp nhưng do giải quyết tốt công tác tư tưởng đã tạo chuyển biến trong tự phê bình và phê bình của đối tượng kiểm tra, giúp cho việc kiểm tra, kết luận, xử lý có chất lượng, hiệu quả. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, việc thảo luận, đóng góp ý kiến cho đối tượng kiểm tra, giám sát cũng được tổ chức Đảng và đảng viên thực hiện với  ý thức trách nhiệm cao, dựa trên tình đồng chí, không thiên tư, không thành kiến, giúp đối tượng kiểm tra, giám sát thành khẩn nhận thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm, tự nhận hình thức kỷ luật đúng tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân của vi phạm. Đồng thời cũng giúp cho đối tượng kiểm tra, giám sát, bị thi hành kỷ luật được giải trình, tự “bào chữa” cho mình để chủ thể kiểm tra, tổ chức Đảng quản lý và tổ chức Đảng, đảng viên có liên quan hiểu rõ hơn về hoàn cảnh, điều kiện mắc khuyết điểm, sai lầm của mình để “chia sẻ”, rút kinh nghiệm, giúp đỡ họ và xem xét, kết luận được khách quan, chuẩn xác hơn, góp phần nâng cao tính dân chủ, tính văn hóa, tính giáo dục trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Hơn nữa, qua tự phê bình và phê bình đã góp phần củng cố chứng cứ để đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, sai trái, nhất là khi đối tượng kiểm tra ngoan cố, không thành khẩn nhận khuyết điểm, vi phạm giúp cho việc xem xét, kết luận được chính xác, khách quan và xử lý được công minh, kịp thời. Ngoài ra, do tự phê bình và phê bình được thực hiện dân chủ, nghiêm túc, nhiều người đã ý thức được tư cách đảng viên, tự giác, thành khẩn nhận khuyết điểm, vi phạm và tích cực khắc phục sửa chữa. Từ đó tổ chức Đảng có thẩm quyền đã xem xét, giảm nhẹ hình thức kỷ luật, giúp cho đảng viên có cơ hội sửa chữa khuyết điểm, sai lầm và ngày càng tiến bộ, đồng thời xử lý nghiêm đối với đảng viên có thái độ quanh co, giấu giếm khuyết điểm, vi phạm.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, việc thực hiện dân chủ trong tự phê bình và phê bình trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng thời gian qua cũng còn một số tồn tại, hạn chế nhất định. Trước hết, trong sinh hoạt đảng cũng như trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, ý thức tự phê bình và phê bình của nhiều đảng viên, tổ chức Đảng giảm sút, nhiều nơi chỉ thực hiện mang tính hình thức, chiếu lệ. Tư tưởng “dễ người dễ ta” trong tự phê bình và phê bình còn khá phổ biến trong sinh hoạt đảng và trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Nhiều cấp uỷ và uỷ ban kiểm tra chưa có biện pháp để phát huy ý thức tự giác của cấp uỷ viên và đảng viên trong công tác kiểm tra, giám sát. Trong công tác thẩm tra, xác minh cán bộ kiểm tra vẫn còn hiện tượng nể nang, né tránh, ngại va chạm; đối tượng kiểm tra ngại gặp cán bộ kiểm tra hoặc tìm lý do để trốn tránh trách nhiệm của mình như ốm, chữa bệnh, bận công tác... Trong tự phê bình và phê bình, nhiều đảng viên, đặc biệt là các cấp uỷ viên sợ khuyết điểm cá nhân, khi tự kiểm điểm tìm cách đùn đẩy trách nhiệm cho tập thể, đổ lỗi cho khách quan, cho người khác hoặc nhận khuyết điểm nhẹ, trốn tránh khuyết điểm lớn. Nhiều đảng viên thiếu tự giác, không nghiêm túc trình bày kiểm điểm theo quy định của Đảng mà chủ yếu nêu thành tích, cống hiến của mình để làm giảm nhẹ vi phạm, mong sự “nương nhẹ” của tổ chức Đảng có thẩm quyền. Một số nơi lợi dụng dân chủ trong tự phê bình và phê bình trong công tác kiểm tra, giám sát để đấu khẩu, đả kích lẫn nhau, xúc phạm nhân cách của đảng viên; phê bình không đúng sự thật, mang tính bịa đặt gây mất đoàn kết, chia rẽ, bè phái, làm giảm đi tính chiến đấu và tình đồng chí. Tình trạng xuê xoa, thoả hiệp, né tránh, ngại đấu tranh với những sai lầm, khuyết điểm của đảng viên còn khá phổ biến, nhất là đối với đảng viên có chức, có quyền nên việc phát hiện vi phạm đối với hành vi tham nhũng của đảng viên chủ yếu do nhân dân tố cáo hoặc báo chí nêu ra. Rất ít vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được phát hiện do đấu tranh tự phê bình và phê bình trong tổ chức Đảng, ngay tại chi bộ. Trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng còn một số biểu hiện mất dân chủ, áp đặt trong tự phê bình và phê bình. Đặc biệt, đây đó vẫn còn hiện tượng trả thù, trù dập, ức hiếp, vô hiệu hoá người thẳng thắn đấu tranh dưới nhiều hình thức tinh vi, khó phát hiện. Lợi dụng dân chủ để đả kích, vu cáo, chia rẽ, mất đoàn kết với mức độ và tính chất khác nhau. Hiện tượng dân chủ hình thức trong tự phê bình và phê bình vẫn diễn ra như cắt ngang ý kiến phát biểu, ngăn chặn ý kiến phát biểu trái ý với mình, không đưa ra thảo luận những vấn đề cần biểu quyết mà tự mình quyết định sau đó thông báo cho hội nghị...
 
Để bảo đảm và tăng cường dân chủ trong tự phê bình trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng trong giai đoạn cách mạng mới, cần thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau:
 
Một là, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên về mục đích, ý nghĩa, tác dụng của dân chủ trong tự phê bình và phê bình trong Đảng nói chung, trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng nói riêng để nêu cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện dân chủ trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Khắc phục kịp thời các biểu hiện lệch lạc về mất dân chủ, dân chủ hình thức trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về dân chủ trong tự phê bình và phê bình nói chung, trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng nói riêng để cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, ủy ban kiểm tra, cán bộ biết để thực hiện tốt cả khi là chủ thể kiểm tra, cả khi là đối tượng kiểm tra và nhân dân biết để giám sát tổ chức Đảng và đảng viên thực hiện.
 
Hai là, ban hành đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, có tính khả thi các quy định của Đảng, bảo đảm cho việc thực hiện dân chủ trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng có chất lượng, hiệu quả. Việc thực hiện dân chủ phải đi liền với giữ vững kỷ cương và kỷ luật của Đảng trong hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng. Trước mắt, sớm ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong Đảng, quy chế về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng và quy chế thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng (kể cả trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng) để có cơ sở, điều kiện thực hiện tốt dân chủ trong lĩnh vực này.
 
Ba là, hoàn thiện quy chế giám sát trong Đảng, quy chế chất vấn trong Đảng theo hướng đảng viên được quyền chất vấn tổ chức Đảng và đảng viên ở mọi cấp trong phạm vi tổ chức và tổ chức thực hiện nghiêm túc, bảo đảm cho đảng viên thực hiện đúng, đầy đủ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.
 
Bốn là, hoàn thiện các quy định, phương pháp kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng theo hướng bảo đảm dân chủ cả đối với chủ thể kiểm tra, tổ chức Đảng quản lý đối tượng kiểm tra, đối tượng kiểm tra và tổ chức Đảng, đảng viên có liên quan đến việc kiểm tra, giám sát, nhất là các quy định về nguyên tắc, phạm vi, nội dung, hình thức, phương pháp, trình tự, thủ tục tự phê bình và phê bình.
 
Năm là, hoàn chỉnh quy định về xử lý người có biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, áp đặt ý kiến cá nhân, vi phạm dân chủ, lợi dụng dân chủ để vu cáo, xúc phạm đồng chí mình, hoặc người có hành động trù dập, trả thù người phê bình, đấu tranh thẳng thắn. Có quy định về cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dũng cảm đấu tranh phê bình, tố cáo khuyết điểm, sai phạm của tổ chức Đảng và đảng viên. Đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định trên trong các cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên./.
 
 

Cao Văn Thống

 

                Phó Vụ trưởng Vụ nghiên cứu, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương

(Nguồn Tạp chí Thanh tra)


Tin mới
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Tổng truy cập 4.063.477
Truy cập hiện tại 360 khách